Chống lại các hoạt động chiến tranh
Đức Hồng Y Parolin bày tỏ sự lo ngại về tình hình tại Trung Đông. Ngài lặp lại lời lên án đối với các hành động chiến tranh chống lại các bệnh viện. "Tôn trọng bệnh viện và nơi thờ phượng là một khía cạnh cơ bản của luật nhân đạo quốc tế. Không có lý do gì để sử dụng bệnh viện cho bất kỳ hành động chiến tranh nào cả". Vì vậy, ngài cho rằng lợi dụng bệnh viện vào mục đích chiến tranh và việc phản ứng chống lại việc này đều hoàn toàn đáng lên án.
Thả con tin và ngừng bắn
Khi được các phóng viên đặt câu hỏi về một cuộc gặp có thể có giữa Đức Thánh Cha và gia đình các con tin, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin đã nói: "Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết vấn đề này, chúng tôi hy vọng có thể thực hiện sớm nhất có thể ". Ngài hy vọng việc giải thoát các con tin có thể xảy ra và cũng chỉ ra rằng việc thả các con tin "là một trong những điểm cơ bản của giải pháp cho vấn đề hiện tại, cho khía cạnh nhân đạo, của những người ở đó: các phụ nữ, đàn ông, trẻ em, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai". Điểm cơ bản khác được ngài nhấn mạnh là "ngừng bắn" và đồng thời là "cho phép viện trợ và chăm sóc những người bị thương".
Quan tâm lo lắng cho cộng đoàn Kitô hữu tại Gaza
Đức Hồng y Parolin chia sẻ mối quan tâm của Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh của Giêrusalem, đối với cộng đoàn Kitô hữu ở Gaza, một cộng đồng chỉ có 150 người, hiện đang trú ẩn trong khuôn viên của nhà thờ giáo xứ Thánh Gia ở Gaza. Và ngài nói: "Mối quan tâm này mở rộng đến tất cả mọi người, bởi vì trái tim của Giáo hội không thể đóng cửa đối với người khác", đồng thời nhấn mạnh "việc mở những nơi chốn này cho những ai muốn sử dụng và yêu cầu quan tâm chú ý và chăm sóc mọi người".
Vấn đề xuất cư của Kitô hữu
Một vấn đề nữa cũng được Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói đến, đó là nguy cơ xung đột đang diễn ra "sẽ góp phần tiếp tục và có lẽ làm gia tăng cuộc xuất cư của các Kitô hữu, một thực tế bi thảm ở Thánh Địa và khắp Trung Đông", nơi xung đột luôn là một trong những "lý do cơ bản của cuộc xuất cư của các Kitô hữu", bị thúc đẩy bởi bạo lực "phải rời đi để tìm sự an toàn và bình an ở những nơi khác".
Theo Đức Hồng y, có vẻ như Ai Cập và Qatar đang làm điều gì đó. Và Tòa Thánh cũng đang liên lạc - không có sự trung gian trực tiếp - với nhiều người đối thoại khác nhau để cố gắng giúp đỡ và cổ võ một giải pháp cho vấn đề".
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Cuối cùng, Đức Hồng y Parolin hy vọng về một Hội nghị Helsinki mới, theo bước sự kiện năm 1975 đã ngăn lại cuộc Chiến tranh Lạnh. Ngài nhận định rằng cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một tín hiệu tích cực. Đối với ngài, đây chắc chắn là "một bước tiến trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ... một tiến bộ trong tình hình căng thẳng chung.
Một Hội nghị "Helsinki" mới
Và Đức Hồng y Parolin khẳng định: "Chắc chắn rằng nếu mọi người sẵn sàng, chúng ta thực sự có thể triệu tập một hội nghị quốc tế, nơi tinh thần Helsinki được hồi sinh". Nhưng trước tiên chúng ta cần "tìm lại sự tin tưởng lẫn nhau ở mức tối thiểu, đây cũng là điều ngày nay đang thiếu. Chúng ta không chấp nhận nhau, chúng ta nghi ngờ, thậm chí thù địch...". Ngược lại, Helsinki "được sinh ra chính từ niềm tin rằng chúng ta có thể cùng nhau làm điều gì đó, rằng chúng ta có thể đạt được một số tiến bộ". Từ quan điểm này, Đức Hồng Y bày tỏ sự lạc quan: "Chúng ta luôn nói về những điều tiêu cực, rất nhiều, quá nhiều", nhưng "cũng có một số dấu hiệu hy vọng. Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ được củng cố".
Nguồn: vaticannews