Là một bác sĩ trẻ tốt nghiệp từ đại học Georgetown của Mỹ, bác sĩ Michael Brescia đã giúp khám phá ra cách giúp bệnh nhân suy thận. Quy trình này cho phép một mạng lưới các tĩnh mạch hoạt động giống như các động mạch, giúp tăng thời gian lọc máu cho bệnh nhân trong lúc chờ tìm được người phù hợp với thận của người hiến tặng. Phương pháp của bác sĩ Brescia vẫn được sử dụng cho đến ngày nay và đã cứu sống hàng chục triệu người. Với khám phá này ông và các đồng nghiệp có cơ hội trở nên rất giàu nếu bán nghiên cứu cho một công ty dược phẩm. Bác sĩ trẻ tự hào về điều này và về nhà kể cho người cha công trình nghiên cứu của mình.
Theo điều kiện của công ty dược, các nhà phát minh phải “giữ bí mật trong một năm để họ có thể chuẩn bị mở các trung tâm lọc máu trên khắp thế giới cùng một lúc”. Trước yêu cầu này, cha của Brescia thúc giục bác sĩ trẻ tặng phát minh vì nếu phải chờ đợi một năm nữa nhiều người không có cơ hội được cứu sống.
Trong một cuộc nói chuyện tại New York vào năm 2018, bác sĩ Brescia kể lại rằng cha ông lập luận rằng Chúa đã cho ông khả năng phát minh ra quy trình, vì thế ông không có quyền trì hoãn trao ân ban này cho những người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng. Người cha lớn tuổi cảnh báo con trai rằng nếu bác sĩ Brescia để cho công ty dược phẩm quyết định điều này, mỗi khi soi gương bác sĩ sẽ nhìn thấy khuôn mặt của những em bé có cha mẹ đã chết vì bác sĩ kiên quyết muốn kiếm được nhiều tiền.
Vì vậy, thay vì thỏa thuận với công ty, bác sĩ Brescia và người đồng phát minh, bác sĩ James Cimino, đã đăng một bài báo về nó trên Tạp chí Y học New England vào năm 1966, dẫu cho họ mất cơ hội làm giàu.
Trong quãng đời còn lại, bác sĩ Brescia xem sự cống hiến trong ngành y khoa là lời tạ ơn Thiên Chúa vì những gì Người đã ban cho ông. Thay vì nhận một vị trí danh dự, được mọi người biết đến ở một bệnh viện nổi tiếng, ông đã đến làm việc tại một bệnh viện Calvary do các nữ tu Đa Minh điều hành dành cho những bệnh nhân nghèo ở một khu vực thuộc New York. Tại trung tâm y tế này, với tư cách là Giám đốc Y khoa, bác sĩ Brescia giám sát thực hành một phương pháp hỗ trợ sự sống cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối, để họ được bình an và hạnh phúc cho đến khi qua đời một cách tự nhiên. Cách tiếp cận của bác sĩ được nhiều người ủng hộ, như câu trả lời cho những lời kêu gọi trợ tử.
Bác sĩ Brescia qua đời tại nhà riêng ở Yorktown Heights, New York, vào ngày 19/4 vừa qua, hưởng thọ 90 tuổi. Tiếp nối tinh thần phục vụ người khác của ông, trong 6 người con thì 3 người là bác sĩ và một người cháu cũng theo ngành y.
Trong Thánh lễ an táng ông, 24/4, qua một video, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York nói: “Bác sĩ Brescia là một tông đồ thực sự của những người đang hấp hối”.
Theo thông cáo báo chí từ Calvary, một bệnh viện chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và các bệnh giới hạn sự sống khác, bác sĩ Brescia được nhiều người coi là người đồng sáng lập trung tâm chăm sóc người hấp hối và giảm nhẹ ở Mỹ. Ông đã biến tổ chức New York, được thành lập vào năm 1899, thành một nơi dẫn đầu thế giới về chăm sóc y tế cuối đời.
Trong đời sống thực tế và trong việc vận động cộng đồng chống trợ tử ở cấp bang và trên toàn quốc (Tiểu bang New York chưa thông qua dự luật trợ tử), ông Brescia nhấn mạnh rằng, liên quan đến sự đau đớn, ngay cả những cơn đau khủng khiếp nhất do ung thư, luôn có thể được thực hiện bằng thuốc. Điều có thể thách đố hơn – và là điều mà trung tâm Calvary cố gắng giải quyết – là sự đau khổ đến từ trầm cảm, sợ hãi, cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi. Ông Brescia luôn nói rằng đáp ứng tinh thần và cảm xúc cũng là một phần quan trọng của y học cũng như lâm sàng.
Chìa khóa trong cách tiếp cận các bệnh nhân của bác sĩ là chạm và ôm người hấp hối, và sự hiện diện trung thành của những người chăm sóc, của người thân và gia đình.
Bác sĩ từng khẳng định với các đồng nghiệp: “Tôi sẽ không bao giờ bước vào căn phòng có nhiều ống tiêm với xác chết. Tôi sẽ bước vào và ôm những người này vào vòng tay của mình, cho họ đắm mình trong bể yêu thương. Tôi ước mong chúng ta có sức mạnh để dừng lại sự điên rồ này”.