Thứ sáu tuần VI thường niên

 

tải-xuống--6-.jpg

Ca nhập lễ

Xin Chúa trở thành núi đá cho tôi trú ẩn, trở thành chiến lũy kiên cố để cứu độ tôi. Bởi Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của tôi, vì uy danh Chúa, Chúa sẽ dìu dắt và hướng dẫn tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin tuôn đổ hồng ân giúp chúng con ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I)  St 11, 1-9

“Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn”.

Trích sách Sáng Thế.

Lúc bấy giờ toàn thể lãnh thổ có một tiếng nói duy nhất và một ngôn ngữ như nhau. Khi con cháu ông Noe từ phương đông tiến đi, họ đã gặp một cánh đồng tại đất Sinêar và họ cư ngụ ở đó. Những người này nói với nhau rằng: “Nào, bây giờ chúng ta đi làm gạch và đốt lửa để nung”. Và họ dùng gạch thay thế cho đá và nhựa thay thế cho xi măng. Họ còn nói: “Nào, bây giờ chúng ta hãy xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời. Và chúng ta hãy tạo cho ta một tên tuổi để chúng ta khỏi bị tản lạc ra khắp mặt địa cầu”.

Chúa ngự xuống để quan sát thành trì với cây tháp mà con cái loài người đang xây. Và Chúa phán: “Này coi, chúng nó hợp thành một dân tộc duy nhất và kia là điều chúng đã khởi công. Giờ đây không có gì ngăn cản chúng thi hành điều chúng đã dự tính. Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn, để người này không còn hiểu tiếng nói của người kia”. Và Chúa đã làm cho họ tản mát xa chỗ đó để tràn ra khắp mặt địa cầu. Họ đã thôi việc xây dựng thành trì. Bởi thế, người ta đã gọi chỗ đó là “Babel”, vì chính tại chỗ đó, Chúa làm cho ngôn ngữ của toàn thể lãnh thổ hoá ra lộn xộn. Và cũng tại đó, Chúa đã làm cho người ta tản mát ra khắp mặt địa cầu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 10-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình

Xướng: Chúa phá tan ý định của các nước, làm cho vô hiệu tư tưởng của chư dân. Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Ngài còn mãi đời nọ sang đời kia.

Xướng: Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Từ trời cao Chúa nhìn xuống, Ngài xem thấy hết thảy con cái loài người.

Xướng: Từ cung lâu của Ngài, Ngài quan sát hết thảy mọi người cư ngụ địa cầu. Ngài đã tạo thành tâm can bọn họ hết thảy; Ngài quan tâm đến mọi việc làm của họ.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 2, 14-24. 26

“Cũng như xác không hồn là xác chết, thì đây đức tin không việc làm là đức tin chết”.

Trích sách của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu có ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì? Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ.

Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi. Anh tin Thiên Chúa là Ðấng duy nhất ư? Như thế là đúng. Ma quỷ cũng tin như thế và chúng run sợ. Hỡi người khờ dại, anh có muốn biết rằng đức tin không việc làm là đức tin chết không? Abraham, tổ phụ chúng ta, đã chẳng nhờ việc làm mà được công chính hoá khi hiến dâng con mình là Isaac trên bàn thờ đó sao? Anh có thấy rằng: đức tin hợp tác với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được hoàn hảo đó không? Như vậy đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Abraham đã tin vào Thiên Chúa và việc ấy được kể là điều công chính cho người, và người đã được gọi là bạn thiết nghĩa của Thiên Chúa”.

Do đó anh em có thấy rằng: người ta nhờ việc làm mà được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi không? Quả vậy, cũng như xác không hồn là xác chết, thì đức tin không việc làm là đức tin chết.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phúc đức thay người ham mộ luật pháp của Chúa (c. 1b).

Xướng: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Ðất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.

Xướng: Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính.

Xướng: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 8, 34-39

“Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh”.

Và Ngài nói với họ: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho thánh lễ này, tẩy rửa và đổi mới chúng con, để chúng con đáng được phần thưởng muôn đời Chúa hứa ban cho những kẻ thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Họ đã ăn no phỉ hoàn toàn, và Chúa đã cho họ thoả lòng ao ước, nhưng họ vẫn chưa hết thèm thuồng.

Hoặc đọc:

Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một mình. Để tất cả những ai tin Con Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được thưởng thức bánh bởi trời, xin dạy chúng con không ngừng khao khát Chúa là nguồn sống đích thực. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

MẤT ĐỂ ĐƯỢC

(Mc 8,34-39)

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta dừng lại ở hai từ “Mất” và “Được”. Trước hết, chúng ta đến với từ “mất”. Động từ “mất” có thể mang những ý nghĩa sau: (1) phá huỷ, giết chết; (2) chịu đựng sự mất mát; (3) tiêu tan; (4) bị mất. Động từ này được sử dụng trong Tin Mừng hôm nay diễn tả sự mất mát, sự phá huỷ và tiêu tan cả về đời sống vật chất thế gian và đời sống thiêng liêng vĩnh cửu. Còn động từ “được” có nghĩa: cứu được; dành được; được lợi; đổi lại được. Động từ “được”  bao hàm cái “Được” của đời sống thể lý và đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên, điều nghịch lý ở đây là: cái “Được” của đời sống vật chất thế gian lại là cái “Mất” của đời sống thiêng liêng. Và ngược lại, cái “Mất” của đời sống vật chất là cái “Được” của đời sống thiêng liêng. Đức Giê-su quả quyết: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Đức Giê-su đưa ra tiêu chuẩn này không có ý đòi chúng ta phá huỷ chính mạng sống của mình, nhưng đòi chúng ta từ bỏ những gắn bó vật chất thế gian cái làm cho chúng ta vui thú cuộc sống chóng qua đời này mà quên mất sự sống vĩnh cửu đời sau. Tóm lại, Đức Giê-su muốn những người môn đệ của Chúa hành động một cách khôn ngoan, can đảm và dám đánh đổi những gì ngắn ngủi, chóng tàn phai để có được sự sống vĩnh cửu. Quả thật, như Vịnh gia đã nói:

Ngày vận hạn cớ chi phải sợ, lúc bọn gian manh theo sát bủa vây tôi?

Chúng cậy vào của cải, lại vênh vang bởi lắm bạc tiền.

Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa?

Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.

Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số?

(Tv 49,6-10)

Lm. Antôn Trần Văn Phú

—————————

TIN VÀ ĐI THEO

(Mc 8,34-39)

Sau khi Phê-rô thay lời anh em tuyên xưng niềm tin, Đức Giê-su đã ngay lập tức loan báo về cuộc khổ nạn của mình để các ông hiểu rõ về căn tính “Đấng Ki-tô” theo ý định của Thiên Chúa. Hình ảnh người tôi tớ Ya-vê trong Cựu Ước mà Isaia đã nhắc tới, đó chính là hình ảnh tiên trưng về Ngài. Quả thật, Đức Giê-su đến không phải là làm theo ý riêng, nhưng hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha trong tư cách là người Tôi Tớ.

Sau khi tỏ cho các ông về cuộc khổ nạn mà Đấng Ki-tô, Thiên Sai sẽ phải chịu, thì cũng ngay lập tức Ngài mời gọi các ông: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Thật tiếc thay cho Phê-rô! Ông tuyên tín thì mạnh mẽ, nhưng khi nói đến sự vâng phục và con đường khổ giá mà Thầy sẽ đi để cứu chuộc nhân loại, thì ông đã thất vọng và lên tiếng can ngăn Ngài. Phê-rô phản đối thái độ vâng phục của Đức Giê-su, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Ki-tô theo thánh ý Thiên Chúa Cha.

Như thế, ông đã lộ rõ tính thực dụng của mình khi đặt niềm tin vào một Đấng Thiên Sai đến giải phóng dân tộc theo nghĩa chính trị. Vì thế, ông đã bị Đức Giê-su quở trách thật nặng nề: “Satan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loại người”.

Trong cuộc sống đạo của chúng ta, nhiều khi không khác gì Phê-rô. Có những cơn sốt sắng nổi lên thì thề sống chết với Chúa và trung thành đến cùng với Ngài, nhưng sau đó, khi thử thách hay những khó khăn gặp phải, chúng ta bắt đầu suy xét lại và đem so sánh thiệt hơn với đời. Những lúc như thế, chúng ta đã lập lờ và nhùng nhằng, so đo tính toán…

Nên nhớ quy tắc căn bản của sứ điệp Lời Chúa hôm nay:

Thiên Chúa không bao giờ cất khỏi đau khổ cho con người. Nhưng ngược lại, Ngài sẽ tiếp tục gửi đau khổ đến cho những ai Ngài thương mến. Cũng như chính Ngài, Đức Giê-su luôn luôn mời gọi chúng ta đón nhận đau khổ và chiếu dọi yêu thương vào đó thì đau khổ sẽ có ý nghĩa và nở hoa cứu độ. Nếu không có yêu thương thì thập giá mãi mãi đè bẹp chúng ta, nhưng chúng ta đón nhận và vác lấy trong tình yêu thì nhờ thập giá sẽ trở thành con đường dẫn đến vinh quang, đau khổ sẽ thành biểu tượng tình yêu.

Xin Chúa Giê-su ban cho chúng ta ơn can đảm để lựa chọn và sống mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời. Để ngang qua lòng mến, chúng ta được ơn cứu chuộc. Amen.

Giuse Vinh-sơn Ngọc Biển SSP.

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê