Năm phụng vụ mới được bắt đầu bằng Mùa Vọng. Mùa mong chờ Chúa đến. Hỏi: Chúa đã đến chưa? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng: Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích: một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giê-su Con Thiên Chúa khi Ngài sinh bởi Ðức Trinh Mữ Ma-ri-a; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Vì sống cả hai chiều kích, nên người Ki-tô hữu phải mang tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.
Tâm tình của dân Cựu Ước
Các bài đọc Thánh lễ trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo.
I-sai-a họa lại cho chúng ta cảnh Dân Chúa sau thời lưu đày với kinh nghiệm ê chề của những năm tháng sống kiếp nô dịch nơi đất khách quê người. Họ ý thức về tội của mình. Nay họ ngước mắt trông lên Chúa và thốt lên những lời khẩn nguyện tha thiết: “Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Đấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại. Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống” (Is 63,16-64,7).
Tâm trạng thống hối ăn năn và tha thiết nài xin ơn cứu độ đã giúp Dân Chúa nhìn lại ơn gọi của mình để sống trọn vai trò chứng nhân trung thành giữa muôn dân qua thân phận mỏng dòn và hèn yếu của cuộc sống con người. Thật vậy, ngay giữa đêm tối của thử thách, nghi ngờ, phấn đấu, tội lỗi, Dân Chúa đã cùng nhau thú nhận những lỗi phạm của mình, quyết tâm sống trung kiên mong chờ ngày Chúa đến trong niềm tin tưởng với thái độ tỉnh thức.
Chờ đợi Chúa trở lại
Chúa Giê-su đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Con Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức, sẵn sàng đón Chúa viếng thăm vào chặng cuối đời của mỗi người chúng ta (x. Mc 13, 33-37).
Quả thật, từ khi Chúa Giê-su về trời và ngày Người trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”. Chúng ta có một khoảng thời gian mong đợi, nên có thể nói, tỉnh thức là thái độ cần phải có của Giáo hội, của toàn Dân Chúa và của mỗi người chúng ta.
Lời Chúa nói với các môn đệ: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào” (Mc 13, 33), cũng nói với chúng ta: “Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13 37). Chúa mách bảo chúng ta phải luôn trong tư thế của người được chủ: “Đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành … và căn dặn …lo tỉnh thức” (Mc 13, 34). Vì chủ về bất ngờ nên “coi chừng và tỉnh thức” là thượng sách.
Vậy để gặp được Chúa Giê-su ngự đến trên mây trời, Người thấy chúng ta đang ở tư thế sẵn sàng, đứng thẳng, không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê, nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ ngày Chúa đến, chúng ta phải tỉnh thức.
Tỉnh thức
Tại sao phải tỉnh thức?
Phải tỉnh thức, vì đó là ý muốn, là mệnh lệnh của chủ nhà. Ðể bảo vệ nhà an toàn, nhiệm vụ của người canh cửa không phải chỉ lo bảo vệ ngôi nhà, mà còn phải lưu tâm đến những người sống trong đó.
Ngoài ra, tỉnh thức còn là thái độ của một gia nhân trung thành đối với người đã tín nhiệm, ủy thác trách vụ cho mình. Và chắc chắn niềm vui của ngày tái ngộ sẽ trọn vẹn nếu chủ nhà gặp được gia nhân trong tư thế đợi chờ và sẵn sàng.
Hơn thế nữa, tỉnh thức cũng là để khỏi rơi vào giấc ngủ! Mà thường người ta chỉ ngủ lúc ban đêm, trong bóng tối! Theo nghĩa Thánh Kinh, ban đêm, bóng tối, gợi lên cho chúng ta hình ảnh một môi trường đầy nguy hiểm và thử thách. Bóng đêm đối nghịch lại ánh sáng ban ngày. Ðó là chiều kích thử thách của cuộc sống. Nó đưa đến tội lỗi, đau khổ, sự dữ, thậm chí sa ngã, nản chí, nghi ngờ. Người canh cửa có thể bội phản người thân xa vắng, để chạy theo những quyến rũ của kẻ khác, của ngẫu tượng đồng lõa với bóng đêm.
Vậy phải tỉnh thức như thế nào?
Phải chăng là cứ thắp đèn ngồi đó mà chờ, là sống trong tâm trạng viển vông? Không. Ðọc lại Thánh Kinh và lịch sử Dân Chúa, chúng ta thấy việc tỉnh thức đợi chờ không phải là một thái độ thụ động, nhưng là một hành vi ý thức của người hiểu biết lý do.
Vì thế, tỉnh thức của chúng ta phải sống động và đầy tính chất sáng tạo, không ngừng chiến đấu để sinh tồn, để trung thành với Lời Chúa. Sự đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối tạo nên trong tâm hồn mỗi người và trong đời sống Giáo hội một sự giằng co căng thẳng. Ðể tỉnh thức gặp được Chúa đến, chúng ta phải nhẹ lòng đối với của cải trần thế và dứt khoát với những quyến rũ của các ngẫu tượng. Khi làm như thế, chúng ta mới thực sự đang cầm đèn trong tay sẵn sàng đón Chúa trở lại, cho dù Chúa có đến bất ngờ. Phải, hãy tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ. Điều chắc chắn là Ngài sẽ đến.
Trong lúc này đây, con tim ta đang hướng về điều gì? Chúng ta có tỉnh thức không? Hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Chúa ngự đến lần thứ hai, Người thấy chúng ta đang tỉnh thức vì đã không uổng công trông đợi.
Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ “đầy ân sủng”, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong lòng, xin giúp chúng con sẵn sàng đón Chúa Giê-su Con Mẹ. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: tonggiaophanhanoi