Các phái đoàn tham dự gồm các đại diện của 17 Hội đồng Giám mục và 2 Thánh Hội đồng Giám mục, đại diện cho 29 quốc gia thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC).
Các đại biểu gồm 6 Hồng y, 5 Tổng Giám mục, 18 Giám mục, 28 Linh mục, 4 nữ tu và 19 giáo dân; có 3 đại biểu đến từ Việt Nam.
Giáo hội như căn lều
Hành trình Thượng Hội đồng được xem như thời gian ân sủng và chữa lành cho Giáo hội. Hình ảnh “Giáo hội như căn lều” cho thấy Giáo hội “là một nơi ẩn náu có thể mở rộng cho tất cả mọi người trên tinh thần hòa nhập. Nó cũng bày tỏ rằng Thiên Chúa có thể dựng lều của Người ở bất cứ nơi nào Thánh Thần của Thiên Chúa thổi đến, kể cả những nơi bạo lực, bất ổn và đau khổ. Quan trọng nhất, trong lều, có chỗ cho tất cả mọi người; không ai bị loại trừ, vì đó là ngôi nhà của mọi người.” “Hình ảnh chiếc lều cũng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã dựng lều giữa chúng ta qua việc nhập thể, và do đó lều cũng là nơi gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.”
Một tài liệu dự thảo làm khuôn khổ cho khoá họp và một tài liệu làm việc chưa có phần kết đã được soạn thảo để giúp các đại biểu cùng nhau hành trình qua cầu nguyện để phân định, thảo luận và xem xét.
Những đề tài được chia sẻ
Trong ba ngày tới, các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm về Niềm vui, Cùng nhau đồng hành, Kinh nghiệm về những vết thương và Lời kêu gọi đón nhận những con đường mới. Họ cũng sẽ tập trung vào những căng thẳng đang làm tổn thương Châu Á - vấn đề sống tinh thần hiệp hành, đưa ra quyết định, ơn gọi linh mục, giới trẻ, người nghèo, xung đột tôn giáo và chủ nghĩa giáo sĩ.
Bản thảo của tài liệu chung kết cũng sẽ được chia sẻ để các tham dự viên bày tỏ suy nghĩ của mình.
Thánh lễ Khai mạc, cầu xin Chúa Thánh Thần, sẽ được Đức Tổng Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi, Tổng Giám mục Tokyo, và Tổng Thư ký của FABC chủ sự vào sáng thứ Sáu 24/2/2023. (CSR_822_2023)
Hồng Thủy - Vatican News