Tiếng Chúa – Chúa nhật II mùa Vọng – Năm B

tieng-Chua.jpg
TIẾNG CHÚA
SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM B
(Mc 1, 1-8)

Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin làAdventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là mùa Vọng.

Mùa Vọng nhắc nhớ người tín hữu những ý nghĩa sau đây:

– Mùa Vọng nhớ lại thời dân Do thái mong đợi Đấng Mê-si-a (Chúa Ki-tô) để giải phóng dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ. Chúa đã đến lần thứ nhất cách đây hơn hai ngàn năm. Người đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Người.

– Mùa Vọng còn có nghĩa chuẩn bị đón Chúa Ki-tô (sẽ đến) lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.

– Ngày nay, mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị tâm hồn sốt sắng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.

– Mùa Vọng là mùa chuẩn bị đón Chúa Ki-tô (sẽ đến) viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta. Vậy nên, mỗi người cần tỉnh thức, sẵn sàng đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình (giờ chết), để Chúa đưa mình về Nước Chúa muôn đời.

Vì thế, những việc cử hành thánh trong mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hoán cải nội tâm, canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.

Trong lịch phụng vụ Công Giáo, mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi Chúa nhật với tên gọi truyền thống đặc thù của nó gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu :

– Chúa nhật I mùa Vọng: Ad Te levavi… (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )

– Chúa nhật II mùa Vọng: Populus Sion … (= Này hỡi Dân Sion…)

– Chúa nhật III mùa Vọng: Gaudete … (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)

– Chủ nhật IV mùa Vọng: Rorate … (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)

Tiếng Chúa qua miệng tiên tri I-sai-a

Chúa nhật II mùa Vọng với chủ đề: Populus Sion … (Này hỡi Dân Si-onChúa sắp ngự đến cứu độ muôn dân. Người sẽ lên tiếng thật oai hùng, khiến tâm hồn anh em hoan hủy… ” (Ca nhập lễ).

Tiếng Chúa qua miệng tiên tri I-sai-a vang lên kêu gọi Dân Ngài như một sự trấn an trước cảnh nô lệ và tội lỗi: “Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! …Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi” (Is 40, 2). Và hơn thế nữa, Chúa truyền cho I-sai-a: “Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giu-đa rằng: Đây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực; cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt đoàn chiên Người như mục tử. Người ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ” (Is 40, 9-11). 

Để được như vậy Dân Chúa phải thực hành không trì hoãn tiếng Chúa gọi mời là: “Dọn đường Chúa …lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi ” (Is 40, 3). 

Nếu hố sâu và đồi núi gồ ghề cản trở người đi lại, khiến người ta khó đến với nhau thi cần phái lấp hố, bạt đồi. Hố sâu và đồi gồ ghề ở đây là lòng tự mãn kiêu căng là cản trở lớn nhất trên đường Chúa đến với con người. Khi chúng ta thực hành nét đẹp của khiêm nhường và hạ mình xuống, người ta sẽ khám phá ra sự kiêu ngạo ẩn sâu trong lòng ta. “Hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng” (Is 40, 3). Chúa gần đến, tiếng Chúa gọi mời cấp bách hơn.

Tiếng Chúa thể hiện qua tiếng kêu của Gio-an

Gio-an Tẩy Giả tự nhận mình là ‘tiếng kêu’ (x. Mc 1,3) từ trong hoang địa, Gio-an cất lời rao giảng “phép rửa sám hối cầu ơn tha tội” (Mc 1, 4). Lời giảng tuy nghiêm nghị nhưng thu hút “cả miền Giu-đê-a và Giê-ru-sa-lem” (Mc 1, 5). Gio-an được Mác-cô (1, 2-8) trình bày như vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, ví ông như “Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi ” (Mc 1,2; Ml 3,1), Gio-an đã xuất hiện với những người đương thời như là hy vọng cuối cùng của một dân tuyệt vọng. Rất ít người nhận ra sứ vụ đích thực của ông là để “dọn đường cho Chúa đến”.

Gio-an xuất hiện như Tiếng kêu trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú. Ông không kêu gọi người ta trở nên nhà khổ tu giống như ông. Ông rao giảng rằng: “Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi … Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần” (Mc 1, 7.8).  Lời của Gio-an vẫn vang dội qua các thời đại và như một sứ điệp cấp bách gửi đến với chúng ta ngày hôm nay. Kêu mời thay đổi nội tâm, bắt đầu từ việc thừa nhận và xưng thú tội lỗi của mình. Kết quả là: “Cả miền Giu-đê-a và Giê-ru-sa-lem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Gio-đan” (Mc 1, 5).

Sống tiếng Chúa gọi mời

Mùa Vọng năm nay, chúng ta đang sống như thế nào, nếu không phải là chuẩn bị tâm hồn, giục lòng tin, cử hành Phụng vụ cho sốt sáng để lãnh nhận ân sủng mà Chúa Ki-tô đã mang đến cho trần gian.

Hãy thay đổi cung cách suy nghĩ hành xử và sống thanh đạm “Vì nước trời gần đến“. Bốn tuần của mùa Vọng là như “tiền đường” để bước tiếp vào những ngày thánh. Chúng ta hãy chuẩn bị tinh thần bằng lời cầu nguyện, sẳn sàng tiếp đón Ðấng Cứu Thế ngự đến!

Ước gì mùa Vọng và việc chờ đón “Hoàng Tử Bình An” đến, giúp chúng ta nhận ra tiếng Chúa gọi mời qua Giáo hội. Hãy tránh ngủ quên, và cương quyết dọn đường cho Chúa, là nguồn mạch bình an, niềm vui, tình yêu và hy vọng, là Ðấng không ngừng đến để an ủi dân Người.

Chúng ta hãy đặt tay ta vào tay Mẹ Ma-ri-a, Trinh Nữ của sự chờ đợi, để Mẹ dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giê-su Con Mẹ. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Nguồn: tonggiaophanhanoi

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê