Sáng ngày 22/11/2023, trùng với thời điểm Đức Thánh Cha gặp đại diện thân nhân của các con tin Israel bị Hamas bắt giữ và một số gia đình người Palestine ở Gaza, tại Gaza, Israel đã thông báo về thỏa thuận đình chiến kéo dài 4 ngày liên quan đến việc thả ít nhất 50 con tin Israel trong số 240 người và 150 trẻ vị thành niên và phụ nữ Palestine bị giam giữ ở Israel.
Theo những gì được công bố, từ 10 giờ sáng ngày 23/11/2023, Israel và Hamas sẽ ngừng giao tranh tại Gaza; Hamas sẽ thả các con tin theo từng nhóm 10 người và đổi lại, tương ứng với mỗi nhóm này, Israel sẽ thả 30 tù nhân đang ở trong các nhà tù của Israel. Đồng thời Israel cũng cho phép đưa hàng cứu trợ vào Gaza.
Vấn đề con tin cũng là vấn đề then chốt
Đức Hồng y Parolin đã bình luận cách tích cực về sự kiện và nhấn mạnh rằng “đối với tôi, dường như vấn đề con tin cũng là vấn đề then chốt liên quan đến sự can thiệp vũ trang của Israel”. Vì vậy, “nếu vấn đề bắt đầu được giải quyết, chúng ta hy vọng rằng có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn và bắt đầu các cuộc đàm phán cũng như một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đẫm máu ở Trung Đông.
Các cuộc gặp gỡ với thân nhân các con tin Israel và nhóm người Palestine
Sau đó Đức Hồng y đã được hỏi về cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với nhóm người Palestine và về việc, theo nhóm người Palestine, Đức Thánh Cha đã sử dụng từ “diệt chủng” để nói về cuộc tấn công của người Israel.
Về vấn đề này, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói rằng “Tôi không biết (rằng Đức Giáo hoàng) đã sử dụng từ này. Ngài đã sử dụng những thuật ngữ mà ngài đã diễn tả trong buổi Tiếp kiến chung và những từ ngữ thể hiện tình hình khủng khiếp đang diễn ra ở Gaza”.
Đức Hồng y Parolin nói thêm về vấn đề này: “Tôi không biết chính xác. Tôi đã xem thông cáo được đưa ra sau buổi Tiếp kiến chung nhưng tôi không nhận được thông tin trực tiếp về cuộc trò chuyện, về cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha. Tất nhiên, diệt chủng là một thuật ngữ rất có tính kỹ thuật được áp dụng cho một số tình huống nhất định, tôi không biết liệu trong tình huống này chúng ta có thể nói về diệt chủng hay không”. Do đó, đối với ngài, thật phi thực tế khi Đức Thánh Cha sử dụng từ này: “Tôi nhắc lại rằng đó là một thuật ngữ áp dụng cho một số tình huống rất cụ thể, cũng có những hậu quả rất chính xác ở cấp độ quốc tế”.
Về việc một người trong nhóm thân nhân của các con tin Israel được Đức Thánh Cha gặp gỡ đã bày tỏ “thất vọng” trước những lời Đức Thánh Cha nói về chủ nghĩa khủng bố vào cuối buổi Tiếp kiến chung, nhưng không đề cập đến Hamas, Đức Hồng y Parolin trả lời: “Thật khó để làm hài lòng tất cả mọi người. Thông thường, Đức Thánh Cha đề cập đến bằng những thuật ngữ khá chung chung. Rõ ràng ai muốn hiểu sẽ hiểu. Không cần phải đi vào chi tiết”.
Đức Hồng y giải thích: “Tôi tin rằng đây là một phong cách hơi chung chung của Tòa Thánh: nếu chúng ta nghe những phát biểu của Đức Thánh Cha, ngài không bao giờ đi sâu vào chi tiết bằng nêu tên và họ của người nào đó và các tình huống. Nhưng rõ ràng nó đề cập đến một số tình huống nhất định, ai muốn hiểu thì sẽ hiểu”.
Nguồn: vaticannews