Một số qui tắc giúp duy trì chữ "hòa" trong đời sống vợ chồng
Trong thời gian yêu nhau, họ có ít cơ hội đi lại tìm hiểu, gần gũi tâm sự, vì hoàn cảnh cư trú và do đặc thù công việc. Một điều khiến chị phải suy nghĩ nhiều, đó là mặc dù anh có vẻ tỏ ra trách nhiệm nhưng lại sống khô khan và thiếu tình cảm. Chị thú nhận, chị đến với hôn nhân phần lớn là lý trí mách bảo, bởi anh là người trách nhiệm với mọi thứ xung quanh. Đây có lẽ là sai lầm của chị.
Thực sự, khi lấy nhau về rồi, chị mới thấy cuộc hôn nhân này là một thảm hoạ, vì tính tình anh quá chi li, quá cẩn thận, quá nguyên tắc. Anh luôn cau có, phàn nàn và sẵn sàng sửng cồ chửi đổng mỗi khi không vừa ý. Đỉnh điểm khi cãi nhau, anh luôn đuổi chị cút đi, biến đi, dù đây chỉ là nhà thuê.
Ở với anh nhiều khi chị thấy ngột ngạt, anh cứ như cái máy không cảm xúc, mọi thứ luôn phải có kế hoạch, ngày này phải làm gì, giờ kia phải làm gì. Nếu hôm nào chị về muộn hay lệch giờ là anh sẽ “rồ lên”. Anh ra ngoài luôn tươi cười với mọi người nhưng về nhà thì không thể kiểm soát được sự giận dữ, sẵn sàng cáu giận khi không vừa ý việc gì đó.
Trong cuộc sống vợ chồng, dường như họ xung khắc nhau trong mọi việc, từ chuyện ăn uống, giặt giũ, cho tới giờ giấc đi làm, đi chơi. Chị cảm thấy áp lực nặng nề và tỏ ra quá mệt mỏi. Sự cố mới nhất xảy ra là anh xen vào chuyện chị nghe điện thoại, anh chị cãi nhau và anh lên tiếng đuổi chị ra khỏi nhà. Cuộc sống cứ như là hỏa ngục. Hai vợ chồng dường như không tìm thấy một giây phút nào êm ái, bình an cả…[1]
Qua câu chuyện hai vợ chồng này, chúng ta thấy điều gì? Đó là một cuộc hôn nhân luôn bất hòa và không hạnh phúc. Ngoài vấn đề chất lượng tình yêu họ dành cho nhau quá hời hợt, khô cằn thì cuộc sống chung đụng giữa hai người dường như đối nghịch nhau, họ không có một sự hòa hợp nào, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Đúng như lời một danh nhân đã nói, “Cãi lộn chiếm phần lớn đời sống hôn nhân, phần còn lại không có gì đặc sắc” (Thornoton Wilder).
Quả thực, sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng là món quà quý giá nhất mà tình yêu chân thực có thể ban tặng cho đôi bạn. Ông bà ta đã nói: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Nhưng nếu không đạt được sự hòa hợp, hòa thuận cần thiết thì cuộc hôn nhân xem ra bất hạnh và có nguy cơ đổ vỡ.
Có người đã nhận định, “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối” (Raymond Hull). Đúng vậy. Rắc rối thường xảy ra nhất có lẽ là sự bất đồng tâm lý và cách ứng xử giữa hai người. Có những bất đồng nho nhỏ về chuyện cơm ăn, áo mặc hằng ngày. Nhưng cũng có những bất đồng nặng nề liên quan những vấn đề lớn trong gia đình như chọn chỗ ở, thay đổi nghề nghiệp, giáo dục con cái, việc chi tiêu trong gia đình, việc dựng vợ gả chồng cho con cái vv.
Tuy nhiên, trước những bất đồng, xung khắc, mâu thuẫn nào đó trong đời sống vợ chồng, nếu đôi bạn biết tìm ra những cách thức giải quyết cơ bản nhất thì tất cả những rắc rối sẽ dần được hóa giải. Trên hết, vẫn là dựa vào tình yêu mà hai người đã đoan hứa dành cho nhau ngày kết hôn. Chính tình yêu là chìa khóa giúp giải quyết mọi vướng mắc của cuộc sống lứa đôi, như ca dao có câu: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, / Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
Sau đây, chúng ta sẽ bàn về một số quy tắc căn bản nhằm giúp các đôi vợ chồng duy trì được chữ HÒA trong đời sống chung. Chữ HÒA ở đây sẽ bao hàm nhiều ý nghĩa, có thể là Hòa Hợp, có thể là Hòa Thuận, cũng có thể là Hòa Đồng, Hòa Hoãn, Hòa Giải, Hòa Bình vv… Dưới đây là 6 quy tắc phổ biến mà bất kỳ ai đã và đang sống đời vợ chồng đều có thể coi đó như chìa khóa “vàng” giúp ngăn ngừa những bất đồng, bất hòa rất thường xảy ra trong đời sống hôn nhân.
I.- HÃY BIẾT MÌNH VÀ BIẾT NGƯỜI
Quy tắc đầu tiên mà chúng ta đề cập, đó là “Hãy biết mình và biết người”. Trong binh pháp người xưa thường nói “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Trong đời sống vợ chồng, người này biết rõ, hiểu đúng người kia, sẽ là chìa khóa vàng giúp hôn nhân hòa hợp và hạnh phúc lâu dài. Một danh nhân đã nói: “Hôn nhân không thể hạnh phúc nếu trước khi lấy nhau hai người không biết rõ tính tình, thói quen và tính cách của nhau” (H. de Balzac).
Chúng ta biết rằng, thông thường trước khi kết hôn, đôi bạn đều có thời gian “vàng” để tìm hiểu nhau. Có người trải qua năm, bảy năm. Có người cả chục năm, nhưng cũng có trường hợp chỉ vài ba tháng. Các nhà chuyên môn gọi thời gian này là “Tiền hôn nhân”. Tuy nhiên, việc tìm hiểu nhau có đạt được kết quả hay không còn tùy thuộc vào ý hướng và thiện chí của đôi bạn.
Khi tìm hiểu nhau, người ta thường lưu ý các bạn đến các yếu tố sau: a/- Về bản thân bạn trai hay gái như: Tính tình, tính cách, sở thích, sở trường, sở đoản, nghề nghiệp, học vấn, tập quán, thói quen, nền tảng giáo dục, đời sống đạo đức luân lý, nhận thức về hôn nhân gia đình, về tiền sử bệnh tật vv…; b/- Về gia đình đôi bên; c/- Về các mối quan hệ xã hội của hai bạn…
Rất nhiều bạn, sau một thời gian ngắn kết hôn, đã vội chia tay. Họ thường vịn vào lý do “Không hợp nhau”. Nhưng thực ra, họ đã coi nhẹ mục đích và ý nghĩa của thời gian “Tiền hôn nhân”. Đến khi cả hai đều phát hiện ra rằng, người bạn đời mà họ kỳ vọng phải thế này thế kia…thì lại hoàn toàn khác biệt hẳn với suy nghĩ và mong ước của mình. Thế là cả hai đều vỡ mộng. Người ta thường nói rằng hôn nhân không phải là phép thử. Đó là thời gian đôi bạn phải sống thật với nhau, không giả dối, không đóng kịch, không che đậy. Họ cần hiểu nhau để bổ khuyết cho nhau, để giúp nhau thăng tiến, để học hỏi nhau.
Có thể nói hầu hết các đôi vợ chồng đều bất ngờ về những điều họ không ngờ đối đối với bạn đời mình. Điều đó thường bắt nguồn từ quá trình tìm hiểu nhau, có thể do chủ quan hoặc do cảm tính, hay do nóng vội. Từ việc tìm hiểu nhau không kỹ nên khi về sống chung, đôi bạn mới nhận ra rằng mình đã sai lầm trong việc chọn bạn đời. Nhưng khi nhận ra được sự thật ấy, thì đã muộn. Khi hai người không hiểu nhau thì dù tình yêu, cảm xúc có mạnh đến đâu cũng không hóa giải được các mối bất đồng xảy ra trong đời sống vợ chồng.
II.- HÃY KÍNH TRỌNG NHAU
“Hãy kính trọng nhau”. Đây là quy tắc “ưu tiên số một” mà bất kỳ đôi bạn nào cũng nên nhớ nằm lòng. Một thánh nhân đã nói, “Yêu là kính, không kính là chưa yêu”. Một danh nhân cũng đã quả quyết: “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau” (Elijah Fenton). Ông bà ta thường nhắc đến câu thành ngữ sau: “Tương kính như tân”, có nghĩa là vợ chồng phải kính trọng nhau như những vị khách quý. Đã là khách quý của nhau thì hai bên phải biết trọng, biết kính, biết nể nang, biết đối xử tử tế văn minh, biết ăn nói lịch sự…
Các chuyên gia về tình yêu hôn nhân gia đình đều khẳng định là sự tôn trọng nhau giữa hai vợ chồng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc duy trì một cuộc hôn nhân bền vững, thành công.
Sự kính yêu, tôn trọng nhau giữa đôi bạn luôn là bằng chứng cho thấy hai bạn thực sự yêu nhau và biết trân trọng nhau. Tôn trọng cái tốt, ưu điểm và cả cái không tốt, khuyết điểm của bạn đời. Ca dao VN có câu: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề / Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Vợ chồng nào mà chẳng có những cái “lệch” nhau. Từ cá tính đến sở thích riêng tư, từ quan niệm sống đến cách đối nhân xử thế, từ thói quen tập quán đến văn hóa giao tiếp ứng xử vv… Nhân cách mỗi người hình thành từ nhiều yếu tố, do đó tạo nên sự khác biệt giữa người này với người kia.
Trong bài viết có tựa đề “Hòa hợp vợ chồng: Triển nở trong tình yêu”, tác giả đã viết như sau:
“Trong ngày thành hôn, anh chị cầm tay nhau cam kết sẽ yêu thương và tôn trọng nhau không chỉ một năm, hai năm, năm năm, mà là ‘mọi ngày suốt đời’. Yêu thương và tôn trọng phải đi đôi với nhau. Vợ kính trọng chồng, chồng tôn trọng vợ. Cả hai quý mến, trân trọng nhau.
“Trước hết, trọng kính là phải nhìn nhận nhau. Vợ không phải là người hầu hoặc nô lệ của chồng, mà là người bạn đời. Nam và nữ khác biệt nhau, nhưng bình đẳng với nhau vì cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa, được tạo dựng để trở thành trợ tá của nhau, bổ túc cho nhau và hiệp thông với nhau.
“Tiếp đến, trọng kính là phải đón nhận nhau. Gia đình Nadarét được bắt đầu bằng sự đón nhận: ‘Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng sợ đón bà Maria vợ ông về...’ (Mt 1, 20). Không chỉ đón nhận những ưu điểm, mà còn cả những khuyết điểm, nghĩa là đón nhận trọn vẹn con người của nhau với quá khứ, hiện tại, cũng như tương lai. Thuở mới quen nhau, anh chị đã khám phá ra rất nhiều cái đẹp của nhau, những cái làm cho nhau ngưỡng mộ, si mê. Khi bước vào cuộc sống gia đình, anh chị dần dần khám phá thêm nhiều điều khác. Những điều này có thể là “mặt trái” của nhau. Đón nhận nhau ở đây, trước hết là tôn trọng những khác biệt về cách suy nghĩ, cảm nhận... qua việc trao đổi, lắng nghe, để hiểu biết con người của nhau hơn, nhờ đó giúp nhau mỗi ngày một nên hoàn thiện.
“Sự tôn trọng được diễn tả qua cách cư xử, qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Không phải chỉ tôn trọng nhau trong lúc thành công, thịnh vượng và mạnh khoẻ, trái lại trong lúc gian nan, thất bại và bệnh tật lại cần phải tôn trọng và nâng đỡ nhau hơn nữa. Tránh nói với nhau bằng những lời lẽ tục tằn, thô lỗ, hoặc nói xấu nhau với người thứ ba. Ngược lại, biết dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng âu yếm, những cử chỉ trân trọng, lịch sự, lễ độ, ‘tương kính như tân’.” [2]
Thực vậy, một điều rất quan trọng mà các nhà tâm lý khuyên đôi bạn, đó là phải biết tôn trọng sự khác biệt của nhau. Khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình, các bạn phải nhận ra ngay những khác biệt của người bạn đời mình. Sự khác biệt về giới tính (nam-nữ), khác biệt về tâm-sinh lý, về cá tính, về tính cách, về tuổi tác, về nghề nghiệp, về địa vị xã hội, về truyền thống gia đình, về nền tảng văn hóa, về tôn giáo, về nhân sinh quan, về sở thích, về khuynh hướng, về mối quan hệ xã hội vv…
Sự khác biệt vợ chồng là lẽ tự nhiên. Nó chẳng những không làm mất đi sự hòa hợp, trái lại đó chính lại yếu tố khiến cho bản thân vợ và chồng bổ trợ, nâng đỡ nhau, đồng thời giúp cho đời sống hôn nhân thêm phong phú, khởi sắc.
Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ John Gray đã cho rằng: Sai lầm lớn nhất của nhiều người là chúng ta tưởng rằng để có sự hòa hợp, hai vợ chồng phải giống nhau. Chúng ta quên mất một điều cơ bản là, vợ chồng không phải hai người bạn cùng giới mà là hai người khác giới - người đàn ông và người đàn bà. Hai người đó không bao giờ giống nhau cả. Chừng nào chúng ta nắm được đặc điểm tâm lý khác nhau của mỗi giới mới có thể hy vọng tìm thấy sự hòa hợp lứa đôi. Bởi vì hai người luôn suy nghĩ và hành động khác nhau, họ có những thói quen và sở thích khác nhau. Mong muốn người này giống người kia để hòa hợp nhau là ảo tưởng. Tốt hơn hết hãy xem họ khác nhau như thế nào để sống chung với sự khác nhau đó. Nghĩa là biết chấp nhận để hòa hợp với nhau.
Ngoài ra, chúng ta phải khẳng định một điều là hòa hợp vợ chồng không phải là sự hòa tan, là sự đồng hóa hai cá thể thành một hay là sự đánh mất cái bản sắc riêng độc đáo của từng người. Trái lại, ý nghĩa đích thực của hòa hợp chính là “sự chấp nhận nhau để hòa nhập với nhau, bù trừ cho nhau, nên có thể người hiền lành lại chấp nhận lấy một người tính tình nóng nảy, hai người sống với nhau ít khi nổi xung, bởi vì người hay nổi nóng luôn luôn được tính hiền lành làm nguội lạnh đi các cơn thịnh nộ vô lý. Vậy hòa hợp chính là thông hiểu nhau, chấp nhận nhau và sống biết điều với nhau”. [3]
Ngoài ra, đề cập đến sự hòa hợp trong hôn nhân, các chuyên gia cũng còn nói tới sự tôn trọng không gian cá nhân giữa hai vợ chồng. Một tác giả đã viết về vấn đề này như sau: “Nữ nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Ayako Sono, trong một cuốn sách của mình cho rằng ở tuổi 50, việc cố gắng tìm cách thay đổi nhau là điều không thể. Do đó, cách tốt nhất là thỏa hiệp, là tôn trọng. Cô cho rằng một người nên dành 50% thời gian cho mình, 50% thời gian cho nửa kia, thay vì bắt ép nửa kia phải thuận theo mình, hoặc ngược lại, dành 100% thời gian để chạy theo bạn đời.” [4]
III.- HÃY KHIÊM TỐN VÀ BAO DUNG
Một quy tắc nữa cũng rất quan trọng liên quan đến việc giữ gìn hòa khí trong gia đình, đó là sự khiêm tốn và bao dung của đôi bạn.
Chúng ta khiêm tốn để nhận ra rằng trên đời này người kia cần mình nhưng mình cũng cần người kia. Chúng ta có điểm mạnh thì cũng có điểm yếu. Và bạn đời của ta cũng vậy. Hai người nếu có cách biệt về tài năng, trình độ thì cũng không vì vậy mà ta lên mặt dạy đời hay làm cao. Trong đời sống vợ chồng luôn phải nhìn lên và nhìn ngang để thấy rằng mỗi người đều có chỗ đứng, vị trí, nhiệm vụ riêng của mình. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, hay “Kẻ xay lúa, người bồng em”.
Một danh nhân đã nói: “Chính sự bình đẳng mới có thể làm cho tình yêu vững bền” (G.E.Lessing). Và người khác đã nói: “Hãy vững tin vào những mặt mạnh của nhau và bỏ qua những điểm yếu của nhau” (Khuyết danh). Sự hòa hợp chỉ có thể được duy trì lâu bền khi đôi bạn biết khiêm tốn nhận ra khuyết điểm của mình và biết khách quan nhận ra ưu điểm của bạn đời.
Bên cạnh sự khiêm tốn, ta không quên nhắc đến lòng bao dung hay khoan dung trong đời sống vợ chồng. Lòng khoan dung được coi như là hoa quả của tình yêu, như là vẻ đẹp của tấm lòng mở rộng đón nhận bạn đời.
Nữ văn sĩ tài năng người Mỹ Helen Adams Keller đã nói: “Khoan dung là món quà lớn nhất của tâm hồn”. Quả vậy, lòng khoan dung hay bao dung là một nguồn sức mạnh tiềm ẩn bên trong, là một trong những công cụ tuyệt vời nhất trong cuộc sống.
Trong quyển sách “9 dạng người bạn cần phải khoan dung trong cuộc đời“, tác giả người Trung Quốc Hồng Hoa đã nhấn mạnh, người bạn đời chính là một trong 9 dạng người mà bạn cần phải khoan dung. Bởi khoan dung là “cách cư xử tốt đẹp nhất trong hôn nhân. Yêu là một nghệ thuật, sự khoan dung chính là tinh túy của nghệ thuật đó”. Rất nhiều khi trong thực tế, chúng ta dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của người khác dù họ làm ta buồn, ta thất vọng, nhưng lại khó lòng bỏ qua những lỗi lầm mà bạn đời của mình gây ra. Khoan dung với bạn đời, vì vậy cũng là một kỹ năng. [5]
Thực vậy, chỉ có lòng khoan dung mới giúp cho đôi bạn giữ được tình yêu nồng ấm, duy trì được sự trung thành lâu dài, gia tăng được sự tin tưởng cần thiết, nhờ đó dù gặp nhiều sóng gió và thử thách trên đời, đôi bạn vẫn song hành với nhau cho đến cuối đời.
Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn về những bổn phận gia đình Ki-tô hữu (FC) đã nhấn mạnh: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình.” (số 21)
IV.- HÃY LẮNG NGHE VÀ NGỪNG CÃI VÃ
Không phải cứ là vợ chồng rồi thì ta muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Trái lại để có được sự hòa hợp, hòa điệu trong đời sống chung, ta phải chú trọng đến nghệ thuật giao tiếp và kỹ năng đối thoại. Nói cách đơn giản là hai người phải biết cách nói chuyện, đàm đạo với nhau một cách cởi mở, thắng thắn và tế nhị. Nhiều cặp vợ chồng chỉ vì những trở ngại, bế tắc trong giao tiếp ứng xử thường nhật mà phát sinh mâu thuẫn khiến cuộc hôn nhân không được êm đẹp, thuận thảo.
Trong nghệ thuật giao tiếp gữa hai vợ chồng, có một điều quan trọng không thể bỏ qua, đó là kỹ năng lắng nghe. Nguyên tắc chính là: “Hãy nói ít, nhưng nghe nhiều”. Trong giao tiếp vợ chồng, việc lắng nghe nhau là một đòi hỏi tối quan trọng. Nghe quan trọng hơn nói. Nghe nhiều nói ít. Nhưng nghe không bằng lắng nghe. Lắng nghe là cách dễ dàng lôi kéo bạn đời vào câu chuyện hai người. Đó cũng là điều chứng tỏ ta tôn trọng người đối thoại. Nếu hai người cùng nói thì kết cục gia đình sẽ là một cái chợ. Còn nếu hai người chỉ biết ngồi nghe nhau thì bầu khí thật là ảm đạm, buồn chán.
Lắng nghe là một kỹ năng trong giao tiếp, vì thế vợ chồng phải tìm hiểu, học hỏi và thực hành sao cho nó trở thành một thói quen tốt. Vậy vai trò của nghe và lắng nghe trong giao tiếp là thế nào?
Nghe là hoạt động thường ngày của con người nên chúng ta thường bỏ qua, ít quan tâm tới rèn luyện kỹ năng này mà cho rằng đã có sẵn. Có kết quả nghiên cứu cho thấy rằng con người dùng 45% thời gian giao tiếp hàng ngày cho việc nghe, tuy nhiên người ta lại không được luyện nghe mà chủ yếu là luyện viết. Mặt khác, nghe và lắng nghe khác nhau. Bởi vậy cần phải phân biệt nghe và lắng nghe. Nghe là thụ động, là trạng thái tự động mang tính chất vật lý. Lắng nghe là chủ tâm, chủ động. Lắng nghe đòi hỏi tập trung, tìm kiếm tích cực ý nghĩa của người nói. Trong giao tiếp chúng ta phải cố gắng tạo ra trạng thái lắng nghe để đón nhận và hiểu đúng, để giao tiếp cởi mở, để chọn lọc thông tin.
Một chuyên gia khi bàn về đối thoại trong hôn nhân đã cho rằng, trong hôn nhân, sở dĩ có những lúc vợ chồng phiền giận nhau hay hiểu lầm nhau không những vì chúng ta không thể nói lên những điều cần nói, mà cũng có khi vì không có ai lắng nghe.
Thực vậy, những người mới yêu nhau trò chuyện với nhau rất nhiều. Họ mong gặp nhau mỗi ngày, và khi gặp thì trao đổi với nhau nhiều điều. Lắm khi chỉ nhìn nhau chứ không nói một lời nào nhưng vẫn hiểu nhau và cảm thấy gần nhau. Khi còn là người yêu của nhau, nếu có điều gì hiểu lầm hay phiền giận chúng ta cũng dễ dàng bỏ qua, vì đang sống trong tình yêu và đang cùng hướng đến một mục đích, đó là hướng đến ngày cưới. Tuy nhiên, khi nên vợ chồng rồi, lúc có điều buồn giận chúng ta không dễ làm hòa với nhau và vì đời sống bận rộn, nên cũng ít có thì giờ trò chuyện với nhau. Tất cả những điều đó khiến vợ chồng cảm thấy ngăn cách với nhau, và nếu không cẩn thận, sự ngăn cách đó sẽ khiến tình yêu phai nhạt dần và chết.
Người ta khuyên đôi bạn thế này, hãy lắng nghe bạn đời bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của họ, không ngắt lời, không phản bác theo kiểu “Thôi dẹp đi, anh/ em nghĩ sao mà nói vậy!”, vv…cho dù ý kiến của họ có trái ý của bạn đến đâu. Việc gạt phắt ý kiến của bạn đời như vậy không những làm họ tự ái, bị tổn thương mà còn làm cho cuộc xung đột căng thẳng hơn. Thậm chí, do tự ái, họ sẽ càng cố bảo vệ quan điểm của mình bất chấp điều đó đúng hay sai. [6]
Có lời khuyên của người khôn ngoan thế này: “Hãy nhường cho chồng/ vợ của bạn thắng trong cuộc tranh cãi, nếu cần có người thắng”. Ca dao VN cũng đưa ra một nguyên tắc đơn giản, như sau: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”.
V.- HÃY QUAN TÂM ĐẾN NHAU
Có thể phần đông chúng ta nghĩ rằng hễ đã là vợ chồng thì đương nhiên hai người phải quan tâm đến nhau. Chuyện không đơn giản như vậy. Bởi vì đến một lúc nào đó, có thể sau vài năm kết hôn, đôi bạn cảm thấy chán nhau, mệt mỏi vì nhau, lạnh nhạt với nhau, khiến cho mối tương quan vợ-chồng không còn nồng ấm như ngày nào.
Dựa vào thực tế, ta thấy rằng có nhiều yếu tố dẫn đến rạn nứt hôn nhân, song nguyên nhân khá phổ biến, vẫn là do sự thiếu sự quan tâm đối với bạn đời - chồng/vợ không còn chú trọng dành thời gian cho nhau cũng như ít lắng nghe, trò chuyện, chăm sóc nhau. Sự vô tình kéo dài trở thành vô tâm, vô cảm khiến đôi bên dần lạnh nhạt, xa cách. Trong sự cô đơn với bao áp lực vây quanh, không ít người chán nản, chọn giải pháp chia tay.
Bởi vậy, “Hãy thường xuyên quan tâm đến nhau”, đó là mệnh lệnh của tình yêu.
Khi yêu, người ta có thể làm tất cả vì nhau và cho nhau. Việc quan tâm đến nhau phải được coi là một trong những “hạng mục” ưu tiên hàng đầu để giữ cho cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc.
Quan tâm từ việc nhỏ đến việc lớn. Mỗi người coi nhau như đối tượng chăm sóc thường xuyên. Không phải chỉ có kiểu lãng mạn “nâng khăn sửa túi” lúc ban đầu, mà suốt cả cuộc hành trình đời sống lứa đôi, hai bạn phải chăm sóc, nâng đỡ, hỗ trợ nhau cách tận tình và chu đáo. Nhiều khi chỉ một việc nhỏ thôi cũng đủ hâm nóng tình yêu, vốn rất mong manh, nhờ đó hai bạn vững vàng yên tâm đi tới đích. Có một ý kiến thế này: “Sẽ bớt đi những vụ li dị nếu quý bà tân thời ngày nay chăm lo cho chồng con hơn là chăm sóc các món hàng hạ giá ở siêu thị”.
Bên cạnh đó, nhiều bà vợ than phiền rằng họ rất buồn tủi và cô đơn vì hầu như ông chồng chẳng tỏ ra quan tâm gì tới họ. Sau một ngày làm việc bên ngoài về nhà, chồng chỉ kịp ăn uống vội vàng rồi chui vào phòng xem TV, lướt web hoặc chơi game. Nếu sự việc cứ tái diễn lâu dài như thế này, thì chắc chắn cuộc hôn nhân sẽ sớm rơi vào tình trạng khủng hoảng, tan vỡ. Trong khi đó, người chồng cũng cần đến sự quan tâm của vợ mình. Một sự quan tâm chu đáo, tế nhị, tận tình và thích hợp.
Tuy nhiên, có một điều cơ bản nhất mà người vợ nên lưu ý, đó là người đàn ông không muốn được đối xử như trẻ con. Dĩ nhiên ai cũng muốn được yêu thương, chiều chuộng, săn sóc. Nhưng người đàn ông không chờ đợi nơi vợ mình một thứ tình yêu mà mẹ ông đã dành cho ông.
Người đàn bà nào cũng có khuynh hướng cư xử với chồng như một người mẹ. Họ lo cho chồng từng li từng tí. Thoạt tiên người đàn ông dễ cảm động về sự chú ý và săn sóc của người vợ. Nhưng người đàn bà càng đối xử với chồng bằng tình mẫu tử thì người đàn ông lại càng cảm thấy mình nhỏ bé lại. Hãy thử tưởng tượng một người đàn ông lúc nào cũng có một người đàn bà bên cạnh mình để nhắc nhở, khuyên răn mình mọi chuyện, từ việc ăn uống đến việc phục sức.
Thái độ cực đoan nào cũng dễ làm cho người khác bực mình. Người đàn ông thèm được săn sóc chiều chuộng. Nhưng một sự chiều chuộng thái quá sẽ cho họ có cảm tưởng họ không phải là một người đàn ông cứng rắn, một người trưởng thành và đáng tin cậy.[7]
VI.- HÃY BIẾT NHƯỢNG BỘ NHAU
Có câu chuyện thế này, trong dịp cụ ông cụ bà kỷ niệm 50 năm thành hôn, con cháu quy tụ đông đủ để chúc mừng. Nhân dịp này, mọi người đã đặt câu hỏi: bí quyết nào hai cụ đã sống hạnh phúc hòa hợp trong suốt thời gian dài như vậy. Câu trả lời thật đơn giản, đó là “Biết nhượng bộ nhau”.
Quả thực, ngày nay, nhiều người đã coi “Nhượng bộ” trong đời sống vợ chồng như một bí quyết giúp hôn nhân luôn hạnh phúc và như là một nghệ thuật giúp duy trì mối tương quan giữa đôi bạn luôn được bền chặt.
Hiện nay, tại nhiều quốc gia, người ta đề cập nhiều đến một loại hình ly hôn khá phổ biến, đó là “Ly hôn tuổi trung niên” hay “Ly hôn hoa râm” (Grey Divorce). Đây là thuật ngữ chỉ những cặp vợ chồng ở tuổi trung niên muốn kết thúc cuộc sống hôn nhân sớm thay vì chung sống với nhau đến già. Ly dị ở tuổi trung niên là một hiện tượng tại nhiều quốc gia. Hơn 40% người trung niên Hàn Quốc cho biết họ muốn ly hôn, theo kết quả của một cuộc thăm dò do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện năm 2019. [8]
Câu hỏi là “Tại sao vậy?”. Chúng ta đều biết rằng, cuộc sống của hầu hết các cặp vợ chồng ở tuổi trung niên rơi vào một cảnh chung, đó là sự tương tác giữa hai người được “tiêu chuẩn hóa”, quanh quẩn với những câu hỏi như ăn gì, làm gì, cần gì, muốn gì vv... Do đó cuộc đối thoại giữa hai phía luôn diễn ra nhàm chán và tẻ nhạt. Thêm vào đó, khoảng cách tinh thần càng bị nới rộng do mâu thuẫn về sở thích, thói quen. Nếu thời trẻ vợ chồng cố gắng chịu đựng, nhẫn nhịn nhau, thì khi bước vào tuổi trung niên, họ có xu hướng “bùng nổ”, dẫn đến kết cục chọn lựa ly hôn. Điều đáng tiếc là cả hai đều không biết nhượng bộ nhau.
Nhượng bộ là hy sinh một phần cái gì đó của mình vì ích lợi chung và vì lợi ích của người khác. Trong một cuộc cãi vã bất phân thắng bại, sự nhượng bộ tốt nhất chính là im lặng. Người ta nói, “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng” hay “Một sự nhịn, chín sự lành”.
Trong cuộc sống chung, hằng ngày có vô vàn những điều trái ý nhau, từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống, sinh hoạt, giải trí, giờ giấc...đến những vấn đề lớn như việc chi tiêu trong gia đình, việc dạy dỗ con cái, việc ứng xử với cha mẹ (chồng/ vợ), với họ hàng hai bên...nếu cả hai bạn chỉ biết bảo lưu ý kiến riêng của mình thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Thực ra, không nhất thiết hai người phải “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nhưng ít nhất họ cần bàn tính sao để cuối cùng có tiếng nói chung, vừa lòng cả đôi bên...
Tóm lại, để có được sự hòa thuận lâu dài trong đời sống vợ chồng, chúng ta nên dõi theo và thực hành lời khuyên thiết thực sau đây của thánh Phao-lô: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo...” (Cl 3,12-14)./.