Gia đình theo các sách Khôn Ngoan

 

tải-xuống--3-.jpg

Gia đình theo các sách Khôn Ngoan:
Giữa yêu thương, giáo dục và chia sẻ các bổn phận


Francis Daoust

Nếu các văn bản Ngũ Thư và các ngôn sứ dường như không có những mẫu gương đáng tin cậy hoặc đáng quan tâm về việc xây dựng một gia đình thì phần thứ ba của Cựu Ước lại khác, đây là phần bao gồm các bản văn khôn ngoan. Dù được viết cách đây hơn 2000 năm, những bản văn đáng trân trọng này gồm có những giáo huấn và nguyên tắc vẫn còn thích đáng cho các gia đình ngày nay hay ít ra cũng cho phép gợi lên một vài suy tư về vấn đề này.

Những mẫu gương để noi theo?

Khi phân tích sâu những bản văn này và sử dụng những công cụ khác nhau của các khoa học xã hội nhân văn, ta có thể tái tạo những những gì là khuôn khổ một gia đình vào thời đại ấy. Ta cũng phải lưu ý rằng những mối bận tâm của các gia đình thời tiền hiện đại, ở vùng Cận Đông, theo tục đa thê và phụ quyền cách đây hơn 2000 năm thì rất khác với gia đình thời hậu hiện đại, ở phương tây, một vợ một chồng và bình đẳng của ngày nay. Như thế, dường như các gia đình trong Cựu Ước không phải là những hình mẫu phù hợp của các gia đình ngày xưa cũng chẳng phải là những gương gia đình cho thời nay. Chẳng hạn, ngày nay chúng ta nhìn với cặp mắt xấu về một người đàn bà lấy cả anh em chồng để bảo đảm giống nòi cho người chồng đã khuất của mình (Stk 38), như bà Tamar chẳng hạn, hoặc một người đàn ông cao giọng tuyên bố rằng mình sẽ lấy làm vợ một cô điếm thường xuyên phản bội mình và sẽ đặt tên cho con là "không-được-thương" và "không-phải-dân-Ta" (Hs 1, 6-9), như ngôn sứ Hôsê chẳng hạn!

Tuy nhiên, dù các gia đình trong những trình thuật Cựu Ước khó lòng là những gia đình mẫu lý tưởng, chúng cũng tra vấn các độc giả thời hiện đại. Một người cha yêu thương con cái sẽ nhận ra mình trong sự suy sụp của Abraham khi Thiên Chúa đòi ông phải sát tế người con duy nhất của mình (Stk 22,1-19); một người vợ gắn bó với gia đình chồng có thể thấy mình trong tình yêu của bà Rút, người từ chối rời bỏ bà mẹ chồng là Naomi (R 1,16-18); và các anh chị em đang xung đột lẫn nhau vẫn không thiếu những hình mẫu mà họ có thể tự đồng hóa với mình, như Cain và Aben (Stk 4), Giacóp và Êsau (Stk 25-36) hay Giuse và các anh em mình (Stk 37-50). Mọi gia đình hiện đại đều có thể nhận ra mình trong các trình thuật Cựu Ước. Qua những trình thuật này, các gia đình này có thể hiểu rằng Thiên Chúa hiện diện trong câu chuyện “bất toàn” của mình như Ngài đã từng hiện diện trong gia đình của những nhân vật Kinh Thánh.

Các sách Khôn Ngoan và gia đình

Nếu các gia đình trong Ngũ Thư chủ yếu là những cấu trúc văn chương và các gia đình của các sách ngôn sứ là những ẩn dụ để nói về mối liên hệ gắn kết Thiên Chúa với dân Ngài thì các gia đình trong phần thứ ba gồm các trình thuật khôn ngoan của Cựu Ước là gì? Văn chương khôn ngoan của Kinh Thánh đóng góp một phần lớn dòng chảy văn chương khôn ngoan rất phổ thông ở vùng Cận Đông thời cổ. Các nhà hiền triết là nguồn gốc của tất cả các văn bản này, họ đã quan sát kỹ mọi khía cạnh của đời sống nhân sinh. Đầy kinh nghiệm, họ đã rút ra những kết luận về cách hành xử tốt để cư xử và thành công trong cuộc sống mình. Với mong muốn chuyển tải kiến thức này cho thính giả cũng như cho các thế hệ tương lai, họ đưa ra hàng loạt những lời khuyên nhủ, những bài học và những khuyến cáo thường là gián tiếp về chủ đề gia đình. Dù được viết cách đây hơn 2000 năm và vài giáo huấn ngày nay đã trở nên lỗi thời nhưng còn những điều khác vẫn phù hợp cho các gia đình ngày nay.

Gia đình, nơi chốn yêu thương và hãnh diện

Yếu tố đầu tiên ta có thể lưu ý đến trong các trình thuật khôn ngoan là ngữ vựng thể hiện yêu thương gắn bó với gia đình. Sách Giảng Viên khuyên nhủ: “Cùng với người vợ yêu thương, bạn hãy hưởng trọn cuộc đời, hết mọi ngày trong kiếp sống phù du đã được ban cho bạn dưới ánh mặt trời” (Gv 9,9a).  Tác giả phần thứ nhất của sách Châm Ngôn nhớ lại: “Thuở xưa, khi thầy còn nhỏ dại trước mặt phụ thân và được mẫu thân yêu dấu như con một” (Cn 4,3). Như vậy, gia đình là nơi chốn ưu tiên dành để yêu thương và cho những mối liên hệ trìu mến dịu dàng. Nó cấu thành cốt lõi thâm sâu của đời sống và kinh nghiệm của mọi người. Nó cũng là cái khuôn đầu tiên mà sự giáo dục của mỗi cá nhân được hình thành trước khi mở ra những chân trời của mình và phiêu lưu vào trong phạm vi xã hội và cộng đồng. Theo nghĩa này, một sự giáo dục thành công và cách hành xử gương mẫu trên bình diện xã hội sẽ trở thành sự hãnh diện và niềm vui vô song cho các bậc cha mẹ: “Thân phụ người công chính sẽ mừng vui, đấng sinh thành người khôn sẽ hoan hỷ” (Cn 23, 24; xem thêm Cn 10,1; 15,20; 27,11; 29,3). Theo Ben Sirac, giáo dục thành công một đứa trẻ và làm cho nó trở nên một người trưởng thành đầy khôn ngoan, điều đó sẽ làm giảm thiểu tác động của cái chết: “Người cha có chết thì cũng như chưa chết, vì đã để lại đứa con giống như mình” (Hc 30,4). Ngược lại, không có sự phiền não nào lớn hơn đối với cha mẹ có đứa con dại dột: “Sinh ra đứa ngu là chuốc lấy phiền muộn, làm cha kẻ dại nào vui sướng gì đâu” (Cn 17,21; xem thêm Cn 17,25; 19,13; 28,7). Thất bại khi giáo dục con cái là nỗi tủi nhục cho cha mẹ và là ám ảnh tuổi về già: “Cha bất nhân bị con trách móc, vì con mà chịu nhục là lỗi tại cha” (Hc 41,7).

Kỷ luật và sửa dạy của bậc cha mẹ

Vì đóng vai trò rất quan trọng trong não trạng của các tác giả sách khôn ngoan của Cựu Ước, giáo dục thích đáng con cái phải đạt được bằng mọi giá và các bậc cha mẹ phải hành động để đạt được điều ấy. Vì thế, kỷ luật mà cha mẹ đặt để được nhìn rất tích cực và xây dựng và phải được con cái tuân phục để có thể thành công trong cuộc sống. Sách Châm Ngôn nhắc lại hiệu quả này: “Con khôn giữ lời cha nghiêm huấn, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời sửa dạy” (Pr 13, 1).

Tầm quan trọng của một lối giáo dục thành công đôi khi sử dụng những biện pháp mạnh. Nhưng rất quan trọng khi lưu ý rằng sự sửa dạy được thực hiện trong bối cảnh yêu thương, ngay cả khi điều này dường như mâu thuẫn và khó hiểu ngày nay.  Ben Sirac quả quyết: “Thương con thì cho roi cho vọt, sau này sẽ vui sướng vì con” (Hc 30,1). Sách Châm Ngôn thì so sánh người cha sửa dạy đứa con khờ dại như Thiên Chúa sửa dạy dân bất nghĩa bất trung của mình: “Vì Đức Chúa khiển trách kẻ Người thương, như người cha xử với con yêu quý” (Cn 3,12). Tác giả sách Khôn Ngoan giải thích rằng kỷ luật đối với dân rất khác với cơn giận mà Thiên Chúa dành cho kẻ dữ: “Quả vậy, khi dân chịu thử thách, - dầu việc Chúa sửa dạy chỉ là bởi tình thương - họ mới thấy rõ, quân vô đạo đã khốn khổ dường nào khi bị phán xét theo cơn thịnh nộ. Bởi vì dân thánh Ngài, Ngài chỉ thử thách họ như người cha cảnh cáo. Còn lũ ác nhân thì Ngài hạch hỏi như ông vua nghiêm khắc kết án tội nhân” (Kn 11,9-10). Mối tương liên giữa hai lối sửa dạy này là cả hai được đặt trong bối cảnh tình yêu và có mục đích đưa về đường ngay nẻo chính chứ không phải hành khổ.

Vai trò của người mẹ

Dù cho các trình thuật khôn ngoan được soạn thảo trong bối cảnh một xã hội gia trưởng phụ quyền cổ xưa, vai trò và vị trí của người mẹ được đánh giá cao. Thật ra, ngày nay, một vài lời nói của Ben Sirac về chủ đề phụ nữ đã hoàn toàn lỗi thời (chẳng hạn xem Hc 25,13-26,18; 42,9-14), nhưng tất cả những gì được đề cập ở trên về người cha thì cũng có thể được áp dụng cho người mẹ. Con cái phải làm vinh dự và tôn kính mẹ cùng mức độ như người cha (Cn 19,26; 20,20; 28,24; 30,11.17; Hc 3,1-16; 7,27; 23,14; 41,17); như người cha, bà cũng vui mừng vì hành động của một người con khôn ngoan (Cn 23,25; Hc 3,2) và buồn sầu vì một hậu duệ ngu xuẩn (Cn 10,1; 15,20; 17,25); và giáo huấn của mẹ phải được tôn trọng và để tâm đến như giáo huấn của cha (Cn 6,20-21; 23,22). Nếu trách nhiệm sửa dạy thuộc về người cha thì sự khôn ngoan về bản chất gắn bó với người phụ nữ, vì từ Hípri được dùng để chỉ sự khôn ngoan trong Cựu Ước, hokmah, là một từ giống cái. Hơn nữa, khi Ben Sirac và những tác giả khác của các sách khôn ngoan muốn nhân cách hóa sự khôn ngoan thì họ làm điều đó dưới dấu vết của một người phụ nữ chín chắn và đáng kính (Cn 1,20-33; 8,1-9,6; Hc 1,4-10; 4,11-19; 24; G 28; Kn 6-9).

Ba yếu tố còn vẫn thích đáng cho ngày nay

Từ những bản văn khôn ngoan cổ xưa này, chúng ta có thể giữ lại ba yếu tố vẫn còn thích đáng cho các gia đình ngày nay. Trước hết, gia đình là nơi chốn ưu tiên của yêu thương và giáo dục. Chính trong khuôn khổ thân tình và yêu mến này mà các giá trị cơ bản được lưu truyền để cho phép một con người thành công, ở mức độ cá nhân cũng như xã hội. Kế đến, tầm quan trọng của kỷ luật bảo đảm cho sự thành công của lối giáo dục này. Sự nghiêm khắc trong việc đào tạo con cái không dựa trên quan điểm của ông bác sĩ này hay nhà tâm lý đang thời thượng kia, mà là khoa sư phạm của Thiên Chúa. Sự cứng rắn chủ yếu không  dựa trên cơn giận và cố chấp, nhưng trên tình yêu và ước muốn sâu xa có trong con người sửa dạy là bảo đảm cho mỗi cá nhân sống trong niềm vui của một cuộc sống hoàn hảo (xem Êd chương 18 và đặc biệt đoạn cuối là các câu 30-32). Cuối cùng, dù cho các văn bản này được soạn thảo cách đây hơn 2000 năm trong một ngữ cảnh văn hóa rất khác biệt với chúng ta, song hãy giữ lại điều mà chúng khẳng định về vai trò chính yếu của người mẹ trong việc giáo dục con cái và mở ra sự chia sẻ đồng đều và xây dựng trong những trách nhiệm của bậc cha mẹ.

(Tạp chí Parabole)

 

 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Nguồn: https://gpquinhon.org/

 

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê