Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 năm 2023 được cử hành vào Chúa nhật ngày 21/5. Đây là một ngày truyền thống được truyền qua nhiều triều đại Giáo hoàng và gửi gắm nhiều sứ điệp ý nghĩa.
Hàng năm, vào Chúa nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Giáo hội kỷ niệm những đóng góp của các phương tiện truyền thông và tập trung vào giải pháp để Giáo hội có thể sử dụng truyền thông một cách tốt nhất để loan báo Tin Mừng. Thông thường, ĐGH sẽ công bố Sứ điệp cho ngày đặc biệt này vào lễ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng của giới báo chí Công giáo.
Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được Đức Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập vào năm 1967, nhằm khuyến khích suy tư về những cơ hội và thách thức mà các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại (báo chí, phim ảnh, đài phát thanh, truyền hình và internet) mang lại cho Giáo hội để loan báo Tin Mừng.
Ngày đặc biệt này được thành lập sau Công đồng Vatican II. Sắc lệnh Inter Mirifica về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội xác định: “Để việc tông đồ dưới nhiều hình thức trong lãnh vực truyền thông xã hội của Giáo Hội được hữu hiệu hơn, mọi giáo phận trên thế giới, tuỳ theo quyết định của các giám mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ để nhắc nhở các tín hữu về trách nhiệm của họ trong lãnh vực này”.
Kể từ khi được thành lập, ngày Thế giới Truyền thông Xã hội đã trải qua 4 triều đại Giáo hoàng. Đó là ĐGH Phaolô VI, ĐGH Gioan Phaolô II, ĐGH Bênêdictô XVI, và ĐGH Phanxicô. Mỗi năm, chủ đề của ngày thế giới truyền thông lại hướng đến một vấn đề cụ thể trong xã hội và Giáo hội. Song, tất cả đều khẳng định đến sức mạnh của các phương tiện truyền thông và mục đích là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời.
Năm nay, Giáo hội kỷ niệm Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 57 vào ngày 21/5 với chủ đề “Nói bằng trái tim – Sự thật trong tình yêu”.
Trước đó, vào ngày 24/1/2023, ĐTC Phanxicô đã công bố Sứ điệp cho ngày kỷ niệm với tựa đề “Nói cách chân thành. ‘Theo sự thật và trong tình bác ái'” (Ep 4,15).
Có thể thấy, chủ đề sứ điệp năm nay có mối liên hệ với năm 2022 và năm 2021. Chủ đề nhắc đến 3 nhịp của truyền thông là Đến để xem, để lắng nghe, và để nói bằng trái tim. “Bằng trái tim” chính là sự chân thành trong cả ba hành động là đến xem, nghe và nói.
Trong Sứ điệp, ĐTC khẳng định truyền thông không thù địch là điều cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Đức Thánh Cha mạnh mẽ kêu gọi người làm truyền thông đi ngược dòng với khuynh hướng xã hội để ủng hộ những khát vọng hòa bình theo gương của Thánh Phanxicô đệ Salê.
Để truyền thông trong sự thật, ĐTC cần người làm truyền thông phải có một con tim chân thành và trong sáng. Ngài gợi ý gương mẫu của truyền thông là chính Chúa Giêsu, khi người đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Từ đó, không chỉ riêng những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, mà mỗi Kitô hữu được mời gọi tìm kiếm và nói sự thật và hành động cách bác ái.
Kết thúc sứ điệp, ĐTC cầu nguyện cho các nhà truyền thông, với ước mong mỗi người trong số đó sẽ sử dụng công cụ truyền thông cách hữu hiệu để thực thi sứ mạng truyền rao chân lý Chúa đến với thế giới.
Khánh Ly- WTGPHN