Trong thư được đăng trên báo “Die Welt”, Thế giới, ra ngày 22 tháng Hai vừa qua, ở Đức, bốn nữ đại biểu (Katharina Westerhorstmann, Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz, Dorothea Schmidt và Marianne Schlosser) thuộc Con đường Công nghị, từ năm 2019, viết rằng: Mục đích của Con đường Công nghị mà người ta tuyên bố là để cứu xét những vụ lạm dụng tính dục trong Giáo hội Công giáo Đức. “Nhưng trong hành trình này, các giáo huấn và xác tín nòng cốt của Công giáo bị đặt lại vấn đề. Vì thế, chúng tôi không thể tiếp tục con đường này, qua đó chúng tôi thấy rằng Giáo hội tại Đức ngày càng xa lìa Giáo hội hoàn vũ”.
Bốn phụ nữ cho biết chính vì thế họ quyết định không tham dự khóa họp toàn thể, từ ngày 09 đến ngày 11 tháng Ba tới đây và rời bỏ Con đường này. Họ nói: “Chúng tôi từ nhiệm”.
Bốn phụ nữ nhận xét rằng: Con đường Công nghị Đức cố tình không biết đến những can thiệp nhiều lần và sự minh xác của các vị hữu trách ở Vatican và Đức Giáo hoàng. “Vì thế, tiếp tục tham dự con đường này có nghĩa là ủng hộ một tiến trình hiển nhiên kéo Giáo hội tại Đức xa lìa Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Chúng tôi không thể và không muốn chia đồng trách nhiệm về vấn đề này”. Những nghị quyết trong ba năm qua do Con đường Công nghị đề ra không những đặt lại vấn đề những nền tảng thiết yếu của Thần học, nhân loại học và đường lối thực hành của Giáo hội Công giáo, nhưng trong một số trường hợp còn hoàn toàn thay đổi chúng. Người ta không thấy rõ một lập luận thần học có giá trị. Những vấn nạn bênh vực đạo lý giá trị hiện nay của Giáo hội, Con đường Công nghị hầu như không để ý tới.
Con đường Công nghị ở Đức có 230 đại biểu, trong đó có các giám mục thuộc 27 giáo phận ở Đức cùng với Ủy ban trung ương giáo dân Công giáo Đức. Các tham dự viên thảo luận về tương lai của Giáo hội tại Đức, điểm khởi hành là cuộc khủng hoảng của Giáo hội bị gia tăng vì nạn lạm dụng tính dục. Mục đích chính là thay đổi luân lý tính dục của Hội thánh, cụ thể là chấp nhận đồng tính luyến ái, tìm một lối sống khác cho linh mục, bãi bỏ luật độc thân, phân chia quyền bính, cụ thể là dân chủ hóa Giáo hội, và đề cao vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, kể cả việc truyền thánh chức cho phụ nữ.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
(KNA 22-2-2023)
Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org/