TẦM QUAN TRỌNG
CỦA TIẾN TRÌNH CHUẨN BỊ HÔN NHÂN
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
(Khóa Thường huấn linh mục trẻ, 8.7.2019)
Hiến chế mục vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes (1965) đã hiểu rất phong phú về hôn nhân như là một giao ước liên nhân vị nhưng ít chú trọng đến việc chuẩn bị cho đôi hôn nhân mà chỉ khuyến khích cha mẹ cũng như những người giám hộ phải hướng dẫn cho đôi hôn phối biết về phẩm giá, quyền lợi và trách nhiệm của tình yêu vợ chồng (GS 49). Ngoài ra, các chủ chăn cũng chỉ đóng vai trò phụ thuộc là nuôi dưỡng ơn gọi vợ chồng cũng như hỗ trợ cho đời sống gia đình. “Các linh mục có bổn phận nâng đỡ ơn gọi của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình bằng những phương tiện mục vụ khác nhau, như rao giảng lời Chúa, lễ nghi phụng vụ hay những trợ lực thiêng liêng khác. Các ngài cũng phải nhân hậu và nhẫn nại nâng đỡ họ trong lúc gặp khó khăn, và khích lệ họ trong tình bác ái để họ tạo nên những gia đình thực gương mẫu rạng ngời” (GS 52).
Tuy nhiên, hôn nhân không phải là sự cam kết riêng tư giữa hai cá nhân. Là một bí tích, nó là một cam kết trước Thiên Chúa và cộng đoàn giáo hội. Chính vì thế, các tài liệu gần đây hơn đã nhấn mạnh nhiều hơn đến tiến trình chuẩn bị hôn nhân. Bộ Giáo Luật (1983) xem việc chuẩn bị hôn nhân là một điều gì đó kéo dài suốt cả đời sống và là một bổn phận “bắt buộc” của chủ chăn chứ không phải chỉ có vai trò phụ thuộc. Tài liệu “Chuẩn bị bí tích hôn nhân” của Ủy ban Giáo hoàng về Gia đình (1996) cũng đã kêu gọi toàn giáo phận phải dấn thân vào việc chuẩn bị hôn nhân cho người trẻ và khuyên nên “lập một ủy ban chuẩn bị hôn nhân của giáo phận, gồm cả một nhóm chăm sóc mục vụ cho gia đình”.[1] Tài liệu cũng nhấn mạnh rằng việc chuẩn bị hôn nhân không chỉ liên quan đến giai đoạn tiền hôn nhân nhưng còn kéo dài để giúp đôi bạn nhân sống đời hôn nhân cách trọn vẹn nhất. Ta hãy cùng tìm hiểu về tầm quan trọng cũng như tiến trình chuẩn bị hôn nhân trong hai tài liệu này.
I. Điều 1063 và giải thích.
Các vị chủ chăn các linh hồn buộc phải liệu sao cho cộng đoàn Giáo Hội của mình biết trợ giúp các Kitô hữu, để bậc hôn nhân được bảo tồn trong tinh thần Kitô giáo và tiến tới trong sự hoàn thiện. Việc trợ giúp này phải được thực hiện nhất là:
10 Bằng việc giảng thuyết, bằng việc huấn giáo thích hợp cho nhi đồng, thanh niên và người thành niên, và cũng bằng việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhờ đó các Kitô hữu được giáo huấn về ý nghĩa hôn nhân Kitô giáo và về vai trò của người phối ngẫu cũng như của các bậc cha mẹ Kitô giáo (GS 47; GS 52);
20 Bằng việc chuẩn bị cá nhân để kết hôn, nhờ đó hai vợ chồng được sẵn sàng hướng đến sự thánh thiện cũng như những bổn phận của bậc sống mới (GS 52);
30 Bằng việc cử hành hôn nhân cách hữu hiệu theo phụng vụ, để minh hoạ rằng hai người phối ngẫu là biểu hiện của mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, và họ tham dự vào mầu nhiệm ấy (SC 19; SC 59; SC 77);
40 Bằng việc giúp đỡ các đôi vợ chồng, để khi trung thành gìn giữ và bảo vệ giao ước hôn nhân, họ biết sống cuộc đời đôi bạn ngày càng thánh thiện và hoàn hảo hơn (LG 41; GS 52; CIO 783).
Điều 1063 liệt kê bốn lãnh vực trách nhiệm dành cho các vị chủ chăn các linh hồn.
Triệt 1 nói các chủ chăn phải giáo dục cộng đoàn qua những hình thức phù hợp với những giai đoạn đời sống khác nhau. Ngài phải thi hành bổn phận này qua việc giảng dạy và huấn giáo thích hợp cho trẻ em, thanh niên và người lớn, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để giải thích ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo, trách nhiệm của đôi vợ chồng cũng như của các bậc cha mẹ để tình trạng hôn nhân được duy trì và phát triển trong tinh thần Kitô giáo. Giáo luật đã không đưa ra những hướng dẫn chi tiết về sự chuẩn bị cho đôi hôn nhân, nghĩa là để trống cho sáng kiến và sự sáng tạo của những người được trao nhiệm vụ của cộng đoàn. Triệt 1 cũng kêu gọi dùng phương tiện truyền thông xã hội (xem thêm điều 747 §1; 761) trong mục vụ chuẩn bị hôn nhân. Các chủ chăn phải sử dụng bất cứ phương tiện gì có sẵn để thăng tiến sự hiểu biết của hôn nhân Kitô giáo, trách nhiệm của đôi vợ chồng và những giá trị của việc làm cha mẹ. Đức Phaolô VI nhấn mạnh rằng: “Giáo Hội sẽ cảm thấy mình có lỗi trước Thiên Chúa khi nếu không sử dụng những phương tiện mạnh mẽ này”[2] để dạy dỗ cho giáo dân biết về những giá trị của hôn nhân và đời sống gia đình.
Triệt 2 nói đến việc chuẩn bị ở mức độ cá nhân. Chủ chăn không chỉ có bổn phận chuẩn bị cho đôi hôn nhân về lý thuyết mà còn ở khía cạnh mục vụ, giúp họ hiểu biết về sự thánh thiện của bậc sống mà họ chọn lựa và trách nhiệm họ phải đảm đương. Cộng đoàn phải tổ chức những khóa học và hội thảo dành cho những Kitô hữu trưởng thành để họ hiểu biết sâu xa hơn về ơn gọi hôn nhân Kitô giáo.
Triệt 3 khẳng định rằng phải có cử hành phụng vụ hôn nhân hiệu quả mang lại ý nghĩa thật sự của hôn nhân Kitô giáo. Giáo luật kêu mời các chủ chăn sử dụng chính cử hành lễ cưới như là dịp giáo huấn cho đôi hôn phối cũng như những người hiện diện về mầu nhiệm kết hiệp và tình yêu phát sinh hoa trái của Đức Kitô dành cho Giáo Hội mình mà chính đôi hôn phối tượng trưng cũng như sẻ chia ý nghĩa đó.
Triệt 4, Giáo Luật nói về sự hỗ trợ thường xuyên dành cho đôi hôn phối. Giáo luật cũng không quên những người đã kết hôn, vì họ cần được tiếp tục chăm sóc mục vụ để duy trì ơn gọi của mình, giúp họ sống ơn gọi ấy cách hiệu quả hơn. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong 5 năm đầu của đời sống hôn nhân khi họ phải thích ứng với những bổn phận mới như là những người đã có gia đình và nhưng những bậc cha mẹ tiềm năng.
Phần dẫn nhập cho điều khoản này đã nhấn mạnh rằng các chủ chăn không chỉ có bổn phận mà thôi nhưng đó là “obligatione tenentur”, một bổn phận bắt buộc. “Cứ thấy câu obligatione tenentur được sử dụng ở nơi nào đó trong Bộ Giáo Luật thì chúng ta biết rằng đó là một bổn phận nghiêm trọng mà Giáo Hội hy vọng phải được gìn giữ”.[3] Rủi thay, bổn phận buộc này không được nhìn nhận đúng mức và Giáo Hội không có chế tài. Điều này có nghĩa là Giáo Hội chỉ có thể trông cậy vào “thiện chí” của các chủ chăn.
Bổn phận này không chỉ giới hạn nơi các chủ chăn. Điều khoản này đề cập đến “propria ecclessiastica communitas” (cộng đoàn Giáo Hội riêng của mình) cũng có trách nhiệm. Nó buộc các chủ chăn phải lo sao cho cộng đoàn của riêng mình biết trợ giúp các đôi hôn phối. Vì thế, Giáo Luật khẳng định trách nhiệm chính là ở các chủ chăn nhưng cộng đoàn cũng có trách nhiệm giúp đỡ và đóng góp vào sự thành công của tiến trình chuẩn bị hôn nhân.
II. Tài liệu “Preparation for the sacrament of marriage” (1996) của Hội đồng Giáo hoàng về gia đình.
Những quy tắc được quy định trong điều 1063 là hiện thân của chương trình mục vụ cụ thể được Đức Gioan Phaolô II đề nghị: “Việc chuẩn bị hôn nhân phải được xem xét và thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục. Nó gồm ba giai đoạn chính: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước bí tích”.[4] Chuẩn bị xa và gần là huấn giáo và dạy giáo lý về hôn nhân (c.1063 §1); chuẩn bị liền là những chuẩn bị đặc biệt dành cho những đôi bạn sắp kết hôn (c.1063 §2).
Chuẩn bị xa bắt đầu từ thời thơ ấu trong gia đình. Chuẩn bị gần bắt đầu ở lứa tuổi thích hợp với giáo lý phù hợp. Chuẩn bị liền dành cho những đôi bạn sắp kết hôn, một vài tháng hay vài tuần trước khi cử hành lễ cưới cũng như công việc điều tra được quy định ở điều 1067.[5]
- Chuẩn bị xa (c.1063 §1).
Đây là gian đoạn chuẩn bị sớm bằng nhiều cách để con người sẵn sàng kết hôn sau này trong cuộc sống. Điều 1063 §1 nhấn mạnh rằng các bài giảng và dạy giáo lý thích hợp cho nhi đồng và thanh niên cho thấy chủ chăn phải cho lứa tuổi này bắt đầu hiểu biết về những giá trị luân lý và Kitô giáo của hôn nhân.
Hẳn nhiên, việc chuẩn bị xa xảy ra trong gia đình, nơi đứa trẻ nhìn thấy cha mẹ và các thành viên gần trong gia đình mình đối xử, tương tác với nhau như thế nào và như những miếng bọt biển, trẻ con ngấm lấy gần như mọi điều chung quanh mình. Đức Gioan Phaolô II trong Thư gởi các gia đình, (1994), số 16, đã nói: “Cha mẹ sinh thành là những nhà giáo dục trước tiên và chính của con cái họ, cha mẹ đã có được thẩm quyền căn bản trong lãnh vực này: họ là nhà giáo dục vì là cha mẹ”. Những ràng buộc này càng trở nên mạnh mẽ khi gia đình là “Giáo hội tại gia” và là trường học đầu tiên cho con trẻ học biết những giá trị và nguyên tắc Kitô giáo. Giáo luật điều 1136 cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm này: “Các bậc cha mẹ có nghĩa vụ rất nặng nề và có quyền ưu tiên chăm lo giáo dục con cái hết sức mình vừa về phương diện thể lý, xã hội và văn hoá, vừa về phương diện luân lý và tôn giáo (LG 11; GE 3; GE 6; GS 48; CIS 1113; CIO 627)”.
Bên cạnh gia đình, giáo xứ cũng có trách nhiệm vì đây là nơi chốn giáo dục đầu tiên cho các tín hữu và vì thế đóng một vai trò cơ bản trong việc chuẩn bị hôn nhân xa cho người trẻ. Trong giáo xứ, “Tiến trình giáo dục phải là trọng tâm của các giáo lý viên, những hoạt náo viên chăm sóc mục vụ giới trẻ và ơn gọi, và trên hết là các cha sở phải lợi dụng các bài giảng trong những cử hành phụng vụ và những hình thức Phúc âm hóa khác, những cuộc gặp gỡ cá nhân, những cách dấn thân Kitô giáo khác, để nhấn mạnh đến những quan điểm đóng góp cho việc chuẩn bị hôn nhân”[6]
- Chuẩn bị gần (c. 1063 §1)
Chuẩn bị gần bổ túc cho chuẩn bị xa và đan xen với những dự kiến của điều khoản 1063 §2 xảy ra khi một người tiến đến tuổi trưởng thành và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc chọn một người bạn đời. Giai đoạn này có thể gồm cả thời kỳ đính hôn. Chuẩn bị hôn nhân không thể bỏ qua giai đoạn quyết định này, rất quan trọng bởi lúc này người trẻ đã có thể nhìn thấy được thực tế của cuộc sống.
“Giai đoạn chuẩn bị gần thường trùng với thời trẻ tuổi vì vậy nó gồm những gì liên quan đến chăm sóc mục vụ cho giới trẻ cũng như những gì liên hệ với sự tăng trưởng toàn diện cho người tín hữu. Chăm sóc mục vụ cho giới trẻ không tách rời khỏi khuôn khổ gia đình dường như là người trẻ tạo nên một “giai cấp xã hội” độc lập và riêng biệt. Nó sẽ củng cố cho ý thức xã hội của người trẻ, trước tiên là đối với những thành viên trong chính gia đình mình, và hướng những giá trị của mình về gia đình mà mình sẽ có trong tương lai. Người trẻ cần phải được giúp đỡ để phân định ơn gọi của mình bằng những nỗ lực cá nhân và với sự giúp đỡ của cộng đoàn và trên hết là các vị chủ chăn. Sự phân định này phải được thực hiện trước bất kỳ cam kết nào để đính hôn. Một khi ơn gọi hôn nhân đã rõ ràng, nó sẽ được nâng đỡ trước hết bằng ân sủng và rồi sau đó là sự chuẩn bị thích đáng.”[7]
Nhằm thực hiện sự chuẩn bị đa diện này, Hội đồng giáo hoàng về gia đình (PCF) khuyên nên thành lập những nhóm huấn luyện ở những trình độ khác nhau (cấp giáo phận, giáo hạt hay giáo xứ) và họ phải được huấn luyện thích hợp cũng như ý thức được rằng mình được Giáo Hội sai đi. “Nhóm này đặc biệt gồm các đôi vợ chồng Kitô giáo đã kết hôn, các chuyên viên về y khoa, luật, tâm lý, cùng với một linh mục chuẩn bị cho họ những vai trò mà họ sẽ đảm nhận.”[8]
- Chuẩn bị liền (c. 1063 §2)
Đây là giai đoạn chuẩn bị cho đôi hôn nhân “chuẩn bị cá nhân để kết hôn, nhờ đó hai vợ chồng được sẵn sàng hướng đến sự thánh thiện cũng như những bổn phận của bậc sống mới”. Mục tiêu của chuẩn bị liền này bao gồm: “a) Tổng hợp những hướng dẫn trước đây, đặc biệt là về giáo lý, luân lý và hướng dẫn thiêng liêng nhằm bổ túc cho những thiếu sót có thể xảy ra trong quá trình huấn luyện cơ bản; b) làm sống lại những kinh nghiệm cầu nguyện (những cuộc tĩnh tâm, linh thao dành riêng cho các đôi sắp kết hôn) mà trong đó sự gặp gỡ với Thiên Chúa có thể giúp khám phá chiều sâu cũng như vẻ đẹp của đời sống siêu nhiên; c) sự chuẩn bị phụng vụ thích hợp nhắm đến sự tham dự tích cực của đôi hôn phối, đặc biệt chú ý đến bí tích hòa giải; d) những cuộc gặp gỡ với cha sở theo như giáo luật dự kiến để mọi người có thể hiểu biết nhau hơn.”[9]
- Cử hành phụng vụ (c. 1063 §3)
Trong giai đoạn chuẩn bị gần, phải tìm những dịp thích hợp để hướng dẫn bước đầu cho đôi tân hôn về lễ cưới, “giúp họ hai người phối ngẫu là biểu hiện của mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, và họ tham dự vào mầu nhiệm ấy”. Ngoài giáo lý về hôn nhân và gia đình, đào sâu những bổn phận luân lý, đồng thời “đôi hôn phối cũng phải được hướng dẫn để có thể tham dự cách có ý thức và tích cực vào cử hành hôn lễ, bao gồm những ý nghĩa của các cử chỉ và các bản văn phụng vụ.”[10]
Cả giáo xứ hay cộng đoàn địa phương cũng nên tham dự vào cử hành lễ cưới để nó không phải là cử hành tập trung vào gia đình hay bạn bè của đôi tân hôn. Cử hành lễ cưới không phải là một hoạt động riêng tư mà là biến cố của cộng đoàn. Giáo luật điều 837 §1 nói rằng: “Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của chính Giáo Hội là “bí tích hiệp nhất”, nghĩa là đoàn dân thánh được tập hợp và điều hành dưới quyền Giám Mục, vì thế, các hoạt động phụng vụ liên quan đến toàn thể thân mình của Giáo Hội, biểu lộ và tác động đến thân mình ấy, nhưng các hoạt động ấy liên hệ với mỗi chi thể của thân thể ấy một cách khác nhau, tuỳ theo sự khác biệt của chức vị, của nhiệm vụ và của việc tham dự hữu hiệu (SC 26-32).” Chính vì thế mà nếu không có lý do gì nghiêm trọng thì lễ cưới phải được cử hành với sự hiện diện tích cực của các tín hữu (c. 837 §2) .
“Đọc Lời Chúa được giao cho các đọc viên thích hợp và được chuẩn bị. Họ có thể được chọn trong số những người hiện diện, đặc biệt là các nhân chứng, thành viên trong gia đình, bạn bè, nhưng dường như không phù hợp khi cô dâu chú rể là đọc viên. Thật sự, chính họ mới là những người nhận đầu tiên Lời Chúa. Tuy nhiên, việc chọn lựa các bài đọc cần có sự đồng ý của đôi hôn phối trong giai đoạn chuẩn bị liền. Bằng cách này, họ sẽ dễ dàng mang lấy Lời Chúa trong tâm trí để đem ra thực hành.”[11]
“Bài giảng là bắt buộc, đặt trọng tâm trình bày “mầu nhiệm cao cả” được cử hành trước Thiên Chúa, Giáo Hội và xã hội. “Thánh Phaolô sử dụng một câu ngắn gọn khi nói về đời sống gia đình: mầu nhiệm này thật là cao cả (Ep 5,32; Thư Đức Gioan Phaolô II gởi các gia đình Gratissimam Sane, (1994), 19)”…. Cần tránh mọi đề cập không cần thiết đến đôi tân hôn.”[12] Nếu cử hành trong thánh lễ, lễ vật có thể được chính đôi tân hôn mang lên bàn thờ. Lời nguyện tín hữu không nên quá dài hay thiếu nội dung cụ thể. Và nếu thích hợp, có thể cho rước lễ dưới hai hình”[13]
Lời chúc lành trọng thể cuối thánh lễ cũng có một tầm quan trọng, nhắc nhớ về ân huệ Chúa Thánh Thần được cầu xin trong thánh lễ hôn phối. “Nhờ ân huệ này, đôi hôn phối trở nên thường xuyên hòa hợp lẫn nhau và đỡ đần nhau cách thiêng liêng khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, cũng như khi gặp khó khăn trong cuộc sống.”[14]
- Chăm sóc mục vụ hậu hôn phối (c. 1063 §4)
Chăm sóc mục vụ chuẩn bị hôn nhân có ba giai đoạn như chúng ta thấy ở trên: giai đoạn chuẩn bị xa, gần và liền. Tuy nhiên, điều 1063 §4 bao gồm cả giai đoạn thứ tư là chăm sóc mục vụ sau khi cử hành hôn phối, hay hậu hôn phối: “Bằng việc giúp đỡ các đôi vợ chồng, để khi trung thành gìn giữ và bảo vệ giao ước hôn nhân, họ biết sống cuộc đời đôi bạn ngày càng thánh thiện và hoàn hảo hơn (LG 41; GS 52; CIO 783).” Như vậy, điều khoản 1063 nhấn mạnh rằng sự tiếp tục hỗ trợ dành cho đôi vợ chồng mới kết hôn có thể ngày từng ngày giúp họ đạt đến đời sốikng gia đình thánh thiện và trọn vẹn hơn. Và “những người có bổn phận cung cấp sự chuẩn bị tiền hôn nhân thì cũng có bổn phận cung cấp sự chăm sóc hậu hôn nhân này”[15]
III. Mẫu hướng dẫn chuẩn bị hôn nhân.
Tiến trình chuẩn bị hôn nhân nhằm giúp đôi bạn hướng đến cử hành hôn nhân bí tích cũng như giúp họ sẵn sàng sống giao ước lâu dài này. Sau đây là tiến trình được thực hiện ở Giáo phận Orlando, có thể được dùng để học hỏi và tùy nghi áp dụng.
A. Phỏng vấn sơ bộ
Bước đầu tiên là gặp gỡ cha sở để bắt đầu lên kế hoạch đám cưới và chuẩn bị cho đời sống hôn nhân. Việc này phải làm trước 6 hay 12 tháng trước ngày cưới và trước khi quyết định bất cứ điều gì hoặc ấn định ngày cưới. Trong cuộc gặp gỡ này, cha sở giải thích chương trình chuẩn bị hôn nhân của giáo xứ hay giáo phận và xem xét các vấn đề sau đây:
- Một hay cả hai dưới tuổi kết hôn;
- Đã mang thai;
- Hiện tại đang sống chung;
- Một người không phải Công Giáo;
- Một hay cả hai đã kết hôn dưới bất kỳ nghi lễ hay hình thức nào;
- Đã kết hôn dân sự và muốn được Giáo Hội Công Giáo công nhận.
- Đánh giá sự sẵn sàng
Cha sở sẽ sử dụng nhiều phương pháp để giúp quyết định sự chín chắn của đôi hôn phối và sự sẵn sàng kết hôn của họ. Bản câu hỏi tiền hôn phối hay những tờ điều tra của giáo phận sẽ được điền vào.
C. Quyết định ngày
Ngày cưới sẽ không được quyết định cho đến khi tiến trình đánh giá (A & B) hoàn tất.
D. Hướng dẫn
Sau khi đã quyết định sẵn sàng, đôi hôn phối quyết định ngày cưới và bắt đầu tiến trình hướng dẫn. Cha sở sẽ cho biết những chuẩn bị cần thiết (Giáo lý hôn nhân, tĩnh tâm, etc.). Học khóa kế hoạch hóa gia đình (nếu có)
E. Những tài liệu đòi hỏi
Trước lễ cưới, phía Công giáo phải xuất trình:
- Các chứng nhận bí tích (Rửa tội, Thêm sức).
- Bản điều tra hôn phối được cha sở và các bên ký tên
- Thư tự do kết hôn có chữ ký của hai nhân chứng hay những hình thức mẫu đơn khác của giáo xứ.
- Chứng thư hoàn tất khóa Chuẩn bị hôn nhân của Giáo phận.
- Giấy đăng ký kết hôn dân sự.
- Giấy chứng tử của vợ/chồng trước hay Giấy tuyên bố hôn nhân vô hiệu của hôn nhân trước.
- Phép chuẩn theo giáo luật (nếu cần).
- Phụng vụ lễ cưới
Đôi tân hôn sẽ lên kế hoạch lễ cưới với cha sở: chọn các bài đọc, thánh ca, và những vấn đề liên quan (hoa, nến, dâng lễ …), lãnh bí tích Hòa giải trước lễ cưới.
Kết
“Vào thời chúng ta, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân và đời sống gia đình càng cần thiết hơn bao giờ hết. Ở một số nước, các gia đình, theo những tập tục cổ truyền vẫn còn giữ được vai trò truyền đạt cho các bạn trẻ những giá trị liên hệ tới đời sống hôn nhân và gia đình, bằng một hệ thống giáo dục hay khai tâm tiệm tiến. Nhưng những thay đổi dồn dập trong lòng hầu hết các xã hội tân tiến đòi hỏi không những chỉ gia đình mà cả xã hội và Hội Thánh đều phải dấn thân vào nỗ lực chuẩn bị tương xứng, để các bạn trẻ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai.”[16]
Gia đình là tế bào của Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội luôn dành sự quan tâm cho các gia đình trẻ. Bắt đầu được nói đến trong Hiến chế mục vụGaudium et Spes, những nét phác thảo được triển khai rõ ràng hơn trong Tông huấnFamiliaris Consortio năm 1981 về vai trò của gia đình trong thế giới hỗn loạn của chúng ta, rồi đến Bộ Giáo Luật 1983 nhấn mạnh hơn đến vai trò của chủ chăn và cả cộng đoàn giáo xứ, được vạch định với nhiều chi tiết hơn trong tài liệu của Hội đồng Giáo hoàng về gia đình: “Chuẩn bị bí tích hôn nhân”(1996) với tiến trình chăm sóc mục vụ chuẩn bị hôn nhân nhấn mạnh đến sự đồng hành suốt đời được phân chia là bốn giai đoạn: xa, gần, liền và hậu hôn nhân (remote, proximate, immediate, and post-marriage preparation stages). Mỗi giai đoạn đều có sự tham gia và trách nhiệm của một tập thể. Điều này có nghĩa là tham gia các giai đoạn không chỉ là trách nhiệm của hàng giáo sĩ mà là của cả cộng đoàn gồm: cha mẹ, họ hàng, cộng đoàn giáo xứ và nếu có thể được là các chuyên viên đủ mọi lãnh vực như y học, sinh học, nhân học, luật học, xã hội và tâm lý học. Họ cộng tác với nhau để giáo dục cho người trẻ về sự thiêng liêng và thánh thiện của hôn nhân để giúp người trẻ có thể “cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai” trong một thế giới đang thay đổi dồn dập về mọi mặt.
[1] Pontifical Council For The Family (PCF), Preparation for the sacrament of marriage, (1996), số 20.
[2] Paul VI, Ap. Exh. Evangelio Nuntiandi (December 8th, 1975): AAS 68 (1976), 45
[3] Fintan Gavin, Pastoral Care in Marriage Preparation (Can. 1063): History, Analysis of the Norm and Its Implementation by Some Particular Churches, Gregorian Biblical BookShop, 2004, tr. 96.
[4] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, (1981), số 66
[5] Hội Đồng Giám Mục phải ấn định những quy tắc về việc khảo hạch các đôi bạn, cũng như về việc rao hôn phối và về những phương thế thích hợp khác để thực hiện những cuộc điều tra, những việc đó là cần thiết trước khi cử hành hôn nhân; một khi những quy tắc ấy đã được tuân giữ cẩn thận, cha sở có thể tiến hành việc chứng hôn (CIS 1022 ; CIO 784).
[6] Pontifical Council For The Family (PCF), Preparation for the sacrament of marriage, (1996), số 30.
[7] Pontifical Council For The Family (PCF), Preparation for the sacrament of marriage, (1996), số 33.
[8] Pontifical Council For The Family (PCF), Ibid., số 42.
[9] Pontifical Council For The Family (PCF), Ibid., số 50.
[10] Pontifical Council For The Family (PCF), Ibid., số 52.
[11] Pontifical Council For The Family (PCF), Ibid., số 68.
[12] Pontifical Council For The Family (PCF), Ibid., số 69.
[13] Pontifical Council For The Family (PCF), Ibid., số 70.
[14] Pontifical Council For The Family (PCF), Ibid., số 72.
[15] Fintan Gavin, Pastoral Care in Marriage Preparation (Can. 1063): History, Analysis of the Norm and Its Implementation by Some Particular Churches, Gregorian Biblical BookShop, 2004, tr.115
[16] Tông Huấn Familiaris Consortio, số 66
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn: https://gpquinhon.org/