Giáo hội Công giáo luôn nói không với chiến tranh và gần gũi với tất cả nạn nhân

noi-ko-voi-chien-tranh.jpeg

Từ nhiều năm qua, Toà Thánh tiếp tục trung thành thực hiện vai trò này. Thế nhưng, gần đây một số người đã phê bình Toà Thánh, cho rằng Vatican không có lập trường rõ ràng, dứt khoát trước các xung đột.

Cuộc chiến ở Ucraina

Như trong một cuộc trò chuyện trực tuyến với những người tham dự Đại hội Giới trẻ Nga ở St. Petersburg tháng 8/2023, trong đó Đức Thánh Cha bị chỉ trích là đã khuyến khích các tư tưởng đế quốc, cụ thể là Nga, trong khi ngài vẫn liên tục lên án cuộc chiến do Nga gây ra ở Ucraina. Thực tế, trong cuộc trò chuyện này, sau khi nhắc lại lời mời trở thành những người gieo hạt giống hòa giải, Đức Thánh Cha đã yêu cầu những người tham dự đừng bao giờ quên di sản của mình. Sau đó, ngài đề cập đến nước Nga vĩ đại và lịch sử văn hóa của Nga, đồng thời trích dẫn lời của Peter Đại đế và nữ hoàng Catarina II.

Những lời của Đức Thánh Cha - được công bố trên trang web của Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa ở Mátxcơva - đã gây ra một số phản đối từ Ucraina, chỉ trích lời chào của Đức Thánh Cha là sự khuyến khích các tư tưởng đế quốc. Nhưng thực tế, Đức Thánh Cha có ý khuyến khích những người trẻ bảo tồn và phát huy những gì là tích cực trong di sản văn hóa và tinh thần vĩ đại của nước Nga, chứ không phải khuyến khích các tư tưởng đế quốc.

Liên quan đến cuộc trò chuyện này, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Đức Tổng Giám Mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina nói tại Thánh Hội đồng Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina đã diễn ra tại Roma vào tháng 9 vừa qua, cho biết: Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích ý nghĩa những lời phát biểu của ngài, nói rõ ý định của ngài. Đức Thánh Cha nói một câu rất hay, theo ý Đức Tổng Giám Mục trưởng, nên được ghi vào sách ngoại giao: “Tôi biết rằng đôi khi anh chị em tự hỏi Giáo hoàng đứng về phía nào. Nhưng tôi đảm bảo với anh em rằng tôi ở bên anh chị em”.

Vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina nói: “Chúng tôi đã nói chuyện với ngài về hiện tượng văn hóa Nga, điều sau đó được hòa nhập vào hệ tư tưởng của Russkiy Mir, của thế giới Nga. Đức Thánh Cha trả lời rằng đây là một thảm kịch thực sự, và nó gây ra nỗi đau buồn sâu sắc khi nền văn hóa vĩ đại của một quốc gia bị lọc bởi sự thao túng của các chính trị gia trở thành một hệ tư tưởng giết người. Ngài nói thêm rằng thật là một thảm kịch nếu một Giáo hội tán thành loại hệ tư tưởng này và thay thế cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Và ngài kêu gọi chúng tôi đừng rơi vào bất kỳ loại ý thức hệ nào, và hãy lắng nghe người dân”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này Đức Tổng Giám Mục trưởng nói người dân Ucraina đã hỏi: Đức Thánh Cha ở bên ai?  Và sau Thánh Hội đồng đó, sau cuộc gặp với Đức Thánh Cha, các Giám mục Ucraina cuối cùng đã có thể trả lời những người đang đặt câu hỏi này. Và họ đã có thể trả lời: “Đúng, Đức Thánh Cha ở bên chúng ta. Ngài hiểu rằng Ucraina đang bị giày xéo và người dân Ucraina đang phải chịu đựng một cuộc chiến tranh vô nghĩa, bất công cần phải chấm dứt”.

Xung đột giữa Israel và Hamas

Về xung đột giữa Israel và Hamas, nhiều lần Đức Thánh Cha và Toà Thánh khẳng định giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất dẫn đến hoà bình và có lập trường dứt khoát trước cuộc xung đột, chứ không có lập trường chung chung.

Gần đây phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève, Đức Tổng Giám Mục Ettore Balestrero, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và các Cơ quan chuyên môn ở Genève đã nhắc lại lời lên án “dứt khoát” và “không thể thay đổi” của Tòa Thánh đối với cuộc tấn công khủng bố vô nhân đạo do Hamas gây ra vào ngày 7/10.

Ngài nói chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan khơi dậy hận thù, bạo lực, trả thù và gây ra đau khổ cho nhau, và lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về việc thả tất cả các con tin ngay lập tức.  Đại diện Tòa Thánh lưu ý rằng trong khi Tòa Thánh tái khẳng định quyền tự vệ, nguyên tắc tương xứng phải luôn được tôn trọng. Trong bối cảnh này, ngài nhắc lại mối quan tâm sâu sắc của Tòa Thánh đối với tình hình nhân đạo thảm khốc ở Dải Gaza, lưu ý rằng hàng ngàn người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có hơn 5.000 trẻ em.  Đau khổ của người dân là không thể chấp nhận được.

Ngài nhấn mạnh cam kết của Tòa Thánh đối với giải pháp hai nhà nước, đồng thời khẳng định rằng Tòa Thánh tin tưởng rằng đây vẫn là một lựa chọn khả thi để đạt được nền hòa bình.

Như vậy, lập trường của Toà Thánh và Đức Thánh Cha là đã rõ, nhưng những phê bình vẫn tiếp tục nhắm vào Toà Thánh và Đức Thánh Cha.

Toà Thánh luôn nói “không” với chiến tranh

Và một lần nữa trả lời cho những phê bình này, ông Andrea Tornielli, Tổng Biên tập Vatican News nói, với sự gia tăng các mối đe doạ chiến tranh và sử dụng các loại vũ khí ngày càng tinh vi và huỷ diệt cao, trong hơn một thế kỷ qua Toà Thánh đã nhiều lần mạnh mẽ tuyên bố nói “không” với chiến tranh. Từ lời kêu gọi ngôn sứ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV chống lại “cuộc thảm sát vô nghĩa” của cuộc Đại Chiến đến những lời được nhắc lại trong mọi trường hợp của Đức Thánh Cha Phanxicô về chiến tranh như một sự thất bại của nhân loại, huấn quyền của các Giám mục Roma đã làm rõ và đào sâu rằng không có “chiến tranh chính nghĩa” và ngay cả quyền tự vệ cũng phải thích đáng, như Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy.

Từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược do Nga gây ra chống lại Ucraina, và tiếp đến một lần nữa trong những tuần vừa qua cuộc tấn công vô nhân đạo tàn bạo của Hamas chống lại thường dân Israel, và sau đó là cuộc phản công của quân đội Israel đã san bằng nhiều ngôi nhà ở Gaza, giết hại hàng ngàn người Palestine vô tội, đã có những phê bình nổi lên chống Đức Thánh Cha và Toà Thánh. Thái độ của Đức Thánh Cha và Toà Thánh bị một số người lầm tưởng là “trung lập”, như thể ở Vatican, do sử dụng con đường ngoại giao một cách thái quá nên không thể đánh giá được đúng sai của các bên xung đột.

Trước các cuộc chiến tranh Toà Thánh không bao giờ “trung lập”

Tuy nhiên, một lần nữa điều đáng nhớ là trước các cuộc chiến tranh Toà Thánh không bao giờ “trung lập” hay “ngang bằng”. Trái lại, Toà Thánh luôn cố gắng không thiên vị, vô tư, nghĩa là không tham gia vào cuộc xung đột, đồng thời “gần gũi như nhau” không phải với những người gây ra chiến tranh nhưng với những người đau khổ, những người phải gánh chịu hậu quả của các cuộc xung đột, sát hại thường dân, những người bị thương, cha mẹ của những người lính đã ngã xuống, những nạn nhân vô tội của nạn khủng bố và sự trả thù.

Vatican News đưa tin nhắm đến hy vọng

Các phương tiện truyền thông của Vatican không thể đi theo đường lối xã luận tương tự. Việc bác bỏ sự phân cực là đặc tính không chỉ đối với các cuộc chiến tranh đang diễn ra mà còn của thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay nói chung. Giữ các kênh đối thoại cởi mở với mọi người, không bao giờ đóng cửa, với hy vọng đạt được một lệnh ngừng bắn và sau đó là đàm phán cho một nền hòa bình chính đáng, quan tâm đến những nạn nhân vô tội dù họ thuộc phe nào.

Phản ánh về những nguyên nhân ít nhiều xa xôi của một cuộc xung đột, tránh sử dụng ngôn ngữ hận thù và bôi xấu hoàn toàn không có nghĩa là Toà Thánh bỏ qua việc có kẻ xâm lược, có kẻ tấn công, thậm chí cũng không bỏ qua tính chính đáng của việc tự vệ. Trái lại, điều này cũng có nghĩa là Toà Thánh luôn ở bên tâm hồn số phận của những người vô tội, không bao giờ dập tắt ngọn lửa âm ỉ của niềm hy vọng hòa bình, nắm bắt từng dấu hiệu nhỏ của sự cởi mở dù đến từ đâu, tin tưởng vào ngoại giao, và trên hết là lo lắng cho số phận của các nạn nhân, người bị thương tích, người phải di dời. Nó cũng có nghĩa là tránh xa lý luận phân cực và suy nghĩ đơn lẻ.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu có thể lên án vụ tấn công khủng bố vô nhân đạo của Hamas nhằm vào thường dân Israel, đồng thời cũng đặt nghi vấn về phản ứng vũ trang của quân đội Tel Aviv trước nhiều nạn nhân và thảm trạng nhân đạo ở Gaza không?

Câu trả lời là có những xung đột trong đó việc ủng hộ là không bao giờ thích hợp, và cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông chắc chắn là một trong số những cuộc xung đột đó. Cuộc xung đột này được tạo ra từ một tình huống rất phức tạp, trách nhiệm của một số người cộng thêm vào trách nhiệm của những người khác và không thể biện minh.

Khi cố gắng nói về các cuộc chiến đang diễn ra và đưa ra những gợi ý để suy tư, ngọn hải đăng của chúng ta được thể hiện bằng những lời ngôn sứ của Người kế vị Thánh Phêrô, đang tiếp tục cảnh báo toàn thể nhân loại trước nguy cơ chiến tranh toàn cầu và sự tự huỷ diệt. Trong hoạt động báo chí, Vatican cố gắng tách những sự kiện với những quan điểm, và quan điểm của kênh truyền thông Vatican với quan điểm của những người khác. Khi trích dẫn quan điểm của người khác và đưa ra những tiếng nói mà dường như gây chú ý không có nghĩa là Vatican chia sẻ điều đó. Đúng hơn điều này có nghĩa là Vatican News cố gắng hiểu bằng cách coi trọng những tiếng nói phê bình và ít ý thức hệ.

Nguồn: vaticannews

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê