Trong sứ điệp, Đức Hồng Y nói rõ Ngày Thuỷ sản Thế giới là cơ hội để thực hiện lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong Laudato si’ và Laudate deum. Ở nhiều nơi trên thế giới cộng đồng ngư dân đang phải chịu đựng khủng hoảng khí hậu và kinh tế. Có những vấn đề kinh tế và cạnh tranh không lành mạnh khiến nghề đánh cá gặp nguy hiểm, đặc biệt các tàu đánh cá của các gia đình. Và trong những tháng gần đây, nhiều yếu tố đang gây nguy hiểm cho nghề đánh bắt thủ công, tạo điều kiện thuận lợi cho những người bóc lột lao động và hoạt động bất công.
Từ cái nhìn Tin Mừng, Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện giải thích rằng nghề đánh bắt cá là công việc của các môn đệ đầu tiên. Thánh Gioan kể lại mẻ cá lạ như một kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh (Ga 21, 1-14). Sau một đêm không thành công, Đấng Phục Sinh tỏ quyền năng cho các ông “Thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá”. Tin tưởng vào Lời Chúa, Phêrô và các môn đệ khác đã có được một một mẻ cá vượt quá mong đợi. Như thế, các môn đệ đã học được cách hy vọng.
Đức Hồng Y viết: “Ngày nay, chúng ta vẫn cần những ngư phủ, những người gìn giữ hành động đức tin được lặp lại mỗi khi thả lưới. Thực vậy, việc đánh bắt cá không tuỳ thuộc vào tài khéo của con người, nhưng còn tuỳ thuộc vào điều kiện của biển và sự quan phòng của Thiên Chúa. Đánh cá là một hành động tin tưởng được đổi mới mỗi đêm, giúp chúng ta hiểu được giá trị của đức tin”.
Với ý nghĩa này, Đức Hồng Y mời gọi mọi người cầu nguyện cho ngư dân và gia đình họ. Đồng thời cám ơn họ vì công việc quý giá họ đang thực hiện. Bởi vì, những người đánh cá là những người canh gác sự cân bằng và có thể là những người tiên phong của hệ sinh thái toàn diện, nhưng hoạt động khó nhọc của họ lại thường không được xã hội công nhận đầy đủ.
Cuối sứ điệp, hướng về các ngư dân, Đức Hồng Y ca ngợi đức tin đơn sơ của họ là sự phong phú cho Giáo hội đang sống giai đoạn Thượng Hội đồng. Ngài viết: “Anh chị em xây dựng Giáo hội, kết hợp mỗi ngày đức tin và công việc. Những chứng từ tốt đẹp về đối thoại liên tôn và sự chung sống giữa các dân tộc được nhân lên trên những con thuyền của anh chị em. Từ những thế kỷ đầu, con thuyền đã là hình ảnh thường được dùng để diễn tả Giáo hội, một cộng đoàn đi trên biển lịch sử giữa giông bão và bình yên”.
Và ngài cầu chúc các ngư dân: “Với sự khôn ngoan và tự do, cùng với Giáo hội anh chị em hãy chăm sóc nhân loại này. Với tư cách là những người bảo vệ biển cả và những người lao động lương thiện, hãy giúp Giáo hội không mệt mỏi thả lưới, biến nhân loại thành một gia đình của những anh chị em; biến trái đất, bầu trời và biển cả thành một sự sáng tạo mới”.
Nguồn: vaticannews