Chứng nhân Chúa Cứu Thế ( 2019-2022)

 

CHƯƠNG 5: GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO XA QUÊ HÀ NỘI- CHỨNG NHÂN CHÚA CỨU THẾ ( 2019-2022) 


Đây là giai đoạn mà nhiệm kỳ hiện tại của Hội Đồng Mục Vụ khóa IV (2019-2022) đang điều hành Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Trong giai đoạn này, sự xuất hiện của đại dịch cúm tàu, đang bùng phát khắp nơi, gây nên bao khó khăn thư thạch cho toàn thế giới; trong đó có cả Việt Nam, nước láng giếng của Trung Quốc. Để nắm bắt được rõ hơn về những gì mà Thiên Chúa đã làm cho những người con xa xứ xa quê tại Hà Nội, chúng ta cùng nhìn lại bối cảnh xã hội và giáo hội trong giai đoạn này.

 

1, BỐI CẢNH XÃ HỘI – GIÁO HỘI

Về mặt xã hội, sự xuất hiện của virus- 19, được đánh giá là hiện tượng gây ảnh hưởng nhiều nhất đến toàn nhân loại trong giai đoạn này. Thiết tưởng chúng ta cũng nên xem lại hiện tượng này một cách khách quan, để hiểu được tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó đến toàn thế giới, cách riêng với Việt Nam chúng ta. Ảnh hưởng của virus này không chỉ tước đi sinh mạng của bao người mà còn làm xáo trộn thiệt hại không lổ về mặt kinh tế - xã hội và những hệ lụy kèm theo sự thiệt hại này.
Các ca nghi nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán- Trung Quốc được báo cáo vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, với các triệu chứng đầu tiên xuất hiện khoảng hơn ba tuần trước đó (ngày 08 tháng 12 năm 2019). Chợ hải sản Hoa Nam, nơi được giới chức y tế địa phương cho là địa điểm bùng phát dịch bệnh đầu tiên, đã bị đóng cửa vào ngày 01 tháng 01 năm 2020 và các bệnh nhân có các triệu chứng được cách ly. Hơn 700 người, bao gồm hơn 400 nhân viên y tế, những người tiếp xúc gần gũi với người bị nghi ngờ mắc bệnh sau đó đã được theo dõi.Với sự phát triển một phương pháp xét nghiệm phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase sao chép ngược đã chẩn đoán cụ thể để phát hiện người nhiễm virus, 41 người ở Vũ Hán đã được xác nhận là bị nhiễm virus 2019-Corona, trong đó có hai người được báo cáo là một cặp vợ chồng mà một trong hai người chưa bao giờ đến khu chợ, ba người khác là thành viên trong cùng gia đình đó và làm việc tại quầy hải sản ở chợ.

Vào ngày 09 tháng 01 năm 2020, ca tử vong đầu tiên là một người đàn ông 61 tuổi ở Vũ Hán. Vào ngày 16 tháng 01 năm 2020, chính quyền Trung Quốc thông báo rằng có một người đàn ông 69 tuổi khác được xác nhận mắc bệnh, cũng ở Vũ Hán, đã chết vào ngày trước đó. Đặc biệt, sau cái tết Tàu, từ Vũ hán, những người gốc Trung Quốc đã trở về nơi cư trú của mình, mang theo đại dịch đi khắp thế giới. Năm 2020 có thể nói là năm kinh hoàng của thế giới, do dịch virus -19 gây nên. Người ta không thể tính hết được bao nhiêu tổn thất do đại dịch này tạo ra. Có nhiều ý kiến bất đồng về nguồn gốc của con Virus này. Nhưng điểm khởi phát thì không ai có thể chối cãi được, đó chính là Vũ Hán Trung Quốc. Thế giới đang muốn truy tìm cho ra nguồn gốc con virus này, vì có quan điểm cho rằng nó sống chuồng từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của Trung Quốc, tại Vũ Hán. Chúng ta biết rằng Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc là thành phố lớn thứ bảy ở Trung Quốc, với dân số hơn 11 triệu người. Nơi đây là một trung tâm giao thông lớn của đất nước này và Trung tâm đường sắt Vũ Hán là một trong 4 trung tâm đường sắt quan trọng nhất Trung Quốc. Thành phố này nằm cách Bắc Kinh khoảng 700 dặm (1.120 km) về phía Nam, 500 dặm (8oo km) về phía Tây với Thượng Hải và 600 dặm (960 km) về phía Bắc với Hồng Kông. Các chuyến bay thẳng từ Vũ Hán cũng kết nối đến các thành phố lớn của châu Âu và Mỹ: sáu chuyển mỗi tuần đến Paris, ba chuyến hàng tuần đến Luân Đôn và năm chuyển hàng tuần đến Roma. Bởi vậy, đại dịch mới có thể bùng phát nhanh như vậy.

Những ca bệnh đầu tiên đều truy tìm được nguồn gốc và cách ly, xuất hiện từ 23 tháng 01 đến 19 tháng 03 năm 2020. Hai trường hợp xác nhận nhiễm bệnh đầu tiên đã nhập vào bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, gồm một nam Trung Quốc 66 tuổi đi từ Vũ Hán đến Hà Nội để thăm con trai sống ở Việt Nam, và con trai 28 tuổi, người bị cho là đã bị lây bệnh từ cha mình khi họ gặp gỡ tại Nha Trang. Vào ngày 01 tháng 02, một nữ 25 tuổi, được xác định nhiễm virus corona tại tỉnh Khánh Hòa. Đây là nhân viên tiếp tân và đã tiếp xúc với trường hợp F.1 và F.2. Đây là trường hợp truyền nhiễm nội địa đầu tiên tại Việt Nam, sau đó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch tại Việt Nam và ra quyết định thắt chặt biên giới, thu hồi giấy phép hàng không và hạn chế thị thực. Tối ngày 19 tháng 03, tổng số bệnh nhân trên cả nước lên 85.


Theo Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam, quý IV và năm 2020 thì ; “Kinh tế – xã hội năm 2020 của nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái phần lớn các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch Covid-19, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn[1]. Thương mại toàn cầu, giá cả hàng hóa đang dẫn được phục hổi, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong tháng 11 và tháng 12 nhờ tín hiệu tích cực từ sản xuất và hiệu quả của vắc-xin phòng Covid-19. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu tuy vẫn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã có xu hướng phục hồi trong những tháng cuối năm 2020 và dự báo tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2021[2]. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gây thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân”.

Tình hình tôn giáo theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền tại Việt Nam năm 2019 thì : “Hiến pháp Việt Nam quy định tất cả mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp luật quy định sự kiểm soát đáng kể của chính quyền đối với các hoạt động tôn giáo và có những quy định mập mờ cho phép hạn chế tự do tôn giáo vì lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội. Luật Tin ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2018, vẫn duy trì một quy trình đăng ký và công nhận các nhóm tôn giáo gồm nhiều bước. Các chức sắc tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm chưa được công nhận hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký, cho biết chính quyền có nhiều hình thức sách nhiễu – bao gồm việc hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, hạn chế đi lại, thu giữ hoặc hủy hoại tài sản – và từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và/hoặc các yêu cầu xin phép khác. Vào tháng 8, Rah Lan Hip bị tuyên phạt 7 năm tù sau khi bị kết tội “phá hoại chính sách đoàn kết” khi ông này khích lệ các tín đồ đạo Tin lành Đề Ga người dân tộc thiểu số chống lại việc chính quyền gây sức ép buộc họ bỏ đạo. Tiếp tục có các báo cáo về tình trạng các tín đồ tôn giáo bị nhà chức trách sách nhiễu ở Tây Nguyên, đặc biệt là thành viên Hội thánh Tin lành đấng Christ, và ở Tây Bắc đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo và Công giáo La Mã người H'mong, cũng như đối với các nhóm Công giáo và Tin lành ở các tỉnh Nghệ An và Tuyên Quang. Các tín đồ tôn giáo cho biết nhà chức trách địa phương hoặc cấp tỉnh thực hiện phần lớn các vụ sách nhiễu. Nhìn chung, thành viên của các nhóm đã được công nhận hoặc đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký có thể hoạt động tôn giáo mà ít bị chính quyền can thiệp  hơn, mặc dù một số nhóm đã được công nhận, trong đó có Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc sinh hoạt tập trung ở một số tỉnh, bao gồm các tỉnh Quảng Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Giang và Hòa Bình. Các nhóm khác đang làm thủ tục xin đăng ký chính thức, bao gồm Hội thánh Tin lành Trưởng lão liên hiệp và Liên hữu Tin Lành Baptist Việt Nam, cũng cho biết họ gặp khó khăn trong sinh hoạt tập trung ở một số tỉnh. Thành viên các nhóm tôn giáo nói rằng một số chính quyền địa phương và cấp tỉnh sử dụng hệ thống các quy định pháp lý của địa phương và trung ương để trì hoãn, phủ nhận tính hợp pháp và trấn áp hoạt động tôn giáo của các nhóm chống lại sự quản lý chặt chẽ của chính phủ về cơ cấu lãnh đạo, chương trình đào tạo, các cuộc hội họp và các hoạt động khác của họ. Trong năm qua, chính phủ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho Giáo hội các thành hữu ngày sau của Chúa Giê su Ki-tô (Giáo hội Chúa Giê su Ki- tô). Mặc dù Ủy ban điều phối của Giáo hội Chúa Giê su Ki-tô đã được đăng ký vào năm 2016, việc được cấp mới đăng ký hoạt động tôn giáo đưa Giáo hội này tuân thủ với quy định của luật mới và là bước thứ hai trong quy trình để tiến tới được công nhận chính thức. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản Vesak của Liên Hợp”


Còn năm 2020 thi báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại Việt Nam lại nói rõ hơn : “Những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm: việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền; tù nhân chính trị; những vấn để lớn về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang mạng, ra các luật về hành vi phi báng mang tính chất hình sự; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội; hạn chế đáng kể tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; công dân không có khả năng thay đổi chính quyền một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế sự tham gia chính trị; các hành vi tham nhũng lớn; buôn bán người; hạn chế đáng kể quyền tự do lập hội của công nhân; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức”.
Về phía Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là tại Tổng Giáo Phận Hà Nội cũng có những sự thay đổi khá quan trọng về mặt nhân sự. Vào ngày 17 tháng 11 năm 2018, Tòa Thánh báo tin Đức Thánh Cha Phanxico đã chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội. Đồng thời, Đức Thánh Cha Phanxico cũng chính thức bổ nhiệm Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo Phận Hải Phòng, làm Tổng giám mục kế vị và cũng kiểm nhiệm thêm vai trò Giám quản Tông Tòa Giáo phận Hải Phòng, chờ ngày bổ nhiệm Giám mục chính tòa mới cho giáo phận này. Trong văn thư của Tòa Giám mục Hải Phòng cùng ngày, Tân Tổng giám mục Giáo Phận Hà Nội, Giuse Vũ Văn Thiên cho biết ngài cũng khá bất ngờ với bổ nhiệm này từ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chiều ngày 16 tháng 12 năm 2018, Tổng giáo phận Hà Nội cử hành nghi thức đón Tân Tổng giám mục Giuse Vũ Văn Thiên tại Nhà thờ chính tòa Hà Nội vào lúc 17 giờ 45. Trước sự đón tiếp của vì tiền nhiệm là Đức Hồng y Nguyễn Văn Nhơn, Đức Giám mục Lôrensô Chu Văn Minh cùng đông đảo linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc Tổng giáo phận Hà Nội và Giáo phận Hải Phòng, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên cảm thấy xúc động. Đức Tân Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội cho rằng sự đón tiếp là biểu hiện của tình yêu mến, tình hiệp thông và sự kỳ vọng của mọi người đối với chính ngài. Trước đó, một phái đoàn Tổng giáo phận Hà Nội đã đến Tòa Giám mục Hải Phòng đón tận Tổng giám mục gồm có Giám mục phụ tá Chu Văn Minh, các linh mục trong Ban tư vấn, các linh mục quản hạt, đại diện các dòng tu và một số giáo dân. Sau hành trình dài hai giờ phái đoàn đã đến Nhà thờ chính tòa Hà Nội. Sau nghi thức đón tiếp ngắn gọn, Tân Tổng giám mục về ở tại Tòa Tổng giám mục Hà Nội. 

Như vậy, tình hình kinh tế xã hội trên thế giới, cách riêng tại Việt Nam, nhất là tại Thủ đô Hà Nội khá bất ổn; ảnh hưởng rất lớn đến dời sống và sinh hoạt của những người dân nơi đây, đặc biệt là những người xa quê. Nhiều người thất nghiệp, đã phải bỏ về quê để trốn dịch và mưu sinh. Nhưng Hội Thánh địa phương nơi đây lại có được một Tần Tổng Giám Mục khá trẻ và năng động. Dẫu rằng vẫn còn đó những kỳ thị Tôn giáo, những cấm cách, bắt bớ, nhưng những sinh hoạt của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội trong thời gian này vẫn diễn ra khá điều độ, tuy cũng bị gián đoạn một thời gian, vì dịch cúm Tàu đang hoành hành khắp nơi. Đặc biệt hơn nữa, sau những nỗ lực vượt thắng những khó khăn trở ngại nói trên, Hội Đồng Mục Vụ và quý Cha Đặc trách vẫn quyết định tổ chức các hoạt động cụ thể để mừng kỷ niệm : Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội – 15 năm làm chứng cho Chúa Cứu Thế. 

2. 15 LÀM CHỨNG CHO CHÚA CỨU THẾ

Bất chấp đại dịch covid - 19, đang bùng phát dữ dội khắp nơi và những hệ lụy kèm theo, những khó khăn về chính trị, kinh tế, tôn giáo, Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội vẫn quyết tâm thực hiện những kế hoạch, chương trình để mừng kỷ niệm 15 làm chứng cho Chúa Cứu Thế tại Tổng Giáo Phận Hà Nội. Để hiểu rõ hơn những hoạt động này, chúng ta cùng xem lại cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới (2019-2022) cùng với những gì Thiên Chúa đã thương ban cho chúng ta trong giai đoạn này.
Có thể nói, nhiệm kỳ này có một sự thay đổi về thời gian, cũng như cách thức bầu cử Hội Đồng Mục Vụ của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Nhân dịp tọa đàm đầu xuân, tức là vào ngày 27/02/2019, cũng tại phòng hội, cạnh Đền Thánh Giêrađô, cha đặc trách Gioan quyết định cuộc bầu cử Ban Thường Vụ của nhiệm kỳ mới. Cùng hiện diện trong buổi tọa đàm này, có cha Giuse Trịnh Ngọc Hiện, Bề trên Tu viện Hà Nội và là cha Chánh xứ giáo xứ Thái Hà, quý cha đặc trách, Hội Đồng Mục Vụ và đông đảo cộng đoàn dân Chúa trong Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội tham dự.

Sau kết quả kiểm phiếu, ông Phaolô Vũ Ngọc Giác, Giáo Phận Bùi Chu, đã có số phiếu cao nhất và đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ trong nhiệm kỳ (2019-2022).Cùng đồng hành với ông tân Chủ tịch, có 06 ông phó chủ tịch gồm: Giuse Đỗ Duy Hiệu, Giáo Phận Thái Bình; Phanxico Trần Văn Tám, Giáo Phận Thái Bình; Giuse Đỗ Xuân Kính, Giáo Phận Hưng Hóa; Vinhsơn Mai Văn Huỳnh, Giáo Phận Bùi Chu; Vinhsơn Nguyễn Văn Toán, Giáo Phận Bùi Chu và Gioan Nguyễn Văn Bình, Giáo Phận Hà Nội. Ba ông phó: Giuse Đỗ Duy Hiệu, Vinhsơn Nguyễn Văn Toán và Gioan Nguyễn Văn Bình, sẽ phụ trách các Ban ngành. Còn ba ông phó: Phanxico Trần Văn Tám, Vinhsơn Mai Văn Huỳnh và Giuse Đỗ Xuân Kinh sẽ phụ trách các Cộng đoàn. Như vậy, Ban Thường Vụ gồm 07 người, đến từ các giáo phận Hà Nội, Hưng Hóa, Bùi Chu, Thái Bình thật đa dạng, phong phú. Đúng là quà tặng Chúa thương ban cho Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội trong nhiệm kỳ này. 

Vào tối thứ ba, ngày 07/05/2019, trong thánh lễ tĩnh tâm, chuẩn bị mừng kính trọng thể Giuse Thợ, Bổn mạng của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, Hội Đồng Mục Vụ mới chính thức ra mắt và đảm nhận trách nhiệm. Trước lúc kết thúc thánh lễ, cha đặc trách có những tâm tình cám ơn Ban Thường Vụ, Hội Đồng Mục Vụ nhiệm kỳ 2016-2019, về những đóng góp hy sinh vô cùng giá trị của quý ông, quý anh, quý bà và trao chứng nhận hoàn thành sử vụ cho từng người một. Tiếp đến, sau khi công bố danh sách Ban Thường Vụ và Hội Đồng Mục Vụ nhiệm kỳ mới 2019-2022, quý cha đặc trách đã trao thẻ cho từng thành viên và chính thức ra mắt Ban Thường Vụ và Hội Đồng Mục Vụ Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, nhiệm kỳ 2019-2022, trong tiếng vỗ tay và nỗi mừng vui của toàn thể Cộng đoàn Dân Chúa. Đại diện cho Ban Thường Vụ Và Hội Đồng Mục Vụ, ông Tân Chủ tịch có những tâm tình chia sẻ với quý cha, quý soeurs và toàn thể những người con xa xứ xa quê, với những quyết tâm mới.

Đầu tháng 09 năm 2019, thầy Phêrô Trịnh Công Chí, sau khi lãnh sứ vụ Phó tế ở Sài gòn, đã được sai về Cộng Đoàn Chúa Cứu Thế Hà Nội để thực hành mục vụ. Trong thời gian này, cha đặc trách, xin thầy đồng hành với Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Hết thời gian mục vụ, đầu tháng 07 năm 2020, thầy Phêrô đã lãnh sứ vụ linh mục tại Sài Gòn. Sau khi lãnh sứ vụ linh mục, cha Phêrô Trịnh Công Chí, tiếp tục đồng thành với Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, với vai trò cha phó đặc trách.
Trong Đại Lễ Di Dân năm 2019, Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, với chủ đề: “Hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em”, đã được vinh dự đón Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Tân Tổng Giám Mục Hà Nội, tới Chủ tế và giảng lễ. Cùng hiện diện với Ngài có cha Bề trên Giám tỉnh, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, cha Tổng Đại Diện Giáo Phận Thái Bình, và đông đảo quý cha, quý tu sỹ nam nữ và toàn thể cộng đồng Dân Chúa. Còn năm 2020, dù dịch bệnh lan tràn, Đại Lễ Di Dân vẫn diễn ra tại Hà Nội vào ngày 25,26,27 tháng 10, với sự hiện diện và chủ tế thánh lễ của Đức Cha Laurenxo Chu Văn Minh, với chủ đề: “Chính anh em là chứng nhân cho Thầy”. Riêng Đại Lễ Di Dân năm 2021, cũng dự tính sẽ được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27 tháng 10, tại Nhà thờ Thái Hà, với chủ đề : “Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội - 15 năm làm chứng cho Chúa Cứu Thế".
Để tiếp tục sứ mạng làm chứng cho Chúa Cứu Thế mà Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội đã sống, đã thực hiện trong suốt 15 năm qua, năm nay dự tính Đại Lễ Di Dân sẽ được tổ chức trọng thể hơn những năm trước. Đồng thời, nhân dịp đặc biệt này, Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội sẽ có những việc làm cụ thể như: Kỷ yếu và thước phim phóng sự với chủ đề: Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội – 15 làm chứng cho Chúa Cứu Thế, làm một nguyện đường cho Chúa, và nhiều chương trình khác.


Việc làm kỷ yếu và phóng sự, có thể nói là một trong những điểm sáng để kiến tạo nên dung mạo chứng nhân Chúa Cứu Thế một cách tổng hợp, hệ thống và chân thật nhất, về hành trình suốt 15 năm của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Bất chấp dịch bệnh đang bùng phát, Hội Đồng Mục Vụ, Tổ làm kỷ yếu, phóng sự đã họp liên tục với quý cha đặc trách, quý soeurs đồng hành, để từng bước hoàn thành công trình lớn lao và giá trị này. Có thể nói, đây là công trình chung của cả Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, được kết tinh từ những cộng đoàn đóng góp tài chính, đến những sự kiện, thông tin của các Cộng đoàn, các Ban ngành; đặc biệt là ban Thường vụ, ban Truyền thông, những người đảm trách công việc tổng hợp chính yếu tư liệu, đến những ân nhân, thân nhân và mọi thành dân Chúa. Dự tính, công trình lịch sử này sẽ được hoàn thành trước kỷ Đại Lễ Di Dân năm 2021, như một hy lễ tạ ơn chân thành của những người con xa xứ xa quê kính dâng lên Thiên Chúa của chúng con.

Cũng trong nhiệm kỳ này, sáng kiến mới của cha đặc trách Gioan là kiến tạo nên mục tiêu mới, để càng hoàn thiện Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Mục tiêu đó chính là: Thăng tiến con người toàn diện. Để đạt được mục tiêu này, Hội Đồng Mục Vụ Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, đã có những buổi hội thảo chuyên để về những khó khăn thách đổ trong việc xây dựng và phát triển các Cộng đoàn, Ban ngành. Nhờ những cuộc hội thảo này, những khó khăn, thách đố đã dần dần được khắc phục; những người đứng đầu Cộng đoàn, Ban ngành có được những kinh nghiệm quý cho việc dấn thân phục vụ dân Chúa. Hy vọng, trong thời gian tới, với sự cộng tác tích cực của Ban Cố Vấn, việc thăng tiến và phát triển con người toàn diện sẽ được đẩy mạnh.
Riêng Ban Cố Vấn của Hội Đồng Mục Vụ, trong nhiệm kỳ này, được bạch hóa với ba sứ vụ của mình cụ thể hơn. Thứ nhất, là quy tụ, gắn kết những người đã từng tham dự vào trách nhiệm trưởng phó các Cộng đoàn, Ban ngành, làm thành một Ban mới, để sống và diễn tả đức tin của mình với tư cách là những người đã từng góp công, góp sức xây dựng nên Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Thứ hai, Ban Cố Vấn sẽ có trách nhiệm quan sát, dõi theo hoạt động  của từng Cộng đoàn, Ban ngành, của cả Hội Đồng Mục Vụ, Ban Thường Vụ, để tìm xem có điểm nào chưa sáng, chưa tốt, thì trình lên Ban Thường Vụ và Hội Đồng Mục Vụ. Chính Ban Thường Vụ và Hội Đồng Mục Vụ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức để giải quyết những vấn đề tồn đọng này. Thứ ba, Ban Cố Vấn sẽ tích cực tìm kiếm, mời gọi những người có khả năng chuyên môn, kinh nghiệm, để tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ và kinh nghiệm làm việc, sống cho các thành viên trong Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội.

Tính đến thời điểm tháng 08. 2021, Gia Đình Công Giáo đã có tới 29 Cộng đoàn với số lượng thành viên chính thức tham gia sinh hoạt thường xuyên lên tới 6360, còn các thành viên, vì hoàn cảnh đặc thù, nên thỉnh thoảng tham gia sinh hoạt Cộng đoàn lên tới chục ngàn người. Trong nhiệm kỳ mới này, Chúa đã ban tặng cho Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội thêm 04 Cộng đoàn mới gồm: Mẹ Lên Trời Bái Xuyên; Vinh Sơn Dương Thanh Minh; Mẹ Fatima Duyên Thọ; và Vinh Sơn Giáp Nam. Riêng về Ban ngành thì nhiệm kỳ này tăng thêm 02 Ban mới, đó là Ban Giúp lễ và Khánh tiết; nâng tổng số các ban ngành lên tới con số 19. Dù dịch bệnh đang bùng phát, nhưng chúng ta vẫn đặt trọn niềm hy vọng vào Đấng Cứu Thể -Thiên Chúa của chúng ta mà can đảm lên đường làm chứng cho Ngài. 

 

3. CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA CỨU THẾ

Nhìn lại hành trình 15 năm trôi qua, dưới ánh sáng đức tin, the Gia Đình Công Giáo Xa Quê, đã được chính Thiên Chúa quy tụ, gắn kết, đào tạo, huấn luyện để trở thành những chứng nhân đích thực của Chúa Cứu Thế, giữa một thế giới đang bị tổn thương, trong sự liên đới với nhau vì sứ vụ. Bám chặt lấy 05 mục tiêu cụ thể đã được vạch ra, từ Ban Thường vụ, Hội Đồng Mục Vụ, đến các ban ngành, các cộng đoàn, đã nỗ lực hoạt động không ngừng và mang lại lợi ích cho bao tâm hồn, nhất là những người đang có nguy cơ lạc xa Chúa, giữa một thế giới đô thị, phồn hoa, đầy cám dỗ, thử thách. Để hiểu rõ hơn sử vụ làm chứng cho Chúa Cứu Thế, chúng ta cùng điểm qua những mục tiêu – cơ cấu, những hoạt vụ tông đồ của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, qua Ban Thường Vụ, Hội Đồng Mục Vụ, các Cộng Đoàn, Các Ban ngành, các Đại Lễ Di Dân, các chứng nhân sống động của những người con xa xứ xa quê tại mảnh đất Hà Thành này, từ lúc được quy tụ thành Cộng Đoàn Di Dân tiên khởi cho đến ngày nay, được tóm kết trong những phần tiếp theo. Dù không thể vẽ lại bức tranh toàn cảnh về sứ vụ cao cả này, nhưng hy vọng những gì được lưu lại trong những phần tiếp theo, cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn sứ vụ làm chứng cho Chúa Cứu Thế của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, trong suốt chặng đường 15 năm qua.


Điều đặc biệt hơn nữa, là Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội làm chứng nhân cho Chúa Cứu Thế, trong lòng Giáo Hội Việt Nam. Đọc lại lịch sử, từ bước khởi đầu thành lập cho đến thời điểm hiện tại, Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội luôn đón nhận được sự yêu thương, nâng đỡ, trợ giúp, chỉ dạy của các thành phần trong Hội Thánh. Sự hiện diện chủ tế và chia sẻ trong những dịp Đại Lễ Di Dân hàng năm của Đức Giám Mục, Chủ tịch UBMVDD của HĐGMVN, Quý Đức Tổng Giám Mục, Quý Đức Cha, Cha Bề Trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Quý linh mục, tu sỹ và quý ân thân nhân, cho thấy tình hiệp thông liên đới vì sứ vụ thật là cao cả. Những kỳ họp Hội nghị thường niên của UBMVDD, đã có sự hiện diện, chia sẻ của cha đặc trách Gioan, cha Giuse Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, càng minh chứng rõ hơn sứ mạng làm chứng cho Chúa Cứu Thế trong lòng Giáo Hội Việt Nam.


Dẫu rằng, để đạt được thành quả như hôm nay, quý cha đặc trách, quý soeurs đồng hành, Hội Đồng Mục Vụ, các Cộng đoàn, Ban ngành, cùng mọi thành viên trong Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, đã phải vượt thắng bao khó khăn thử thách. Có những khó khăn, thử thách đến từ môi trường chính trị - Xã hội. Cũng có những khó khăn, thử thách đến từ bên trong các Cộng đoàn, các Ban ngành. Nhưng vượt lên trên tất cả, đó chính là Tình Yêu của Đức Ki tô dành cho người di dân, đã chiến thắng. Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội chính là Quà Tặng . n Phúc mà Thiên Chúa tặng ban cho những người con xa xứ xa quê tại mảnh đất Thăng Long thân thương này.

Ước mong sao, nhìn lại lịch sử để càng nhận ra tình thương vô biên của Thiên Chúa, để thấu hiểu được bao hy sinh đóng góp của những người đi trước, Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, càng có được nhiều động lực, sức mạnh và quyết tâm, để cùng nhau tiếp tục sứ mạng làm chứng cho Chúa Cứu Thế. Nhờ đó, ơn cứu chuộc chứa chan nơi Đức Giêsu Kitô luôn được tuôn trào để thanh tẩy cho bao người khác.

Thái Hà ngày 10.07.2021 Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

 

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê