Món nợ tình thương – Chúa nhật XXIII thường niên – Năm A

mon-no-tinh-thuong.jpg

MÓN NỢ TÌNH THƯƠNG
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – A
(Mt 18,15-20)

Nói đến “Nợ”, người ta thường nghĩ ngay đến nợ nần như nợ tiền, nợ bạc, nợ ngân hàng, nợ vật chất, nợ đời, nợ ơn, nợ tình, nợ người, nợ Trời…

Thánh Phao-lô hôm nay nói đến món “nợ tình thương”: ” Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Thì ra chúng ta phải mắc nợ nhau về tình mến.  Sống không có tình yêu, không có lòng nhân ái, thì dù có nhà lầu, xe hơi, tiện nghi, vật chất dư dả, chúng ta vẫn cảm thấy không hạnh phúc và vui vẻ. Tình yêu làm cho chúng ta được hạnh phúc thật. Tình yêu là cốt lõi của Ki-tô giáo. Chúng ta hãy yêu thương nhau.

Lời Chúa hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước giúp chúng ta hiểu món nợ này. Chúa bảo chúng ta như nói với Êzêkiel: cứ đóng vai trò người lính canh; cứ loan báo sứ điệp của Chúa . Êzêkiel không muốn làm công việc này. Ông thấy dân Israel đã hư đốn không muốn nghe và giữ Luật Chúa nữa. Và tai ương giáng họa trên dân tộc bất trung ấy không thể nào tránh nổi. Nhưng Chúa bảo ông vì tình thương và bác ái cứ đứng trên vọng gác, cứ loan báo Lời Chúa cho mọi người. Nghe hay không thì tùy họ (x.Ed 33,7-9).

Tin Mừng nói về Thiên Chúa đầy ắp tình thương, với tấm lòng của Cha trên trời, của người mục tử đau xót vì thấy đàn chiên 100 con nay lạc mất một. Tự nhiên người mục tử ấy lo lắng và sốt sắng đi tìm con chiên lạc. Người mục tử diễn tả phần nào tấm lòng của Cha trên trời muốn đi tìm tội nhân trở lại: Người sai chúng ta đến với người anh em phạm tội. Họ như một con chiên lạc, lỗi lầm. Chúa đòi hỏi chúng ta phải xử với người anh em bằng tình thương, phải chấp nhận vất vả vì người anh em kia, phải êm ái kiên nhẫn và tế nhị. Bài Tin Mừng này thật phong phú. Chúa nói đến chúng ta và với chúng ta hơn là về người anh em lỗi phạm (x. Mt 18,15-20).

Đến đây chúng ta mới hiểu chữ “món nợ” mà Thánh Phaolô nói: chúng ta đừng mắc nợ ai gì cả, mọi sự công bằng phải chu toàn với mọi người. Cả khi đã làm trọn mọi phận sự công bình rồi, chúng ta vẫn còn nợ mọi người tình bác ái. Và món nợ này chẳng bao giờ có thể trả xong. Vì sao vậy?

Thánh Tông đồ đã nói: vì có bác ái mới giữ trọn Lề luật. “Luật dạy: không tà dâm, không giết người, không tham của người v.v…” Nhưng họ quên điều quan trọng: phải giữ những điều ấy để thương yêu anh em. Bác ái phải là động lực, là khởi hứng của công bình. Nên chúng ta phải có lòng bác ái. Chúng ta phải cư xử với nhau theo tình bác ái. Đối với thánh Phao-lô, tình yêu không phải là một sự trao đổi kinh tế, tiền bạc, không phải là một sự chiếm hữu ích kỷ, cũng không phải là một sự tìm kiếm mình nơi người khác, nhưng là một tình yêu vô vị lợi, có trách nhiệm và hoàn toàn vì người khác, kể cả hiến mạng vì người mình yêu. Tình yêu đó bắt nguồn và luôn dựa trên chính Thiên Chúa là tình yêu mà Đức Giê-su đã thể hiện trên thập giá.

Tình yêu gắn liền với việc tuân giữ lề luật, sống có trách nhiệm và biết tôn trọng hạnh phúc của người khác cụ thể như: “Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10).

Nói cho cùng. Lỗi những điều răn này là lỗi đức ái nghiêm trọng. Thấy người khác thành công, mình phải mừng cho họ chứ đừng có ghen tỵ và tìm cách đạp đổ. Thấy người khác gặp đau khổ thì không lấy làm vui mừng nhưng là nâng đỡ ủi an họ. Vẻ đẹp và tính cao thượng của các Ki-tô hữu là ở đó.

Đối với Phao-lô, đức ái là điều chính yếu của đời sống Ki-tô hữu. Trong một lá thư khác, thánh Phao-lô quả quyết:

Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên thần đi nữa, mà không có đức mến thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi có được ơn nói tiên tri và biết hết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả tài đức đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì cả. Giả như tôi có đem hết cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu chết, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3).

Sau cùng, chúng ta cùng hãy đọc lại lời của Thánh tông đồ  Phaolô và nguyên lý sống của Chúa Giê-su, để rồi xin Chúa giúp chúng ta biết nhìn lại chính mình: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”.

Mong sao mỗi người chúng ta đừng mang món nợ gì khác, ngoài món nợ duy nhất cần nợ trong đời, đó là bác ái yêu thương. Món nợ tương thân tương ái này có giá trị trên mọi nẻo đường, và đặc biệt luôn mang ý nghĩa nền tảng và quan trọng. Vậy, chúng ta hãy sống và mắc món nợ duy nhất trong đời là: “Món nợ tình thương, tương thân tương ái”.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Nguồn: tonggiaophanhanoi

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê