Cộng đoàn di dân Thái Hà ( 2006-2009)

CHƯƠNG 1: GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO XA QUÊ HÀ NỘI- CỘNG ĐOÀN DI DÂN THÁI HÀ

1. BỐI CẢNH KINH TẾ- CHÍNH TRỊ- XÃ HỘI VIỆT NAM

Tóm kết cả một diện mạo của một thực thể, trong một thời khắc lịch sử vào trong một vài trang giấy là điều không thể làm được và không thể đảm bảo được tính công bằng, khách quan. Đối với bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam và nhất là tại thủ đô Hà Nội, trong giai đoạn này cũng không ai có thể tóm kết được một cách chính xác, đầy đủ. Không ai có thể vẽ ra được bức tranh hoàn hảo, trung thực về thực trạng của Việt Nam trong giai đoạn này. Nhưng dựa vào những đúc kết, những ý kiến, những phát biểu đến từ các đại diện của nhà nước, chính phủ, quốc hội và Giáo hội từ năm 2006-2010, cùng với những hiện tượng xã hội xảy ra trong giai đoạn này, chúng ta có thể có được cái nhìn khách quan hơn và hiểu đúng hơn về đất nước chúng ta.

Trước hết, chúng ta có thể nghe lại cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của Chủ tịch nước Trần Đức Lương về hiện tình của Việt Nam như sau: “Bước vào năm 2006, năm đầu của kế hoạch năm năm 2006 - 2010, nước ta có những khả năng mới, đồng thời đứng trước những yêu cầu mới của sự phát triển, trong bối cảnh quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, đất nước vẫn trong tình trạng kém phát triển và hàng năm phải đối phó với thiên tai, dịch bệnh. Tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đến thời điểm phải thực hiện đầy đủ các cam kết, chịu nhiều sức ép và cạnh tranh. Cơ hội và thách thức đan xen nhau và đều rất lớn”. ( Báo Nhân dân Thứ Năm, 19-01-2006, 16:54)
Thứ đến, theo nhận định của các đại biểu quốc hội trong giai đoạn này thì: “Đất nước bước vào năm 2006 với không ít khó khăn. Giá một số nguyên liệu đầu vào, giá xăng, dầu trên thị trường khu vực và thế giới vẫn tăng cao, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế vốn còn kém sức cạnh tranh. Hậu quả dịch cúm gia cầm từ những năm trước để lại chưa giảm, lại xuất hiện thêm dịch lở mồm, long móng; thiên tai, bão lũ lớn gây thiệt hại đáng kể về người và của”. ( Báo Nhân dân, Chủ Nhật, 22-10-2006, 16:28).

Còn theo báo cáo của Chính Phủ thì: “Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006, cùng với nhiều thuận lợi rất cơ bản, những khó khăn thách thức cũng rất lớn, như thiên tại gây thiệt hại nặng nề ở nhiều vùng trong cả nước; dịch cúm gia cầm và nhiều dịch bệnh khác ở người, gia súc, cây trồng; những biến động bất thường về giá cả, nhất là giá xăng dầu và những rào cản mới trong thương mại quốc tế”.( Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2006, 03/08/2006 15:38:00).

Trong thư chung năm 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ghi rõ: “Do ảnh hưởng của não trạng duy kinh tế, nền giáo dục gia đình đang bị khủng hoảng. Vì phải chạy theo công ăn việc làm, người ta không còn dành thì giờ cho các cuộc sum họp đầm ấm gia đình, những bữa ăn đông đủ càng lúc càng hiếm hoi. Tương quan vợ chồng, cha mẹ, con cải vì thế mà mỗi lúc một lỏng lẻo suy yếu. Hậu quả là môi trường gia đình, vốn được mệnh danh là mái ấm, không còn nồng nàn tình cảm như xưa”.

Riêng trong thư chung của Hậu Đại Hội Dân Chúa, năm 2010, các vị Mục tử, đại diện cho Dân Chúa nêu rõ: “Hiện nay Việt Nam đang hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, cụ thể qua việc tham gia các tổ chức khu vực như Khối Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) và quốc tế như Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Việt Nam thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước với những kỹ thuật hiện đại, tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng và làm cho đất nước mang dáng dấp một quốc gia đang phát triển. Người dân được tiếp cận với những thông tin và thành quả đa dạng về khoa học kỹ thuật, mở ra những cơ hội cho một phong thái làm việc mới.

Tuy nhiên, vì chưa được chuẩn bị đầy đủ để bước vào tiến trình toàn cầu hóa nên Việt Nam gặp rất nhiều thách đổ. Tình trạng lạm phát, tệ nạn tham những và hối lộ, việc quản lý lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm đối với những tài nguyên quốc gia... làm cho đời sống người dân thêm khó khăn. Hố phân cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng hơn. Nhiều người dân vẫn chưa có mức sống xứng hợp với nhân phẩm, không những tại nông thôn mà ngay cả trong những thành phố lớn. Do đó, vấn đề không chỉ là kinh tế mà còn là vấn đề đạo đức và xã hội.” 

Hiện trạng kinh tế ấy kéo theo nhiều thay đổi trong xã hội Việt Nam. Sinh hoạt làng quê cổ truyền dần dần được thay thế bằng nếp sống đô thị. Dân chúng đổ xô về những thành phố lớn kiếm công ăn việc làm, tạo ra mật độ dân cư chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt tại các thành phố lớn, do tình trạng dân số gia tăng quá nhanh, thiếu chính sách quản lý và phát triển đô thị hợp lý, nên gây nhiều hậu quả tiêu cực trên sinh hoạt xã hội: môi trường sống thiếu vệ sinh và đang bị tàn phá, hệ thống giao thông và y tế yếu kém, nhiều tệ nạn xã hội như nghiện ngập, phá thai, mãi dâm, bạo lực...Nền kinh tế thị trường phần nào đã giúp cho đất nước phát triển. Tuy nhiên, chủ trương tập quyền, những chính sách bất cập và luật pháp chưa nghiêm minh, quy chế ưu đãi cho một thiểu số đặc quyền, nạn tham nhũng, v.v….. tạo nên lối sống ích kỷ, dùn đẩy trách nhiệm và thiếu quan tâm đến công ích. xo] Ngoài ra, các tôn giáo cũng như nhiều người thiện chí vẫn chưa có điều kiện pháp lý để đóng góp tích cực vào việc xây dựng đất nước, cách riêng trong lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái.

Tóm lại, trong giai đoạn chuyển mình để hòa nhập vào dòng chảy của thế giới, đất nước Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn đến từ nền kinh tế yếu kém, thiên tai, dịch bệnh, các tệ nạn xã hội, những chính sách bất cập, luật pháp chưa nghiêm minh, quản lý xã hội chưa phù hợp, tệ nạn tham nhũng, hối lộ gia tăng, cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích và kinh tế thị trường ngày càng tàn khốc, hiện tượng văn hóa nhiệm kỳ thống lĩnh, người ta chỉ biết dùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không cần quan tâm đến công ích...Đồng thời, với sự đầu tư của nước ngoài, các khu công nghiệp mọc lên khắp nơi, đất đai nông nghiệp bị thu hẹp lại, đô thị phát triển mạnh, tạo nên những làn sóng di dân từ miền quê ra thành thị, từ những vùng núi, vùng sâu tới những khu công nghiệp, từ Việt Nam đến nhiều quốc gia khác. Đặc biệt là sự bùng nổ thông tin qua các trang mạng, điện thoại di động, đã trở thành như cơn lốc cuốn hút nhiều người, nhất là những người trẻ vào con đường phải kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền để hưởng thụ cho thỏa mãn nhu cầu vật chất. Có thể nói đây là cú sốc lớn giữa nhận thức và kinh tế, gây ra nhiều đổ vỡ cho các gia đình và tạo nên một cuộc khủng hoảng mới về những giá trị đạo đức xã hội của người Việt chúng ta.
 
2. BỐI CẢNH GIÁO HỘI NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
 
Đây là giai đoạn nhà nước Việt Nam, đã có những cởi mở, thông thoáng hơn với các tôn giáo nhìn từ bên ngoài, đã có những cởi giáo so với thời gian trước đây, để có thể thích nghi và hội nhập với xu hướng toàn cầu hóa. Việc phong chức, bổ nhiệm, thuyền chuyển các chức sắc tôn giáo được tiến hành dễ dàng hơn, tính phân biệt đối xử, loại trừ người Công giáo ra khỏi những cơ quan công quyền và trường học có giảm nhẹ hơn trước. Riêng người Công giáo, đặc biệt là những người trẻ, đã có những cơ hội để được mở mang kiến thức, tiếp cận với thế giới đương đại. Đúng như thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2007, nhấn mạnh vào việc giáo dục, đã nhận định rằng: “Về phía người Công giáo, sự hiện diện của giới trẻ trong môi trường giáo dục xã hội đã phần nào được bình thường hóa: lý lịch Thiên Chúa Giáo không còn bị kỳ thị và phân loại như trước đây. Nhờ đó, số sinh viên Công giáo bậc đại học đã tăng lên đáng kể, ngay cả tại những miền thôn quê. Trong lãnh vực đức tin, các lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân ngày càng đông học viên cho thấy giới trẻ Việt Nam ngày nay, ngược với trào lưu dừng dưng tôn giáo phương Tây, vẫn còn quý trọng những giá trị Kitô giáo".
 
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn sẽ thấy việc thay đổi chính sách đối với các tôn giáo, đặc biệt là Công giáo, không có nghĩa là hoàn toàn thông thoáng hơn, nhưng đã chuyển sang một hình thức khác tinh vi và nguy hiểm hơn. Việc đề ra chủ trương du lịch tâm linh, đổ tiền vào xây dựng chùa chiền, để kiếm tiền trục lợi và đặc biệt là tục hóa đời sống tôn giáo, đã khiến cho niềm tin của nhiều người vào tôn giáo ngày càng suy giảm. Đặc biệt hơn nữa, với Hội Thánh Công Giáo, thì việc tuyển chọn các ứng viên Giám mục, không còn được độc lập như trước nữa, mà lại phải có được sự đồng ý của Nhà nước Việt Nam; điều mà trước đây chưa từng xảy đến trong Giáo hội tại Việt Nam. Nói một cách rõ hơn, là Nhà nước Việt Nam đang ngày càng can thiệp khá sâu vào trong đời sống bên trong của các tôn giáo, để hạn chế tầm ảnh hưởng, để kiểm soát, thao túng và làm cho uy tín của các Giáo hội, nhất là Giáo hội Công giáo ngày càng suy yếu. Có chăng một Giáo hội độc lập trong tương lai, dưới sự lèo lái, điều khiển của nhà nước Việt Nam vẫn là một câu hỏi lớn được đặt ra cho nhiều người? 
 
Trong khi đó, lại xuất hiện hiện tượng bán hay chuyển nhượng các tài sản của Giáo hội và các dòng tu đang bị chiếm dụng hay cho mượn, cho những đơn vị, hay cá nhân, đang xảy ra ở một số vùng, nhất là tại Thành phố Hà Nội như khu vực tòa Khâm sứ - Giáo xứ Thái Hà. Cũng trong giai đoạn này một loạt các biến cố liên quan đến đất đai giữa chính quyền và
nhà thờ đã xảy ra như Tam Tòa, Loan lý, Cồn dầu, và cả biến cố Đồng Chiêm, khiến cho bầu khí giữa nhà cầm quyền và Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam ngày càng trở nên căng thẳng. Hiện tượng thắp nến cầu nguyện đòi đất diễn ra ở nhiều nơi. Bầu khí hiệp thông trong Giáo hội trong nước cũng như quốc tế ngày càng dâng cao. Trong nước người dân đã bắt đầu ý thức được những quyền căn bản của mình và vượt thắng những sợ hãi đến từ những đe dọa, trấn áp của nhà cầm quyền.
 
Ngày 19 tháng 02 năm 2005, Tòa Thánh thông qua ý kiến của chính quyền Việt Nam, ra thông cáo quyết định bổ nhiệm Đức Giám mục Giám quản Ngô Quang Kiệt làm Tổng giám mục chính tòa Tổng giáo phận Hà Nội. Với sự dẫn dắt của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, một luồng gió mới đã được thổi vào trong Giáo Hội, nhất là Giáo hội tại Miền Bắc. Bằng những lời phát biểu mạnh mẽ, thẳng thắn, những hành động cụ thể, Ngài đòi lại những quyền căn bản cho Giáo hội, cho con người. Ngày 11 tháng 06 năm 2005, bất chấp sự ngăn chặn, không tán thành của nhà cầm quyền Hà Nội, Đức Tổng Giuse đã phong chức linh mục cho thầy Giuse Nguyễn Văn Thật và thầy Giuse Nguyễn Văn Phượng, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội. Cũng nhờ sự quyết đoán mạnh mẽ của Ngài mà tháng 11/2005, thầy Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, cũng là một tu sĩ của Dòng Chúa Cứu Thế, đã được Đức Hồng Y Sepe, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, truyền chức linh mục tại nhà thờ chính tòa Hà Nội.
Liên tục từ năm 2001 đến năm 2006, cả Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Hội đồng Giám mục Việt Nam có nhiều lần xin lại khu đất Tòa Khâm sứ nhưng không được chấp thuận. Theo luật, không bên nào có quyền xây dựng, thay đổi hiện trạng khi chưa có phán quyết chính thức. Tòa Tổng Giám mục cho biết cơ quan quản lý cho xây dựng hàng phở lên hai tầng. Ngày 04 tháng 12 năm 2007, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội quyết định làm đơn yêu cầu giữ nguyên trạng khu đất.
 
Văn thư này không có phản hồi. Ngày 15 tháng 12 năm 2007, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt gửi thư cho các giáo xứ thuộc giáo phận Hà Nội và các giáo dân nhằm mục đích kêu gọi các giáo sĩ và giáo dân tham gia việc cầu nguyện đòi quyền sở hữu nhà đất tại 42 phố Nhà Chung; kêu gọi giáo dẫn đến cầu nguyện tại 42 phố Nhà Chung, nơi chính quyền cho rằng là trụ sở Phòng Văn hóa Thông tin, nhà Văn hóa và Trung tâm thể dục thể thao quận Hoàn Kiếm. Đức Tổng Giám mục Giuse kêu gọi giáo dân thuộc Tổng Giáo phận: “không còn cách nào khác hơn là cầu nguyện một cách hòa bình trên các vùng đất tranh chấp để thu hút sự chú ý của chính phủ về những bất công mà chúng ta đã phải chịu và vì những kiến nghị của chúng ta đã không được hồi đáp”. Trong thư, Đức Tổng Giám mục Giuse đặt ra nhiều lý do thiếu khu vực sinh hoạt tôn giáo, văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam,... và xin giáo dân cầu nguyện cho việc chính quyền trao trả lại khu đất Tòa Khâm sứ cũ. Đây là lần đầu tiên từ 1954, một lãnh đạo Giáo hội công khai kêu gọi giáo dân Chúa hiệp thông cầu nguyện cho Giáo hội. Ngay khi lá thư được công bố, hàng ngàn giáo dân đã tiến về Tòa Giám mục cùng thắp nến cầu nguyện cho Giáo hội. Bầu khí tại Hà Nội càng căng thẳng hơn.
 
Ngày 20 tháng 09, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt dẫn đầu đoàn Tòa Giám mục Hà Nội, đến dự cuộc họp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, do chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo chủ tọa. Trong các phát biểu, vị Tổng Giám mục đã có hai phát biểu quan trọng: “Tự do tôn giáo là quyền, chứ không phải ân huệ xin cho và chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đầu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ! Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên”. Riêng bài phát biểu thứ hai đã bị cắt xén khi đưa tin tại Việt Nam, tạo nên làn sóng phẫn nộ.
         
 Tại Thái Hà, với sự dẫn dắt của cha Giuse Trịnh Ngọc Hiện, Bề trên Cộng       đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, Giáo xứ và nhà dòng đã mạnh mẽ dấn     thân lên đường đòi công lý và sự thật cho Giáo xứ. Tháng 07 năm 2007, Thái Hà đứng lên phản đối Công ty may Chiến thắng, chiếm dụng đất đai của giáo xứ, rồi mưu toan phân lô bán cho tư nhân. Năm 2007 các linh mục,   tu sĩ và giáo dân Thái Hà đã tái thiết Đền Thánh Giêrađô. Ngày 27/12/2007,   Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đến cắt băng khánh thành. Ngày     06/01/2008, giáo dân giáo xứ Thái Hà xuống Phố Đức Bà phản đối Công ty   may Chiến Thắng xây dựng bất hợp pháp trên linh địa Đức Bà, thuộc quyền    sử dụng của nhà thờ Thái Hà. Ngày 14/01/2008, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã đến cắt băng khánh thành nhà 7 tầng mới của Tu viện và dâng thánh lễ tạ ơn. Tháng 02 năm 2008, cha Giuse Trịnh Ngọc Hiển được chuyển vào Sài Gòn làm Giám đốc học viện; cha Mattheu Vũ Khởi Phụng từ Sài Gòn ra Hà Nội làm Bề Trên – Chính xứ Thái Hà.
 
Suốt bảy tháng từ tháng 01 đến tháng 08 năm 2008, mỗi ngày hai lần, giáo dân giáo xứ Thái Hà cầu nguyện tại hàng rào bên ngoài khu đất. Ngày 15 tháng 08 năm 2008, tại 178 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, giáo dân giáo xứ Thái Hà phá tường rào của Công ty may Chiến Thắng, đặt tượng Đức Mẹ, dựng thánh giá. Các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, trông coi giáo xứ Thái Hà và giáo dân thường xuyên tổ chức các giờ cầu nguyện trên khu đất này. Vì khu đất này là của nhà Dòng Chúa Cứu Thế, bị chính quyền chiếm đoạt trưng dụng làm Công ty may Chiến Thắng, và đang tìm cách chia lô để bán cho tư nhân. Sau sự việc ngày 15 tháng 08, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế kêu gọi giáo dân khắp nơi cùng hiệp thông. Hàng ngàn giáo dân từ khắp các giáo xứ trong thành phố và các giáo phận tuôn đổ về đêm ngày cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ ngay tại khu đất. Chiều ngày 12 tháng 09 năm 2008, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, cùng Giám mục Phụ tá Giáo phận Bùi Chu Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã đến thăm giáo xứ Thái Hà.
 
Và liên tục các Đức Giám mục ở các Giáo phận Vinh, Thanh Hóa, Thái Bình, Bùi Chu, Bắc Ninh và linh mục đoàn của các Giáo hạt tại Hà Nội và nhiều Giáo phận khác, cùng với đông đảo giáo dân khắp nơi đã đến hiệp thông cầu nguyện với Giáo xứ Thái Hà và viếng Linh địa Đức Bà. Ngày 21/09/2008, nhà cầm quyền dùng bạo lực cưỡng chiếm và biến khu đất này thành công viên. Đồng thời, họ bắt đầu vu cáo, chụp mũ các linh mục, tu sĩ, giáo dân; bắt bớ, tra hỏi, giam cầm 8 giáo dân và xách nhiễu, khủng bố, đe dọa nhiều giáo dân khác để trấn áp tinh thần của họ.
Tháng 09 năm 2008, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt lên tiếng bênh vực và bảo vệ Thái Hà, đồng thời thăm viếng các nạn nhân và gia đình của họ. Hầu hết các Giám mục trong Giáo tỉnh Hà Nội đều gởi thư hiệp thông và đến Thái Hà dâng lễ cầu nguyện. Nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân trong và ngoài nước cũng về Thái Hà chia sẻ hoặc thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà. Ngày 08/12, nhà cầm quyền xét xử sơ thẩm và kết án oan sai cho 8 giáo dân Thái Hà. Các giáo dân bị các hình phạt từ cảnh cáo đến tù treo. Sau khi xét xử, những ai đang bị giam giữ đều được trả tự do. Năm 2009 Thái Hà đứng lên phản đối nhà cầm quyền mưu toan chiếm dụng đất hồ Ba Giang của giáo xứ và phản đối nhà cầm quyền cho Trung Quốc vào khai thác Boxit ở Tây Nguyên.
 
Nhìn chung, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đặc biệt là tại Miền Bắc, trong thời gian này, như được bừng tỉnh, sau một thời gian ẩn mình chờ đợi. Những gì đã diễn ra trong giai đoạn này, cho thấy, Giáo hội đang dấn thân mạnh mẽ, quyết liệt, để khẳng định rõ vai trò Ngôn sứ - tiếng nói của sự thật, công lý của mình và đang thổi vào trong xã hội Việt Nam một luồng sinh khi mới. Dù rằng cuối cùng vào ngày 22 tháng 04 năm 2010, Tòa Thánh chọn Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng Giám mục Phó, có quyền kế vị Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, và ngày 13 tháng 05 năm 2010, Tòa Thánh đã chấp thuận đơn từ chức của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, nhưng Giáo Hội Công Giáo đã khai mở được một trang sử mới và đã khẳng định được vị thế nhất định của mình trong lòng dân tộc Việt Nam. Có thể nói, Cộng đoàn di dân tại Hà Nội là một trong những hoa trái, được sinh ra trong bối cảnh của xã hội và Giáo Hội Việt Nam mà chúng ta vừa một thoáng nhìn lại.
 
Nhìn chung, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đặc biệt là tại Miền Bắc, trong thời gian này, như được bừng tỉnh, sau một thời gian ẩn mình chờ đợi. Những gì đã diễn ra trong giai đoạn này, cho thấy, Giáo hội đang dấn thân mạnh mẽ, quyết liệt, để khẳng định rõ vai trò Ngôn sứ - tiếng nói của sự thật, công lý của mình và đang thổi vào trong xã hội Việt Nam một luồng sinh khi mới. Dù rằng cuối cùng vào ngày 22 tháng 04 năm 2010, Tòa Thánh chọn Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng Giám mục Phó, có quyền kế vị Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, và ngày 13 tháng 05 năm 2010, Tòa Thánh đã chấp thuận đơn từ chức của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, nhưng Giáo Hội Công Giáo đã khai mở được một trang sử mới và đã khẳng định được vị thế nhất định của mình trong lòng dân tộc Việt Nam. Có thể nói, Cộng đoàn di dân tại Hà Nội là một trong những hoa trái, được sinh ra trong bối cảnh của xã hội và Giáo Hội Việt Nam mà chúng ta vừa một thoáng nhìn lại.
 
3. CỘNG ĐOÀN DI DÂN THÁI HÀ (2006-2009)
 
Do hoàn cảnh xã hội thúc đẩy, với tác động mạnh mẽ của các cuộc Cách mạng công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và sự lên ngôi của nền kinh tế thị trường đang tràn vào Việt Nam, một làn sóng di dân đông đúc và mãnh liệt, từ những vùng quê, vùng sâu, vùng xa, đã tuôn đổ ào ào về các Thành phố lớn, các khu công nghiệp, nhất là tại thủ đô Hà Nội và thành phố Sài Gòn, để tìm kế mưu sinh.
Sự xuất hiện khá bất ngờ của một lượng người đông đúc, với một cơ sở hạ tầng còn rất yếu kém tại các thành phố lớn, khiến cho các cấp bộ, ngành của thành phố, của nhà nước Việt Nam, cũng như các tôn giáo phải nhập cuộc, thích nghi, để tìm cách trợ giúp, tháo gỡ, giảm bớt những vấn nạn khó khăn của họ như nhà ở, nước sạch, mỗi sinh, y tế, giáo dục, việc làm, đời sống tôn giáo...do chính hiện tượng di dân tạo ra.
 
Tại thủ đô Hà Nội, sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Hà Nội, Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, đã rất bận tâm trăn trở đến cuộc sống vất vả, lam lũ, nhiều rủi ro, cám dỗ thử thách của những người di dân Công giáo, từ các miền quê, đang đổ về Hà Nội. Khởi đi từ tấm lòng chạnh thương của người mục tử, năm 2006, Đức Tổng Giuse đã cho thành lập Ban Mục Vụ Di Dân tại Hà Nội và giao cho các cha Dòng Chúa Cứu Thế đảm trách. Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải, thành viên của Cộng Đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, đã đại diện cho nhà dòng, đảm nhận trách nhiệm này.
 
Trong thời gian này, sau thánh lễ, cha Phêrô đã đi tới những khu nhà ổ chuột để thăm những người di dân và mời gọi họ tham gia vào trong cộng đoàn di dân. Đáp lại lời mời gọi của cha Phêrô, nhiều anh chị em đã đến tham gia vào sinh hoạt của Giáo xứ Thái Hà như ca đoàn để hát lễ, tham dự Thánh lễ, cầu nguyện...Cũng trong thời gian này, cha Phêrô đã nhờ một nhóm nghiên cứu xã hội học, để nghiên cứu về thực trạng của những người di dân tại thành phố Hà Nội. Cũng nhờ nghiên cứu này, mà những người tiếp nối công việc của cha Phêrô có thể hiểu rõ hơn về những người di dân.
Tuy nhiên, sau một thời gian được quy tụ để tham gia sinh hoạt vào trong giáo xứ Thái Hà, đã xảy ra hiện tượng phân biệt đối xử của những người dân trong giáo xứ và những người di dân. Những cái nhìn thiếu thiện cảm, những lời nói, cách ứng xử của một số người trong giáo xứ, đã khiến cho nhiều anh chị em di dân cảm thấy bị tổn thương và rơi vào tâm trạng tự ti mặc cảm, thiếu tự tin, ngại tham gia sinh hoạt giáo xứ. Đồng thời, cha Phêrô được Nhà dòng sai đến nhiệm sở mới ở Thái Bình. Chính vì vậy, vào đầu năm 2008, việc chăm lo cho cộng đoàn di dân tiên khởi này, được Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội giao lại cho cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong.

Trong thời gian này, cha Gioan đã tổ chức thánh lễ lúc 20 ngày thứ ba và Chúa Nhật, dành cho người di dân. Cùng đồng hành với cha Gioan, có cha Antôn Nguyễn Văn Dũng, tiếp tục thăm viếng, chăm lo cho anh chị em di dân. Nhờ vậy, những mặc cảm, tự ti, những ngăn cách giữa người bản địa và người di dân được rút ngắn lại. Đây cũng là thời gian giáo xứ và Dòng Chúa Cứu Thế quyết tâm đòi lại đất đai của mình đã bị chiếm dụng bất hợp pháp. Sự tham gia, dấn thân tích cực của anh chị em di dân đã góp phần cho cuộc tranh đấu này ngày càng mạnh mẽ hơn. Những anh chị em di dân đã khẳng định được phần nào vị thế của mình trong lòng Giáo hội tại Hà Nội.
 
Do tình hình giữa giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và nhà cầm quyền Hà Nội trong việc giải quyết đất đai ngày càng căng thẳng, nên việc chăm lo cho Cộng đoàn di dân này cũng bị hạn chế. Anh chị em di dân chỉ có tham dự thánh lễ, tham gia các buổi cầu nguyện tại nhà thờ cũng như Linh địa Đức Bà cho công lý, hòa bình, tiếp đón các khách hành hương, vào các ca đoàn và các sinh hoạt khác một cách âm thầm, thoải mái, tự do. Có thể nói, trong giai đoạn này, anh chị em di dân đến với nhau một cách tự nguyện, chưa có cơ cấu, tổ chức, điều hành, cũng chưa có đường hướng mục vụ rõ ràng. Cộng đoàn di dân Thái Hà lúc này ước tính khoảng trên 140 thành viên. Dường như mọi hoạt động trong giai đoạn này đang tập trung đối phó với nhà cầm quyền Hà Nội, để đòi lại công lý, đất đai mà họ đang chiếm dụng và toan tính bản cho người khác. Tuy nhiên, cũng từ Cộng đoàn di dân Thái Hà này mà Gia Đình Công Giáo Xa Quê Hà Nội đã được sinh ra nơi mảnh đất Hà Thành.
 
Ngày 15 tháng 08, Giáo xứ Thái Hà tiếp tục lên đường tìm công lý và sự thật liên quan đến khu đất đang bị Công ty may Chiến Thắng chiếm dụng. Căng thẳng giữa nhà thờ và nhà nước leo thang. Nhà cầm quyền Hà Nội tìm mọi cách để khống chế cuộc lên đường đòi công lý và sự thật của Giáo xứ Thái Hà. Gần cuối tháng 08 năm 2008, có hai lớp anh em Tân Linh mục của Nhà dòng, gần 30 cha trẻ, được điều về Thái Hà, để hỗ trợ cho Nhà dòng và giáo xứ. Trong số các linh mục được điều về hỗ trợ Thái hà, có cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh. Cùng đồng hành với quý cha, quý thầy và cộng đoàn dân Chúa nơi đây, cha Gioan đã để ý tiếp cận với những sinh viên của Giáo phận Vinh đang học tập, làm việc tại Hà Nội. Tháng 10 năm 2008, ngài đã làm linh hướng cho nhóm sinh viên này và đổi tên thành Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội, với những tiêu chí định hướng cho sự phát triển của Cộng đoàn này: Tri thức – Tâm linh – Kết nối. Nhờ vậy, Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội đã phát triển một cách mạnh mẽ và những hoạt động dấn thân của cộng đoàn đã khẳng định được vị trí vai trò của mình trong cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình. Thấy cha làm việc hiệu quả, Nhà dòng giao cho cha đặc trách sinh viên và liên tục các cộng đoàn sinh viên mới được thành lập và hoạt động khá mạnh tại Giáo xứ Thái Hà. Đến tháng 09 năm 2009, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội đã trao sứ vụ chăm sóc người di dân cho cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh.
 

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê