Xa quê nhưng không xa Chúa
Đúng với tên gọi “Gia Đình Công Giáo Xa Quê”, những thành viên trong Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội đều là những người đến từ các vùng quê, các giáo xứ khác nhau tại các Giáo phận: Bắc Ninh, Bùi Chu, Hưng Hóa, Thái Bình.... Họ lên Hà Nội để học tập, sinh sống và làm việc. Công việc của họ cũng rất đa dạng: kinh doanh, xây dựng, công nghệ, xe ôm, ve chai...Giữa những áp lực cơm áo gạo tiền, giữa những thú vui của thủ đô hoa lệ, họ vẫn bày tỏ niềm tôn kính đặc biệt với Thiên Chúa bằng cách quy tụ thành một cộng đoàn Đức Tin.
Những con người từ những vùng quê khác nhau, chẳng hề quen biết được cha đặc trách Gioan Lưu Ngọc Quỳnh linh hướng đã họp lại để sinh hoạt Đức Tin theo khu vực. Rồi sau đó, từ việc quy tụ theo khu vực, họ chuyển sang thành lập cộng đoàn theo mô hình giáo xứ quê hương. Cứ như vậy, noi theo gương Thánh quan thầy- thánh Giuse Thợ, những người thuộc Gia đình Công giáo xa quê vừa hăng say lao động vừa nhiệt thành trong con đường Đức Tin giữa nơi đất khách quê người.
Hăng say trên con đường phục vụ
Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, vượt qua những biến cố của lịch sử, Gia đình Công giáo xa quê Hà Nội ngày một phát triển về mặt số lượng thành viên. Có những thành viên tham gia từ những ngày đầu mới thành lập, đến nay vẫn còn hoạt động hết sức nhiệt tình. Trong đó phải kể tới cô Maria Nguyễn Thị Nhung thuộc cộng đoàn Giuse Xuân Hòa.
Cô Nhung được biết đến là người nhiệt thành và đảm nhiệm cùng lúc nhiều vị trí trong cộng đoàn và gia đình Công giáo xa quê Hà Nội. Năm 2008, cô tham gia vào ca đoàn của Cộng đoàn xa quê( nay là Gia đình Công giáo xa quê Hà Nội). Cô cho biết, vào thời điểm đó, khi tham dự thánh lễ và thấy ca đoàn hát lễ thì cô rất là thích, bản thân cô cũng là người từng hát lễ dưới quê. Nên khi có thông báo tuyển ca viên, cô đã mau mắn đăng ký tham dự. Năm 2011, cha đặc trách Gioan Lưu Ngọc Quỳnh đến khu trọ- nơi có nhiều giáo dân đến từ giáo xứ Xuân Hòa để mời gọi mọi người tham gia thành lập cộng đoàn. Là người con của giáo xứ Xuân Hòa, cô Nhung đã tham gia và được bầu vào vị trí trưởng ban kèn và vị trí thư kí của cộng đoàn, ngoài ra cũng đảm nhiệm vai trò phó ban kèn của gia đình Công giáo xa quê Hà Nội. Đến nay, trải qua 13 năm, cô đã làm thư ký của cộng đoàn 2 khóa ( khóa 1 và khóa 2), 4 khóa làm thủ quỹ của ca đoàn, và là trưởng ban kèn của cộng đoàn cho đến bây giờ.
Mỗi chức vụ đều có những công việc đặc thù đòi hỏi phải dành nhiều thời gian hơn. Nhưng cô Nhung cho biết, cô luôn sắp xếp công việc bản thân để hoàn thành công việc là Chúa : “ Làm thì lo làm cả đời. Cô chẳng cần gì hết, làm gì thì làm cứ đến thời gian đi lễ là cô bỏ hết các việc lại, đi tham gia đã. Không thể sống thiếu được. Trong cộng đoàn hoặc ca đoàn có buổi đi tĩnh tâm, cầu nguyện ở đâu là không bao giờ thiếu. Đi cầu nguyện cô cảm thấy thanh thản lắm”. Cô chia sẻ thêm: bản thân cô cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của gia đình, các thành viên trong cộng đoàn đều tham gia rất nhiệt thành trong gia đình Công giáo xa quê Hà Nội.
Một nhân vật khác mà bất cứ trong gia đình Công giáo xa quê Hà Nội đều biết đến là ông Gioan Nguyễn Xuân Chức- nguyên trưởng ban tâm linh.
Lên Hà Nội làm việc từ năm 2002, đến năm 2009, ông Chức được mời gọi tham gia vào cộng đoàn Mẹ Mân Côi và được bầu vào chức vụ phó cộng đoàn. Theo lời ông kể, khi đó ông còn là nhân viên môi trường được cơ quan cấp cho chỗ ở trên đường Quan Nhân, thuộc quận Thanh Xuân, hàng tuần vẫn đi lễ tại nhà thờ Phùng Khoang. Đến năm 2011, ông được cha đặc trách Gioan Lưu Ngọc Quỳnh mời gọi làm trưởng ban tâm linh của Gia đình Công giáo xa quê Hà Nội. Đến nay, trải qua 3 khóa, ông vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí trí trưởng ban tâm linh. Các hoạt động về dâng hoa, ngắm nguyện, rước kiệu đều do ông phối hợp cùng các thành viên trong ban tâm linh thực hiện . Chia sẻ về công việc của mình, ông cho biết: “ Bản thân tôi rất phấn khởi khi tham gia vào các công việc phục vụ nhà Chúa. Các công việc của ban tâm linh không hề gây áp lực, ngược lại giúp cho Đức Tin của tôi trở nên vững mạnh hơn. Suốt những năm qua, tôi luôn cố gắng cùng các thành viên trong ban tâm linh để hoàn thành tốt các công việc mà quý cha và quý Hội đồng Mục vụ đã giao phó.”
Chứng nhân về sự biến đổi
Một trong những điều mà người Kitô hữu có thể làm để có mối liên hệ \ mật thiết hơn với Thiên Chúa đó chính là cầu nguyện và siêng năng tham dự thánh lễ. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, người Kitô hữu bị chi phối bởi nhiều nguồn mãnh lực như cơm- áo, gạo- tiền, vinh hoa, thú vui,...Do đó mà sợi dây liên kết giữa con người và Thiên Chúa ngày một nới lỏng. Để củng cố sợi dây liên kết đó, con người cần tìm cho mình một chốn để biến đổi tâm hồn.
Trước khi tham gia vào Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, bác Giuse Đinh Văn Toan(60 tuổi, hiện tại là ban cố vấn cộng đoàn Mẹ Hằng Cứu Giúp Phú Nhai) dù vẫn đi lễ Thứ Bảy, Chủ Nhật nhưng chỉ rước lễ mỗi năm một lần. Trong những ngày tháng tới nhà thờ Thái Hà để tham dự thánh lễ, bác thấy một số cộng đoàn tham gia vào Cộng đoàn xa quê. Bác thấy quê mình là một xứ rất lớn mà chưa thành lập cộng đoàn nên chưa tham gia.
Khi cộng đoàn Mẹ Hằng Cứu Giúp Phú Nhai thành lập, bác tham gia với chức vụ Ban cố vấn. Trong mọi công việc của cộng đoàn, bác nhiệt tình cộng tác. Đặc biệt, bác có tình yêu mến với các giờ cầu nguyện. Bất kể xa hay gần, bác Toan không quản ngại đường xá mà tới tham dự đông đủ. Bác chia sẻ: “ Có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất với Gia đình Công giáo Xa Quê Hà Nội nói chung và cộng đoàn bác nói riêng đó chính là các giờ cầu nguyện. Có khi, địa điểm cầu nguyện cách hơn chục cây số, bác không thạo đường nên nhờ anh em khác cùng dẫn đi. Khó khăn thì cũng không hẳn. Được tham gia các giờ cầu nguyện, bác cảm thấy hạnh phúc và lòng được thanh thản”.
Bác chia sẻ thêm, tham gia vào Gia đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, bác cảm thấy tâm hồn được biến đổi nhiều, bản thân luôn muốn tham dự thánh lễ và rước mong Chúa vào trong tâm hồn. Là một thế hệ đi trước mang trong mình tình cảm đặc biệt với nhà thờ Thái Hà, bác mong muốn: “Cộng đoàn mình duy trì được những hoạt động đức tin, và có những lớp kế thừa. Bác nghĩ rằng phải luôn yêu mến quý Cha, và đặc biệt là đối với Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, bởi ngài là người cha sinh ra GĐCGXQHN và đã giao trách nhiệm cho quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế. Vì yêu mến ngài nên tôi rất mong muốn GĐCGXQHN ngày một phát triển.”
Là một cộng đoàn mới tham gia vào Gia đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, cộng đoàn Vinhsơn Dương Thanh Minh được thành lập vào cuối năm 2019. Theo lời kể của ông Vinhsơn Nguyễn Văn Luyện - trưởng cộng đoàn, thì từ khi tham gia vào Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, cộng đoàn đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Ông cho biết: “Thứ nhất, tình liên đới giữa bạn bè, anh em cùng giáo xứ đang ở Hà Nội bền chặt hơn. Về công tác tông đồ, được sự linh hướng của quý Cha đặc trách và HĐMV của Gia đình Công Giáo Xa Quê, cộng đoàn tôi đã đưa ra những tôn chỉ hoạt động, thăm hỏi tứ thân phụ mẫu của các thành viên trong cộng đoàn khi ốm đau hay qua đời. Từ đó thì đã nhận lại được những tín hiệu tích cực. Được đánh giá là cộng đoàn đoàn kết, có tình tương thân, tương ái cao. Thứ hai, về đời sống cầu nguyện, cộng đoàn đã tổ chức được các buổi hành hương, các buổi cầu nguyện khu, cầu nguyện hướng đến Đại lễ. Từ những sinh hoạt đó, có những thành viên dù đã bỏ đạo nhiều năm, thì nay đã sám hối và lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Nhiều anh chị em đã đón nhận ơn cụ thể, công việc tốt hơn, anh chị em hòa thuận hơn.”
Ngày 24/04/2021, Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội chào đón một cộng đoàn mới, đó là cộng đoàn Vinhsơn Giáp Nam. Tham gia được chừng một tháng thì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, nên Cộng đoàn cũng chưa thực hiện được nhiều hoạt động và tạm gác nhiều dự định. Tuy nhiên, việc thành lập cộng đoàn như một làn gió mới thổi vào tâm hồn của những giáo dân thuộc giáo xứ Giáp Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội. Ông Vinhsơn Vũ Văn Tang- trưởng cộng đoàn chia sẻ: “Trước đây thì anh chị em đồng hương chỉ thỉnh thoảng gặp gỡ nhau tại quán nước hoặc chào hỏi nhau một chút rồi mọi người tiếp tục cuốn vào công việc của họ. Từ khi thành lập cộng đoàn, mọi người được gặp gỡ nhau nhiều hơn trong các giờ thánh lễ, các buổi cầu nguyện, tham gia vào các hoạt động thể thao của xa quê như bóng đá. Được hòa nhập vào trong Gia đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, các thành viên rất là khí thế. Đến thứ Tư hàng tuần, anh chị em đều nhớ đến thánh lễ dành cho người xa quê và nhắc nhở nhau đến tham dự. Khi dịch bệnh bùng phát, các thành viên tiếp tục mời gọi nhau cùng đọc kinh cầu nguyện. Dù có nhiều bỡ ngỡ nhưng cộng đoàn đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ quý Cha và quý HĐMV.”
“Anh muốn chứng minh cho xã hội thấy rằng là trong những người doanh nhân Công giáo là những người thành đạt, không chỉ vì tài chính, mà còn là những con người có đạo đức, có sự khác biệt với những doanh nhân ngoài đời, những doanh nhân tôn giáo bạn. Triết lý yêu thương, cho đi, và rao giảng Tin Mừng.”
Đó là những chia sẻ của anh VinsơnNguyễn Minh Tú một thành viên trong Tông đoàn Matthêu.
Anh Tú là thành viên trong gia đình có ông bà là người đạo gốc ở Xuân –Trường, Nam Định. Tuy nhiên, mãi về sau này anh mới biết bản thân là người có đạo. Anh đã trở lại đạo vào năm 2016. Đến năm 2018, anh tham gia vào trong Tông đoàn Matthêu. Khi nói thêm về điều này, anh chia sẻ:
“ Nạn đói năm 45, ông bà lên HN lập nghiệp và sinh ra được 8 người con, nhưng bị mất 3 người. Bố anh là con cả. Bố và cô thứ hai khi sinh ra vẫn đặt tên thánh. Sau này, vì cuộc sống vất quảnên gia đình ngày càng xa Chúa, những người con sau không được đặt tên thánh. Bẵng đi một thời dài, gia đình không còn sinh hoạt đạo. Đến năm 1994, ông bị tai biến. Trong lúc nằm ở nhà, ông nhờ các con mời cha đến ban Bí tích Xức Dầu. Lúc đó mọi người trong gia đình ngạc nhiên, nên đã mời cha Quế bên nhà thờ Hàm Long đến ban Bí tích Xức Dầu cho cụ.
Đến năm 2016, khi mọi thứ ổn định, Bố anh nghĩ đến cội nguồn, mẹ anh lúc đó vẫn theo Phật. Nhờ ơn Chúa mà mọi thứ chuyển biến, gia đình anh về quê và được các cha linh hướng. Sau đó, khi lên Hà Nội, gia đình anh đã tham gia dự khóa giáo lý dự tòng trong 1 năm.
Năm 2018, cả gia đình lãnh nhận các Bí tích trở lại đạo. Như một hồng ân, gia đình được ơn Chúa, mọi người trong gia đình trở nên hòa thuận, nhẫn lại yêu thương nhau. Những xích mích trong đời sống hôn nhân cũng được hóa giải nhờ Bí tích Hôn phối.
Sau hơn 10 năm làm ở nhà nước, có rất nhiều cơ hội nhưng anh cảm thấy không phù hợp. Anh trở lại đạo và bắt đầu kinh doanh. Có một thứ gì đó thôi thúc anh mình là người công giáo rồi thì mình phải có sự kết nối sâu hơn đối với những người anh em của mình, đặc biệt là với những người anh em trong Tông đoàn, những người anh em trong xa quê giống như mình. Khi nhà thờ Thái Hà xây dựng nhà Mục vụ, anh có gặp cha Hưng và cha giới thiệu về Tông đoàn. Anh đã tìm đến thư kí của Tông đoàn. Ngày đầu tiên anh tham gia Tông đoàn cũng chính là ngày lễ kính thánh Matthêu, bổn mạng tông đoàn. Anh cảm thấy đó là một sự sắp đặt rất tự nhiên, như một hồng ân dành cho mình.
Anh mong muốn là những người doanh nhân Công giáo mình sẽ lớn mạnh hơn nữa, có nhiều đóng góp cho xã hội và Giáo Hội. Đặc biệt, những doanh nhân Công giáo có những dấu ấn và ghi nhận hơn nữa. Anh rất quan tâm đến giới trẻ, bằng sự từng trải của bản thân, anh mong mỏi giới trẻ Công giáo có thể phát triển toàn diện về kĩ năng”
“Chắc chắn rằng, không chỉ những nhân vật trên đây, mà bất cứ thành viên nào trong Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội cũng là một nhân chứng sống động của Chúa Cứu Thế. Tuy khác nhau về khu vực địa lý, khác nhau về nét văn hóa sống đạo giữa các xứ đạo, nhưng tất cả chúng ta đều có một điểm chung là làm sáng danh Thiên Chúa giữa nơi Hà Thành.”