TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM -SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN A (Mt 5, 17-37)

tu-do-va-trach-nhiem.jpg
Ảnh: TGP Hà Nội

 

 

TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM
SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN  A
(Mt 5, 17-37)

Nói đến tự do là nói đến ân ban cao cả của Thiên Chúa trao tặng cho con người để con người tự do lựa chọn, làm chủ các hành động của mình và đưa ra quyết định có trách nhiệm về các hành vi ấy.

Tự do

Con người là tạo vật cao quý nhất được Thiên Chúa ban cho tự do, để con người ý thức rằng Thiên Chúa yêu thương mà đáp trả. Với tự do Chúa ban, con người có thể suy nghĩ, lựa chọn, quyết định cách sống, làm chủ đời mình và biết sống yêu thương, trong khi các loài khác phải sống theo quy luật cố định cho chúng. Chúa muốn con người là con cái Chúa chứ không phải thân nô lệ. Nhưng khi ban tự do cho con người, Thiên Chúa rất ư là liều lĩnh. Vì với tự do, con người có thể phản bội Thiên Chúa. Bài trích Sách Huấn Ca hôm nay bắt đầu bằng từ “Nếu”. “Nếu ngươi muốn tuân giữ các giới răn: việc trung thành giữ các giới răn là tùy ở ngươi” (Hc 15, 15).

Chọn gì được đấy

Hạnh phúc mà người ta tìm kiếm nằm ngay ở tầm tay con người. Giơ tay nắm lấy cái gì, hạnh phúc hay bất hạnh, thì người ta sẽ được ngay cái đó. Tác giả sách Huấn Ca tuyên bố: “Thiên Chúa ban cho con người sự sống và sự chết, con người có quyền lựa chọn thích thứ nào thì được thứ ấy” (Hc 15, 17 ). Lời trên làm chúng ta nhớ đến cây biết lành biết dữ và cây sự sống trong sách Sáng Thế (x. St 2 ​​, 9 ). Thiên Chúa dựng nên Adong và Evà, đặt họ vào trong “vườn địa đàng” cho ăn hết mọi trái cây trong vườn, trừ cây  “biết lành biết dữ”. Nếu giơ tay lên hái trái cấm mà ăn, họ sẽ phải chết. Adong và Evà đã được đặt trong tình trạng tự do để lựa chọn tương lai cho mình và con cháu.

Trái cây hạnh phúc và bất hạnh ở ngay tầm tay. Họ có thể lựa chọn giữa sự sống và sự chết, giữa “lửa và nước” như lời sách Huấn ca hôm nay viết. Bởi vì “lửa” là hình ảnh về sức mạnh tiêu diệt, tàn phá và chết chóc, còn “nước” lại nói lên nguồn mạch sinh ra sự sống dồi dào. Con người muốn lựa chọn đàng nào cũng được.

Ađam-Evà đã lựa chọn thế nào ai trong chúng ta cũng đã biết. Thiên Chúa không truyền cho ai phạm tội; Ngài không ủy lạo kẻ dối trá. Vì là Ðấng tốt lành nên Thiên Chúa không muốn ai phải chết. Lựa chọn sự dữ hay bất hạnh, tốt hay dở là quyền do của con người. Nếu muốn sống thì con người chọn giữ lệnh Chúa truyền. Bằng không họ sẽ tra tay vào lửa và lựa chọn sự chết.

Chúng ta không “quyết định” chọn cái ác, tội lỗi là điều không thể tránh khỏi, nhưng dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được mời phân biệt sự lành và sự dữ cách tự do nhờ sức mạnh Thiên Chúa đã trao ban.

Chọn đi theo đường lối Chúa

Người khôn là người đi theo đường lối của Thiên Chúa. Ai giữ lệnh Chúa truyền, người ấy chắc chắn đi trong đường lối khôn ngoan dẫn đến sự sống. Chân lý này, người tín hữu nào cũng biết. Khó khăn nằm ở chỗ thực hành.

Trong thực tế, không phải lúc nào cũng dễ tuân giữ lệnh Chúa truyền. Kinh nghiệm dân Israel là bằng chứng. Họ không muốn tuân giữ Luật Chúa, để ngoài tai lời các tiên tri kêu gọi trở về, họ muốn sống như mọi dân tộc khác, đường họ họ đi. Tuy nhiên, dân Israel vẫn không nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa vẫn giữ kín từ đời đời cho đến lúc sáng tỏ trong biến cố Tử nạn – Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Vì sự khôn ngoan của Thiên Chúa mang lại sự sống và hạnh phúc đời đời cho con người, chứ không phải là Luật pháp và các Tiên tri. Chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu tuyên bố: “Ðừng tưởng Ta đến để bãi bỏ Lề Luật hay các Tiên tri; Ta đến không phải để bãi bỏ mà để kiện toàn”. Chúa Giêsu đã khẳng định Người là Ðấng phải đến trong thế gian, Vị Cứu Thế mà Cựu Ước loan báo phải trông đợi. Uy quyền của Người át cả Lề luật và các Tiên tri. Tuy nhiên Người không phủ nhận và bãi bỏ họ, nhưng kiện toàn.

Chẳng hạn Luật xưa bảo: “Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa” (x. Mt 5, 21). Thì nay, Ðấng đến làm trọn Lề luật truyền lệnh không được tức giận anh em mình. Người đòi hỏi một sự công chính lớn và sâu xa hơn. Người kiện toàn luật này khi cấm người ta tức tối trong tâm hồn, và khuyên người ta hễ bất hòa với ai, phải mau làm hòa trước khi đến trước bàn thờ Chúa dâng của lễ.

Chỗ khác Luật xưa dạy rằng: Chớ ngoại tình! Nay Ðấng kiện toàn Lề luật đến, Người tuyên bố: phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng. Và Người truyền: “Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục” (Mt 5, 29-30).  Chúa Giêsu muốn chúng ta phải tiêu diệt tội lỗi ngay từ trong lòng, nơi các nguyên nhân và điều kiện dẫn đến tội lỗi.

Nhưng đã nói đến ngoại tình, Người không thể bỏ qua một thắc mắc đang sôi nổi ở thời Chúa Giêsu cũng như ở thời đại chúng ta. Luật xưa nói: ai rẫy vợ thì hãy cho vợ ly thư. Và ở nhiều nơi luật đời hiện nay đã cho ly dị. Còn Chúa Giêsu tuyệt đối cấm ly dị.

Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn trợ giúp, để chúng ta dùng tự do Chúa ban có trách nhiệm để được ơn cứu độ đời đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê