Trong 30 năm qua, Armenia và Azerbaijan đã tranh chấp khu vực, nơi chủ yếu có người Armenia cư trú. Để chiếm hữu khu vực này, hai quốc gia đã tiến hành hai cuộc chiến tranh, trong đó hàng ngàn người đã thiệt mạng. Vào năm 2020, Nga đã làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn cho phép Azerbaijan lấy lại phần lớn lãnh thổ mà Armenia đã chiếm đóng từ đầu năm 1990. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn đã không đảm bảo hòa bình, và bạo lực xảy ra thường xuyên và liên tục.
Lachin là con đường duy nhất vào Nagorno-Karabakh từ Armenia, nhưng đã bị Azerbaijan phong toả từ 12/2022. Mặc dù, trước đó vào ngày 09/11/2020, các bên đã tuyên bố cho phép các hoạt động di chuyển người, phương tiện và hàng hoá. Hậu quả của việc phong toả gây nguy hiểm đến tính mạng của 120.000 người Armenia, trong đó có 30.000 trẻ em, do thiếu thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.
Trước thảm trạng này, trong một tuyên bố Đức Tổng Giám Mục Minassian tố cáo: “Họ hứa sẽ mở đường, trái lại hành lang đã bị bao vây và phong tỏa từ 6 đến 7 tháng nay. Đây là tội ác chống loài người. Và trước hoàn cảnh tuyệt vọng này, không ai làm gì cả. Ít nhất hãy tuyên bố rằng một cuộc diệt chủng mới đang diễn ra”.
Đối với tất cả những người tuyên bố nhân quyền, Đức Thượng phụ yêu cầu họ chịu trách nhiệm về những gì họ nói và áp dụng những gì họ đã xác định vào thực tế. Ngài cũng đề cập đến những người đang lợi dụng tình hình này cho lợi ích cá nhân hoặc quốc gia. Ngài nói: “Người ta không thể tìm kiếm lợi ích cá nhân bằng máu người vô tội. Không, điều này không đúng. Đó là tiếng kêu đòi công lý cất lên từ vùng đất này. Chúng tôi không cần những biểu lộ thông cảm. Chúng tôi cần sự thật".
Về việc Azerbaijan lấy lại phần lớn lãnh thổ mà Armenia đã chiếm đóng từ đầu năm 1990, Đức Thượng Phụ khẳng định chỉ cần biết lịch sử và xem các bản đồ địa lý của các vùng lãnh thổ đó thì đủ để hiểu rằng trên các bản đồ đó và trong lịch sử này không tồn tại Azerbaijan. Việc ngày nay họ chiếm giữ những vùng đất này không có nghĩa là chúng là tài sản của họ. Dân chúng còn ở lại những vùng lãnh thổ đó ngày nay muốn được trả lại tự do và tôn trọng nhân quyền. Nếu các quyền được tuyên bố bằng lời nói nhưng họ lại giết người, họ đang phạm tội.
Hướng đến cộng đồng quốc tế, Đức Thượng Phụ khẳng định, châu Âu, Hoa Kỳ, Nga, tất cả các cường quốc trên thế giới đang chứng kiến một cuộc diệt chủng thế kỷ 21 nhưng họ không làm gì cả. Ngài nói: “Vào năm 1915, các đại sứ từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt, họ chứng kiến những gì đang xảy ra nhưng họ không làm gì để ngăn chặn nạn diệt chủng. Hôm nay lịch sử đó lặp lại. Một hiệp ước hòa bình đã được trình bày nhưng không được tôn trọng. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận hòa bình nhưng không có điều kiện và không có bất công”. (Sir. 11/8/2023)
Nguồn: vaticannews