Kinh tế Phanxicô #1 | Điểm đồng quy của môi sinh, tình huynh đệ và người trẻ

nen-kinh-te-Phanxico.jpeg

Hệt như sự cách biệt của hai cực trong cung điện giải, những cam kết về biến đổi khí hậu lẫn cuộc chiến chống đói nghèo dường như càng lúc càng đi vào ngõ cụt.[1] Liệu có thể phác thảo một hướng lối tiếp cận khả dĩ nhằm cùng lúc đạt tới điểm hài hoà không chỉ hai vấn nạn nêu trên mà còn vạch ra những viễn ảnh mới mẻ? Việc phác thảo một nền kinh tế như thế, quả thực, chưa từng là một nhiệm vụ dễ dàng.

Thiết tưởng hướng tiếp cận khả dĩ và đột phá là một viễn ảnh nhấn mạnh đến tầm nhìn có tính ngôn sứ về môi sinh. Cụ thể, ngoài tính bền vững về mặt sinh thái; các khía cạnh xã hội, tương quan và tinh thần của tính bền vững cũng cần được coi trọng. Dĩ nhiên, nhiều kinh tế gia hay triết gia chính trị đã có những đề cập hay viễn ảnh suy tư phần nào thấu đáo. Các nhà tư tưởng này đã có những phê bình hữu lý về một nền kinh tế chỉ vận hành theo hướng lối tối đa hóa lợi nhuận hay tối đa hóa của cải vật chất. John Rawls (1921-2002), chẳng hạn trong “A Theory of Justice”, đã đưa ra luận điểm nổi tiếng “Justice as Fairness”[2] – “công bằng xét như ngang bằng”. Ngang qua luận điểm này, ông đã có lưu tâm nhất định đến khía cạnh tương quan và xã hội khi đề cập đến lối tiếp cận phát triển kinh tế trong khoảng những năm cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, một lối nhìn toàn thể về một nền kinh tế thực sự đặt trọng tâm nơi chiều kích huynh đệ, quyền con người và “quyền của trái đất” thì vẫn chưa được biểu đạt thấu đáo; đúng hơn, như cách nói của Gaël Giraud, là chưa ai trong giới hàn lâm dám mạo hiểm đề xuất một hướng lối như thế![3] Kinh tế Phanxicô, một cách nào đó, khởi đi từ những khía cạnh đã phân tích ở trên cùng với viễn ảnh xây dựng một nền kinh tế hữu nghị với trái đất, một nền kinh tế gắn với tình huynh đệ và đặt người trẻ làm trung tâm. Lối tiếp cận này được lấy cảm hứng từ thánh Phanxicô Assisi và được soi sáng ngang qua những thông điệp gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô: Laudato si' (2015) và Fratelli Tutti (2020).

Hơn nữa, điểm dễ nhận thấy là kinh tế Phanxicô được hình thành qua những gợi hứng bởi thánh Phanxicô Assisi - nghĩa là dấn thân và đặt người nghèo ở trung tâm. Bắt đầu với người nghèo, lối tiếp cận này cho rằng khi nhân loại nhìn vào nền kinh tế cũng là lúc nhìn ra thế giới với những viễn tượng của tình huynh đệ đối với những người chịu tổn thương nhất trong quá trình phát triển. Nói khác đi, không có sự tôn trọng, quan tâm và yêu thương đối với người nghèo, người bên lề và người dễ bị tổn thương thì không thể định hình kinh tế Phanxicô. Tuy nhiên, điều này không chỉ có nghĩa là làm việc cùng người nghèo, mà đúng hơn là thay đổi các thức vận hành nền kinh tế. Thay vì hô hào chống lại đói nghèo; điều cấp bách là thay đổi cách thức vận hành và, quan trọng hơn cả, lối nhìn về nền kinh tế hiện tại để chống lại sự khốn cùng, sự nghèo khổ mà những người dễ bị tổn thương nhất trong tiến trình chuyển đổi sinh thái. Nếu nói theo ngôn ngữ Ki-tô giáo, việc bảo vệ đức tin không thể tách rời với việc thăng tiến công bình.[4]

Cuối cùng, người trẻ là những hạt nhân chính yếu trong dự phóng về kinh tế Phanxicô. Như được đề cập trong hội nghị về Kinh tế Phanxicô (The Economy of Francesco) ngày 24/09/2022 tại Assisi: “những người trẻ được kêu gọi trở thành những nghệ nhân và những người xây dựng nên ngôi nhà chung của chúng ta. Quả thực, các thế hệ trước đã để lại cho những người trẻ hôm nay không ít sự thịnh vượng và tiến bộ, nhưng, mặt khác, đã không biết cách bảo vệ hành tinh và cũng chẳng biết cách đảm bảo hòa bình.” [5] Trách nhiệm của nhân loại hôm nay đối với thế hệ tương lai là quá hiển nhiên. Lời kêu gọi về việc phát triển một nền kinh tế bền vững, vì thế, không thể tách rời với việc kiến tạo khoảng không gian để người trẻ được tỏ bày ý kiến cũng như thực thi quyết định.

Những tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô có lẽ là điều đúc kết đẹp đẽ hơn cả về kinh tế Phanxicô: “gửi đến các con, những người trẻ, ta giao phó cho các con nhiệm vụ làm mới và đặt tình huynh đệ trở lại trung tâm của nền kinh tế. Ta cần các con và ước mong những người trẻ như các con cùng suy tư, cùng học tập và thực hành, để chứng minh rằng có một nền kinh tế khác đang tồn tại – một nền kinh tế tôn trọng sự sống, yêu mến con người và môi sinh. Đừng sờn lòng nản chí!”[6]

Nguồn: vaticannews

[1] COP 27, “Historic Climate Deal Sealed at COP27 as Climate Conference Takes a Leap to Save Lives and Livelihoods”, COP 27, November 20, 2022, accessed October 01, 2023,  https://cop27.eg/#/news/259/Historic%20 Climate%20 Deal%20 Sealed%20a.

[2] John Rawls, A Theory of Justice, 3rd ed. (Cambridge: Harvard University Press, 1999), 3-5.

[3] Gaël Giraud, La Rivoluzione Dolce della Transizione Ecologica: Come Costruire un Futuro Possible (Roma: Libreria Editrice Vaticana, 2022), 10.

[4] The Society of Jesus, Our Mission Today: The Service of Faith and The Promotion of Justice, Degree 4, GC 32, http://www.sjweb.info/sjs/documents/CG32_D4_eng.pdf (accessed at October 03, 2023)

[5] EoF, “Message of His Holiness Pope Francis to Participants in International Event of The Economy of Francesco at Assisi,” EoF, September 24, 2022, accessed September 01, 2023, https://francescoeconomy.org/it/

[6] Ibid,.

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê