Nói chung, trong danh sách có 464 người tham dự, nếu trừ các chức sắc và nhân viên của Văn phòng Thượng Hội Đồng Giám Mục, thì còn 449 người, trong số này có 364 thành viên có quyền bỏ phiếu, gồm cả 54 phụ nữ. Các tham dự viên không có quyền bỏ phiếu là 85 người, trong số này có 27 phụ nữ.
Các Chủ tịch thừa ủy
Trong 15 Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới trước đây, thường có 3 vị Hồng Y chủ tịch thừa ủy, thay mặt Đức Thánh Cha chủ tọa các khóa họp khoáng đại. Nhưng Thượng Hội Đồng Giám Mục này có tới 9 vị chủ tịch thừa ủy, trong đó 3 vị không phải là Hồng Y hay Giám mục, gồm 1 linh mục là cha Giuseppe Bonfrate, giáo sư tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana, từng là chuyên gia của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục về miền Amazonia, một nữ tu là Chị María de los Dolores Palencia Gómez, 74 tuổi, người Mêxicô thuộc dòng Nữ tu thánh Giuse de Lyon, chuyên dấn thân bênh vực và giúp đỡ người di dân và hoạt động trong Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu la tinh, sau cùng là một nữ giáo dân, chị Mormoko Nishimaru, 48 tuổi, ở Yokohama, Nhật Bản. Chị là một phụ nữ thánh hiến thuộc cộng đoàn thừa sai “Nữ tỳ Tin Mừng Lòng Chúa Thương Xót” (SEMD). Chị hoạt động trong Ủy ban mục vụ giới trẻ ở địa phương. Trước đó chị đã học tại đại học Sophia, Tokyo, rồi trải qua vài năm ở Argentina, dấn thân trong sứ vụ, trước khi trở về Nhật hồi năm 2017. Chị đã phiên dịch thông điệp “Fratelli tutti” của Đức Thánh Cha Phanxicô ra tiếng Nhật.
6 vị Chủ tịch thừa ủy còn lại, đứng đầu là Đức Thượng Phụ Ibrahim Isaac Sedrak, Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Copte, với trụ sở tại thành Alessandria, lãnh đạo khoảng 200 ngàn tín hữu Công Giáo ở Ai Cập, tiếp đến là Đức Hồng Y Aguiar Retes, Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Mêxicô, tiếp đến là 2 Tổng Giám Mục và 2 Giám Mục.
Các nghị phụ
Trong số các nghị phụ, đứng đầu là 20 vị thuộc các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, trong đó có những vị đương nhiên là thành viên do chức vụ, như các vị Thượng Phụ giáo chủ, phần còn lại là các đại biểu do các Hội Đồng Giám Mục bầu lên và được Tòa Thánh phê chuẩn: Phi châu có 44 vị, đông nhất là Nigeria với 4 vị. Tiếp đến là Mỹ châu có 47 vị, đông nhất là Brazil và Mỹ, mỗi nước có 5 đại biểu, Mêxicô và Canada mỗi nước có 4 đại biểu. Á châu có 26 vị, đông nhất là 4 vị Ấn độ, tiếp đến là Philippines có 3 vị, Indonesia và Việt Nam mỗi nước có 2 đại biểu. Hai vị người Việt là Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám Mục Phan Thiết, và Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám Mục Hà Tĩnh. Lào và Campuchia có chung một nghị phụ đại biểu là Cha Enrique Figaredo Alvar Gonzalez, dòng Tên Tây Ban Nha, Phủ doãn tông tòa Battambang bên Campuchia.
Đài Loan có 1 Giám Mục Đại biểu là Đức Cha Giuse Phổ Anh Hùng (Norberto Pu), Giám Mục giáo phận Gia Nghĩa cũng là Giám Mục đầu tiên người dân tộc tại đảo này.
Âu Châu có 48 Giám Mục đại biểu của các Hội Đồng Giám Mục, đông nhất là Ý với 5 vị, tiếp đến là 4 vị người Pháp. Sau cùng là Úc châu chỉ có 5 Giám Mục đại biểu, trong số này có 2 vị từ Australia.
Trung Quốc không có Hội Đồng Giám Mục được Tòa Thánh công nhận, nên không có quyền bầu đại biểu. Tuy nhiên Đức Thánh Cha đã mời đặc biệt 2 vị đến tham dự, đó là Đức Cha Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang), 53 tuổi, Giám Mục giáo phận Chu Thôn (Zhouchun) tỉnh Sơn Đông từ 10 năm nay, và Đức Cha Antôn Diệu Thuận (Yao Shun), 58 tuổi, Giám Mục giáo phận Tể Ninh, tỉnh Nội Mông. Ngài là một trong những Giám Mục đầu tiên thụ phong Giám Mục năm 2019 sau Hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám Mục, tuy rằng trong thực tế, Tòa Thánh đã phê chuẩn việc bổ nhiệm Đức cha từ năm 2010. Đây là 2 vị khác với 2 Giám Mục Trung Quốc đã tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về giới trẻ hồi năm 2018: đó là Đức Cha Giuse Quách Kim Cài (Guo Jincai), Giám Mục giáo phận Thừa Đức (Chengde) tỉnh Hà Bắc, và Đức Cha Gioan Baotixita Dương Hiểu Đình (Yang Xiaotinh), Giám Mục giáo phận Du Lâm (Yulin), tỉnh Thiểm Tây.
Cùng với 2 vị trên đây, có Đức Hồng Y Stephano Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục này với tư cách là thành viên do Đức Thánh Cha bổ nhiệm.
Các thành phần khác
Ngoài 3 vị được Đức Thánh Cha bổ nhiệm trên đây còn có 48 vị khác cũng được ngài bổ nhiệm, trong đó có 5 nữ tu, 1 nữ giáo dân, và 5 Linh Mục, trong đó có cha James Martins, dòng Tên người Mỹ, nổi tiếng trong các hoạt động bênh vực việc mục vụ cho những người đồng tính, và cha Antonio Spadaro, dòng Tên người Ý, nguyên là Giám đốc tạp chí Civiltà Cattolica Văn Minh Công Giáo, nay mới được bổ nhiệm làm Phó Tổng thư ký Bộ giáo dục và Văn hóa.
Trong số các vị được Đức Thánh Cha bổ nhiệm được dư luận đặc biệt chú ý có Đức Hồng Y Gerhard Mueller, người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cùng với ĐHY Luis Ladaria dòng Tên Tây Ban Nha, cũng từng là Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, nhưng ngài xin kiếu vì lý do sức khỏe.
Cũng nên nói thêm rằng có 20 vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, theo luật, được đương nhiên tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục này, trong đó có 1 giáo dân là ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ truyền thông. Ngoài ra có các vị Chủ tịch các Liên Hội Đồng Giám Mục thuộc 5 châu.
Những lập trường khác nhau
Trong thời gian qua, báo chí cho rằng sẽ có những tranh luận sôi nổi tại Thượng Hội Đồng Giám Mục này giữa phe bảo thủ và cấp tiến. Cụ thể như trường hợp giữa các thành viên người Đức.
Thực vậy, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, bày tỏ hy vọng Thượng Hội Đồng Giám Mục này sẽ mau lẹ bỏ phiếu ủng hộ các đề nghị cải tổ. Đức Cha cũng bênh vực Đức Thánh Cha Phanxicô chống lại những lời cáo buộc cho rằng ngài muốn trì hoãn việc cải tổ.
Tiếp đến, trong cuộc họp báo hôm 27/9 vừa qua, kết thúc khóa họp mùa thu của các Giám Mục Đức, Đức Cha Baetzing, hy vọng những kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ thứ 16 tới đây sẽ có tính chất bó buộc và cả Đức Thánh Cha cũng cần tuân hành, chứ không phải chỉ coi đây là những điều tư vấn mà thôi.
Trong khi đó, một Giám Mục Đức được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm thành viên Thượng Hội Đồng Giám Mục 16 là Đức Cha Stefan Oster, Giám Mục giáo phận Passau. Trong cùng cuộc họp báo hôm 27/9, Đức Cha đề cao sự kiện một mình Đức Thánh Cha có quyền quyết định chung kết về Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ngài nói: “Đức Thánh Cha Phanxicô có đoàn sủng đặc biệt và có cái nhìn toàn diện trên toàn thể Giáo Hội, vì thế ngài có thể phán đoán rõ điều gì Thánh Thần Chúa nói với ngài và toàn thể chúng ta tại Thượng Hội đồng”.
Và theo Đức Cha Oster, tiến trình cải tổ của Giáo Hội Công Giáo Đức không phải là kiểu mẫu tốt cho các cuộc thảo luận ở Roma trong Thượng Hội Đồng Giám Mục. Con đường Công nghị của Đức đã dẫn tới sự chống đối và đối nghịch nhiều hơn: “Giữa Giáo Hội tại Đức và Tòa Thánh, giữa các Giám Mục chúng ta và trong dân Chúa”. ĐGH Phanxicô muốn một cái gì khác cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới. Đây không phải là một tiến trình chính trị, những lối tiếp cận chiến lược và lợi dụng dư luận quần chúng”. Vấn đề quan trọng là: “Làm sao chúng ta ít khi thành công trong việc mời gọi dân chúng tin vào Tin Mừng, và đồng thời lại có hàng trăm ngàn tín hữu quay lưng lại với Giáo Hội tại Đức?” (KAP 28-9-2023)
Nguồn: vaticannews