Bình Minh Hé Rạng ( 2010-2013)

CHƯƠNG 2: GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO XA QUÊ HÀ NỘI- BÌNH MINH HÉ RẠNG

Đây là giai đoạn Gia Đình Công Giáo Xa Quê chính thức được thành lập và đi vào hoạt động có quy củ, có Hội Đồng Mục Vụ cùng với 12 cộng đoàn và 11 ban ngành. Với số thành viên lên tới 550, những hoạt động của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội đã có mục đích rõ ràng, có đường lối, có tổ chức và đạt được hiệu quả tốt. Chúng ta cùng nhau nhìn lại bối cảnh, sự ra đời, tổ chức nhân sự cũng như những hoạt động chủ yếu của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội trong giai đoạn này. Đồng thời, chúng ta cũng chiêm ngắm những tương quan mật thiết với Giáo hội Việt Nam, đặc biệt là UBMVDD của HDGMVN với Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Nhờ vậy, chúng ta mới thấy được ánh bình minh đã bắt đầu ló rạng, báo hiệu một tương lai mới đầy hy vọng và hứa hẹn cho những người con xa xứ xa quê tại mảnh đất Hà Thành.

1. BỐI CẢNH XÃ HỘI- GIÁO HỘI

Tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn này có nhiều biến động và khá phức tạp. Để hiểu thêm về Việt Nam trong thời điểm này, chúng ta có thể xem lại những phát biểu, nhận định của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Bản báo cáo của Chính phủ nêu lên khá rõ: “Chúng ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến hầu hết các nước. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, khủng hoảng và suy thoái đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế. nước ta, nhất là xuất khẩu, đầu tư, du lịch. Ở trong nước, hệ quả của các biện pháp kiềm chế lạm phát thực hiện trong năm 2008 cùng với thiên tại dịch bệnh liên tiếp xảy ra làm trầm trọng thêm những khó khăn yếu kém của nền kinh tế; các thế lực thù địch lại tăng cường hoạt động chống phá”. (Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010, 29/08/2010 11:38:00).

Theo báo cáo của Chính phủ Việt Nam thì: “ Đất nước ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 trong bối cảnh kinh tế thế giới vừa ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái, bước đầu phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức”. (Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011, 28/08/2011 11:05:00).

Còn năm 2011 thì cũng theo báo cáo của Chính phủ: “Tình hình kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh đầy biến động. Mặc dù còn có những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, nền kinh tế nước ta đã ứng phó có kết quả với diễn biến phức tạp của tình hình, đạt được nhiều thành tựu quan trọng”. (Tổng quan tình hình kinh tế năm 2011,Thứ sáu, 30/12/2011 00:30 (GMT+7).

Riêng năm 2012, theo báo cáo của Thủ tướng: “Chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2012 trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động rất phức tạp và khó khăn nhiều hơn, thương mại sụt giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu thấp so với dự bảo đầu năm, tác động tiêu cực đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao; doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta phải dành nhiều thời gian và công sức để đối phó với thiên tai, dịch bệnh, các âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia”.(Sáng 22/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”. Cổng TTĐT Chính phủ giới thiệu toàn văn Báo cáo).

Như vậy, Tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn này cũng khá bất ổn; đặc biệt vào những tháng gần cuối của năm 2009. Khủng hoảng kinh tế, dẫn đến những phi vụ bán đất của Nhà thờ, Nhà dòng, của những nhóm lợi ích riêng. Riêng tại Hà Nội, vấn đề Khâm sứ - Thái hà như phải dừng lại, sau khi nhà cầm quyền đã sử dụng vũ lực, để biến 2 khu đất này trở thành 2 công viên. Bầu khí căng thẳng giữa nhà cầm quyền với Giáo hội đang được âm thầm giải quyết. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giáo Mục Hà Nội và Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt rút về Đan viện Xi-tô Châu Sơn, Nho quan, Ninh Bình. Những cuộc bách hại, trả thù nham hiểm của nhà cầm quyền bắt đầu xuất hiện.

2. GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO XA QUÊ HÀ NỘI ĐƯỢC KHAI SINH VÀ HOẠT ĐỘNG

Sau một năm dấn thân cho sinh viên Công giáo tại Hà Nội, Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội bàn giao lại Cộng đoàn di dân cho cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh đặc trách. Tháng 09 năm 2009, cha Gioan nhận sứ vụ. Một trang sử mới được mở ra cho những người di dân tại Hà Nội. Tiếp nhận cộng đoàn di dân, sau một thời gian quan sát, tìm hiểu, hướng dẫn, ngày 12 tháng 12 năm 2009, cha Gioan đã chia cộng đoàn di dân này thành 10 cộng đoàn nhỏ, cách ngẫu nhiên và cho tự chọn. Tiếp đó, mỗi cộng đoàn tự bầu chọn ban điều hành cho riêng mình. Trong thời gian này, cha Gioan đã chuyển đổi thánh lễ 20h tối thứ Ba, vào ngày thứ Tư, và chọn Thánh Giu-se Thợ làm bổn mạng. Sau mỗi thánh lễ thứ Tư, cha Gioan mời gọi mỗi cộng đoàn ở lại gặp gỡ, chia sẻ những công việc, những khó khăn, những mối bận tâm của mình cũng như những công việc sắp tới của cộng đoàn. Nhờ những buổi chia sẻ thân mật như vậy, sự gắn kết giữa các thành viên ngày càng tăng và xuất hiện những con người nhiệt thành, đạo đức, dấn thân, có óc tổ chức, có khả năng lãnh đạo cộng đoàn dân Chúa.

Sau gần ba tháng để cho các cộng đoàn thử nghiệm, ngày 18 tháng 03 năm 2010- Ngày khai sinh ra Hội Đồng Mục Vụ- tại phòng Hội, cận kề đền Thánh Giêrađô, cha Gioan cho tiến hành một cuộc bầu cử công khai, đủ các thành phần của to Cộng đoàn cùng tham dự, để thiết lập Hội Đồng Mục Vụ, nhiệm kỳ (2010 – 2013), nhằm giúp cha cộng tác tích cực hơn trong việc điều hành, tổ chức các hoạt động cho những người con xa xứ, xa quê tại Thành phố Hà Nội. Kết quả chung cuộc là ông Phanxico Xavie Đỗ Hữu Chí, người con của Giáo phận Hưng Hóa, đã được chọn làm Chủ tịch tiên khởi của Hội Đồng Mục Vụ ( HDMV) và ông Gioan Nguyễn Cao Thăng, người con thuộc Giáo phận Thái Bình, được cử làm cố vấn cho ông tân Chủ tịch. Cộng đoàn di dân chính thức được đổi tên thành Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội đã có 10 cộng đoàn: Truyền tin, Phaolô, Đaminh, Gioan Don Bosco, Monica, Mân côi, Martino, Phanxico, Têrêxa Hải Đồng Giêsu, Vinhsơn, với số lượng các thành viên tham dự vào từng cộng đoàn khá khiêm tốn. Cha Gioan cũng đã thiết lập một văn phòng mục vụ di dân tại tầng trệt, bên cạnh nhà sách của nhà dòng, thuộc tòa nhà Giáo lý ba tầng của giáo xứ Thái Hà. Hội Đồng Mục Vụ của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội bao gồm ông chủ tịch, ông cố vấn, trưởng phó các cộng đoàn và các ban ngành, sẽ họp định kỳ, 2 tuần một lần cùng với cha đặc trách Gioan, để hoạch định, đôn đốc, triển khai thực hiện những kế hoạch chung đã được bàn thảo trong từng cuộc họp.

Cũng trong thời gian này, một loạt các ban ngành cũng được thành lập, và đi vào hoạt động như ban tâm linh, nối kết, việc làm, tông đồ, ca đoàn, sinh hoạt, trật tự, sinh hoạt. Đến tháng 09 năm 2010, cha Vinh Sơn Liêm Nguyễn Trường Chính, sau khi lãnh sứ vụ linh mục tại Kỳ Đồng - Sài Gòn, đã được nhà Dòng gửi đến để cùng cộng tác với cha Gioan, trong việc chăm sóc mục vụ cho Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Đến tháng 10 năm 2012, cha Vinh Sơn Liêm lại được sai đến với sứ vụ mới cho người sắc tộc tại Gia-lai, khép lại những ngày tháng đáng nhớ của đầu đời linh mục, khi được đồng hành với những người con xa xứ xa quê trong Gia Đình Công Giáo Xa Quê. Sau khi cha Vinh Sơn Liêm rời khỏi Cộng đoàn di dân Thái Hà, cha đặc trách Gioan xin nhà Dòng cho thêm một cha nữa để phụ giúp ngài. Cuối năm 2012, cha Đaminh Nguyễn Văn Huyến được nhận vào thể chỗ cho cha Vinh Sơn Liêm Nguyễn Trường Chính.

Với nhiệm kỳ tiên khởi (2010 – 2013), Hội Đồng Mục Vụ của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội, nhờ ơn trợ giúp của Thiên Chúa, lời chuyển cầu linh nghiệm của thánh Giu-se Thợ quan thầy, sự cộng tác tích cực của các thành viên trong từng cộng đoàn, ban ngành, sự hướng dẫn tận tình của cha đặc trách Gioan và cha phó đặc trách Vinh Sơn Liêm, việc đồng hành của quý soeurs Dòng Mân Côi - Đa minh, thuộc Giáo phận Bùi Chu; nhất là sự hy sinh, dấn thân phục vụ của quý soeurs Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Khép lại nhiệm kỳ thứ nhất (2010 -2013), số cộng đoàn, ban ngành, các thành viên gia tăng, đời sống đức tin cũng được cải thiện, các cơ cấu tổ chức của Hội Đồng Mục Vụ và các ban ngành cũng đã vận hành khá ổn định và ăn khớp với nhau hơn.

Ngày 28/4/2010, Đại hội di dân với chủ đề: “Tình yêu của Đức Kitô dành cho người di dân” lần đầu tiên được tổ chức vào ngày lễ Bổn mạng kính thánh Giuse Thợ (01/5). Sau đó Đại hội di dân được tách ra và đổi tên thành Đại lễ di dân diễn ra vào trung tuần tháng 10 của những năm tiếp theo. Đại lễ dành cho người di dân thường niên đã được tổ chức quy mô, trọng thể trong khuôn viên Đền Thánh Giêrađô và thu hút, quy tụ được hàng ngàn người tham dự. Trong tuần lễ dành cho người di dân được tổ chức suốt ba ngày đêm này, bao gồm chương trình hoan ca văn nghệ, Thánh lễ, cầu nguyện...và những hoạt vụ khác đã để lại những ấn tượng tốt lành không chỉ cho người di dân mà cả giáo dân sở tại của Giáo xứ Thái Hà. Trong nhiệm kỳ này, quý cha đặc trách và Hội Đồng Mục Vụ đã xác định o4 mục tiêu rõ ràng, để cùng nhau hành động:

• Tìm kiếm, mời gọi, quy tụ mọi người để thiết lập nên cộng đoàn mới
• Chăm sóc, củng cố và làm triển nở đời sống đức tin cho các thành viên
Thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Thiên Chúa
• Nối kết và gắn kết thần tình với Giáo Hội tại quê nhà và nơi mình sinh hoạt. 

Vào tháng 04 năm 2012, do nhu cầu mục vụ, ông Giuse Đỗ Tiến Mạnh được cử vào ghế Phó Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ, để cộng tác với ông Chủ tịch Phanxico Đỗ Hữu Chí trong việc điều hành Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Vì lý do công việc, cuối năm 2012, ông Chủ tịch Phanxico Xavie Đỗ Hữu Chí về lại quê nhà sinh sống. Đầu năm 2013, ông Giuse Đỗ Tiến Mạnh, với chức vụ Phó Chủ tịch, tiếp tục kế nhiệm ghế Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ của Gia Đình Công Giáo Xa quê Hà Nội và thực thi sứ vụ của mình cho đến thời điểm kết thúc nhiệm kỳ 2010-2013.

Tuy nhiên, những khó khăn của nhiệm kỳ đầu này vẫn còn đó. Khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề nhân sự. Chỉ có một chủ tịch và một cố vấn trợ giúp, nên Hội Đồng Mục Vụ khó có thể làm được hết những công việc cần thiết của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Vả lại, các thành viên trong Hội Đồng Mục vụ, trong các cộng đoàn, vì chưa quen nhau, chưa quen với công việc, nên hiệu quả của công việc chưa cao. Thêm vào đó, vì Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ phải về quê, khi chưa hết nhiệm kỳ, nên nhân sự thế chỗ là ông tân Chủ tịch phải gồng mình làm việc vất vả. Dù đã tổ chức những cuộc gặp gỡ sau thánh lễ, tiệc ngọt kèm theo... nhưng sự gắn kết giữa các thành viên vẫn chưa cao. Một số cộng đoàn có nguy cơ tan rã vì không có thủ lãnh dẫn dắt và không có các thành viên mới gia nhập vào. Vài ban ngành cũng gặp khó khăn trong vấn đề xác nhận phương thức hành động sao cho có lợi ích và hiệu quả cao. Những khó khăn thách đố đó sẽ được tháo gỡ như thế nào ? Chúng ta cùng bước vào nhiệm kỳ II, để cùng hiểu rõ hơn, những nỗ lực canh tân, đột phá, vượt khó, của quý cha đặc trách và Hội Đồng Mục Vụ của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội.

3. GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO XA QUÊ- UBMVDD VÀ HĐGMVN

Ngay từ nhiệm kỳ thứ nhất, Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội đã có một tương quan khá tốt với Ủy Ban Mục Vụ Di Dân của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Từ ngày 08-09 tháng 01 năm 2010, cha đặc trách Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, đại diện cho di dân tại Tổng Giáo phận Hà Nội, đã được mời tham dự Hội nghị Toàn quốc về Mục vụ Di dân. Tại chủng viện Phanxico, 42 Đình Phong Phú, P. Tăng Nhơn Phú B; Q. 9, Tp Hồ Chí Minh. Hội nghị đầu tiên này do Đức Hồng Y Gioan Bt. Phạm Minh Mẫn, chủ tịch tiên khởi của Ủy ban Mục vụ Di dân của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đứng ra tổ chức với 95 thành viên, đại diện cho các Giáo phận, dòng tu trong toàn quốc, cũng như ở ngoại quốc cùng tham dự. Đề tài trao đổi trong Hội nghị Toàn Quốc về Mục Vụ Di Dân, lần thứ nhất, của UBMVDD – HĐGMVN bao gồm:

  • Chỉ dẫn của Giáo hội về Mục Vụ Di Dân, dựa theo Huấn thị Erga Migrantes Caritas Christi và Final Document của Đại hội Quốc tế về Di dân, Roma 2009.
  • Ứng dụng vào tình hình di dân Việt Nam, trong nước và nước ngoài.
  •  Hoàn chỉnh Ban điều hành của UBMVDD –HĐGMVN, gồm các thành phần.

Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa những người đặc trách di dân trong toàn quốc cùng về tham dự. Trong lần gặp gỡ này có cả quý soeurs, quý cha đang lo mục vụ di dân cho người Việt Nam tại các nước ngoài. Hội nghị nhóm họp trong bối cảnh tại Hà Nội, biến cố nhà cầm quyền Hà Nội đã tổ chức phá đổ cây Thánh Giá ở giáo xứ Đồng Chiêm đang xảy ra khá căng thẳng. Có những tu sĩ và giáo dân đã bị đánh tàn nhẫn. Các vị đại diện của những nhà đặc trách di dân của các vùng miền đã báo cáo, chia sẻ về những gì mà Giáo hội đang làm cho những người di dân. Tại thành phố Sài gòn, có những giáo xứ có lượng di dân lớn như nhà thờ Phaolô, ở đường Tên Lửa, do cha Phạm Trung Dong, phụ trách hay giáo xứ Khiết Tâm, Thủ Đức, do quý cha, quý thầy Dòng Thánh Thể phụ trách hoặc giáo xứ Xuân Hiệp ở Linh Trung, do các cha Dòng Don Bosco quản nhiệm...đã làm được nhiều việc thiện để giúp cho những công nhân như cung cấp nước sạch, sạch, dạy nghề, phát thuốc, tổ chức hành hương, tĩnh tâm...

Riêng đại diện của Tổng Giáo phận Hà Nội lại có một cảm nhận khác khi chia sẻ với quý đặc trách di dân trong hội nghị. Thay vì nói về những gì Giáo hội, qua các mục tử đã làm được những gì cho người di dân thì cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, lại chia sẻ những gì mà người di dân đã làm cho Giáo hội tại Tổng Giáo phận Hà Nội. Với những số liệu, chứng cứ cụ thể về những gì mà người di dân đã làm cho Giáo hội tại Hà Nội, cha Gioan chỉ biết tạ ơn Chúa và cảm ơn những anh chị em di dân đã mang đến cho Giáo hội tại Hà Nội một luồng gió mới, giúp cho đời sống đạo ở Thành phố này trở nên sinh động, vui tươi và thánh thiện hơn. Cha cũng ca ngợi lòng đạo đức, tinh thần hy sinh, dấn thân nhiệt tình, quả cảm của những người con xa quê tại thủ đô Hà Nội; đặc biệt là Hội Đồng Mục Vụ và các thành viên trong Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Chính những con người này đã trở nên men, muối và ánh sáng cho trần gian.

Trong thời gian Hội nghị, cha Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB, đại diện cho Đức Hồng y Gioan. Bt Phạm Minh Mẫn, chịu trách nhiệm điều phối Hội nghị lần thứ nhất, đã đề nghị cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh tham dự vào trong Ban điều hành của UBMVDD – HĐGMVN. Sau khi liên lạc với tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2010, qua thư phúc đáp của cha Giuse Vũ Quang Học, đại diện văn phòng TTGM Hà Nội, đã trình với Đức Tổng và Ngài đã hoàn toàn đồng ý chấp thuận đề nghị này.
Tóm kết, đây là nhiệm kỳ khởi đầu của Hội Đồng Mục Vụ, Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội. Trong nhiệm kỳ này, Hội Đồng Mục Vụ của Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội đã tổ chức được Đại hội di dân đầu tiên dành cho người di dân vào ngày 28/4/2010 và các kỳ Đại lễ di dân hàng năm vào trung tuần tháng 10, bắt đầu từ năm 2011 và không ngừng tìm kiếm, mời gọi, thiết lập thêm nhiều cộng đoàn và ban ngành mới, cùng với những hoạt động đạo đức như tổ chức các buổi đọc kinh cầu nguyện chung, các cuộc tĩnh tâm Mùa Chay, Mùa Vọng ở Thái hà hay ở Đan Viện Xi- tô Châu Sơn, Nho quan, Ninh Bình, hành hương, làm việc từ thiện tới những vùng sâu, vùng xa, nhắm tới sứ vụ truyền giáo cho anh chị em lương dân. Bám chặt vào Huấn thị: “ Tình yêu Đức Kitô dành cho người di dân”, của Hội Đồng Giáo Hoàng, hoạt động mục vụ dành cho người xa quê đã vận hành khá tốt.

Như vậy, khép lại nhiệm kỳ thứ nhất, Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội đã có 12 Cộng đoàn và 11 ban ngành, và số thành viên tham gia sinh hoạt là 550. Trong 12 Cộng đoàn gồm có : Mân Côi, Truyền Tin, Vinhsơn, Daminh, Gioan Bosco, Martino, Phaolo, Monica, Teresa, Phanxico Xavie, Anphongso, Giuse Xuân Hòa. Còn 1 ban ngành gồm: Tâm linh, Truyền thông, Liên kết, Việc làm, Tổng đồ, sinh hoạt, Trật tự, Kinh tài, Hậu cần, Thư ký và Ca đoàn Phanxico Assisis.

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê