Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Đức TGM Caccia nhấn mạnh: Trong lĩnh vực giáo dục, vai trò của cha mẹ là không thể thay thế và không thể chuyển nhượng, “không thể hoàn toàn được uỷ thác hoặc bị tước đoạt bởi người khác”. Giáo dục là “một yếu tố nền tảng cho sự phát triển bền vững cho phép mọi người có được những kỹ năng cần thiết để tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội”.
Do đó, theo Đức TGM Caccia, việc đầu tư vào giáo dục là rất quan trọng. Ngài khuyến nghị sự hỗ trợ và giúp đỡ đầy đủ cho gia đình, tế bào căn bản của xã hội, trường học đầu tiên của đời sống xã hội. Ngài giải thích: “Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và có quyền và trách nhiệm đảm bảo rằng con cái họ nhận được một nền giáo dục đầy đủ và toàn diện nhằm thúc đẩy hạnh phúc của chúng về mọi mặt - thể chất, tinh thần, đạo đức, thiêng liêng và xã hội - của đời sống con người”. Do đó, Đại diện của Toà Thánh kêu gọi các quốc gia và chính quyền bảo đảm quyền này và các điều kiện cụ thể cần thiết cho việc thực thi quyền này”.
Theo quan sát viên thường trực của Tòa Thánh, khi thiếu giáo dục, thì những công cụ cần thiết cho sự phát triển nhân bản, đạo đức và xã hội của con người cũng sẽ không được đảm bảo, đồng thời kéo theo sự thiếu hụt những điều kiện cần thiết để phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói.
Đức TGM Caccia nhấn mạnh: “Nghèo đói là sự xúc phạm đến phẩm giá con người” và không chỉ bao gồm việc “thiếu nguồn tài chính”, mà còn thiếu các nhu cầu cơ bản bao gồm, ngoài giáo dục, còn có nhà ở, điện, nước uống và chăm sóc sức khỏe”. Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York lưu ý: “Những tiến triển cần thiết để xóa nghèo đói dự kiến vào năm 2030 vẫn chưa được thực hiện”, đồng thời yêu cầu “một nỗ lực phối hợp và ngay lập tức từ phía cộng đồng quốc tế để đưa chúng ta trở lại đúng hướng”, đồng thời dấn thân tạo ra một mô hình phát triển đặt trọng tâm vào con người và hướng tới lợi ích chung.
Theo Đức Tổng Giám mục, mục đích tối thượng của giáo dục là “cho phép mỗi người phát huy hết tiềm năng của mình, hội nhất các giá trị và đức tính nền tảng”. Giáo dục góp phần chấm dứt tình trạng loại trừ và “đổi mới cơ cấu các mối quan hệ hướng đến một nhân loại có khả năng nói ngôn ngữ của tình huynh đệ”. Hơn nữa, Đức Tổng giám mục còn nhấn mạnh rằng ngoài tình huynh đệ nhân loại, các chương trình giáo dục nên thúc đẩy “một nền văn hóa chăm sóc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta”.
Ngài kết luận: “Tòa Thánh, đặc biệt thông qua những dấn thân không mệt mỏi của nhiều trường học, đại học và cơ sở giáo dục Công giáo trên khắp thế giới, sẽ tiếp tục thực hiện phần việc của mình để đảm bảo rằng mọi người đều được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng, phù hợp với phẩm giá của con người và ơn gọi chung của chúng ta là tình huynh đệ”.
Nguồn: vaticannews