Ngoại trưởng Toà Thánh kêu gọi tìm giải pháp hoà bình cho Trung Đông

ngoai-truong-toa-thanh.jpeg
Ngoại trưởng Toà Thánh  (ANSA)

Đi từ chủ đề của sự kiện “Nỗ lực Ngày Hoà bình: Nỗ lực vì hoà bình Trung Đông”, trong bài tham luận, Đức Tổng Giám Mục khẳng định rằng Toà Thánh luôn đặc biệt chú ý đến tình hình tại các vùng lãnh thổ mà Nhà nước Israel và Palestine đang hiện diện. Ở những khu vực này, Toà Thánh quan tâm hai khía cạnh: sự tồn tại của Thánh Địa được các Giáo hoàng ủy thác cho Dòng Phanxicô hơn 800 năm trước; và trên hết là sự hiện diện liên tục của cộng đoàn Kitô hữu trong suốt 2000 năm qua.

Tòa Thánh tin chắc rằng hòa bình giữa người Israel và người Palestine, và trong khu vực nói chung, sẽ mang lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng quốc tế. Đó là lý do tại sao mọi sáng kiến hòa bình đều được chào mừng, bao gồm cả Sáng kiến Hòa bình Ả Rập, miễn là nó không làm tổn hại cho người dân địa phương hoặc những yêu cầu chính đáng của cả người Israel và người Palestine.

Theo Ngoại trưởng Toà Thánh, điểm tranh chấp trọng tâm cần được giải quyết nhằm đạt được một nền hòa bình ổn định và lâu dài là việc quản lý Thành Giêrusalem. Rõ ràng Thành phố này rất quan trọng đối với các Kitô hữu, cũng như đối với người Do Thái và người Hồi giáo, tất cả đều coi đây là Thành Thánh. Chính vì lý do này mà Tòa Thánh coi Giêrusalem không phải là nơi đối đầu và chia rẽ, nhưng là nơi gặp gỡ, nơi các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo có thể sống cùng nhau với sự tôn trọng.

Ở điểm này liên quan đến các nhóm làm việc được thành lập tại cuộc họp, Đức Tổng Giám Mục lưu ý các tham dự viên đưa ra một suy tư về Thành Giêrusalem bằng cách nghĩ về nơi này như một Thành phố gặp gỡ, nghĩa là một nơi được bảo tồn bởi một “quy chế đặc biệt” được quốc tế bảo đảm.

Về phần Toà Thánh, Ngoại trưởng Toà Thánh nói Tòa Thánh đã thúc đẩy ý tưởng về một đạo luật đặc biệt trong nhiều năm, bởi vì Tòa Thánh tin chắc rằng bất cứ ai quản lý Thành Giêrusalem đều phải tuân thủ các nguyên tắc được quốc tế đảm bảo như: quyền và nghĩa vụ bình đẳng của các tín đồ của ba tôn giáo, sự đảm bảo tuyệt đối về quyền tự do tôn giáo cũng như quyền tiếp cận và thờ phượng ở các địa điểm thánh, và tôn trọng quy chế Nguyên trạng, nơi quy chế này được áp dụng. Để đạt được mục đích này, đặc tính đa tôn giáo cụ thể, chiều kích tâm linh, bản sắc và di sản văn hóa đặc biệt của Giêrusalem phải được bảo tồn và phát huy.

Nguồn: vaticannews

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê