Gõ Cửa Hiệp Hành | Thượng Hội đồng - Hiệp hành là gì?

 

Tính hiệp hành, tiếng Ý gọi là sinodalità, tiếng Anh là synodality. Danh từ “hiệp hành” đến từ chữ Hy Lạp “συνόδός” (syn-odos) có nghĩa là “cùng nẻo đường” hay “cùng đi, cùng bước”. Áp dụng vào Giáo hội, từ này chỉ con đường trên đó dân Thiên Chúa cùng đi; nó cũng ám chỉ Chúa Giêsu, Đấng tự giới thiệu mình là “đường, là sự thật và sự sống” (Ga 14,6), vì thế các Kitô-hữu thuở ban đầu cũng được gọi là “những người đi theo ĐƯỜNG” (Cv 9,2), hay theo ĐẠO. “Hiệp hành” (tiếng Ý: camminare insieme, tiếng Anh: walking together) nhằm ngụ ý tiến trình dân Thiên Chúa cùng đi với nhau, và có Chúa đi cùng (giống như chúng ta thấy trong logo Thượng Hội Đồng).

Vậy thì nên dịch tính từ “synodal” là hiệp hành hay đồng nghị? Thật ra hai từ này giống nhau trong tiếng Hy-Lạp, nhưng “hiệp hành” {cùng đi} thì bao quát hơn; và “đồng nghị” {cùng nghị bàn} chỉ là một nét của “hiệp hành”. Lý do có chút lúng túng về thuật ngữ là vì, vào các thế kỷ đầu, Giáo hội cũng dùng từ "hiệp hành" (synod) để gọi tên các “công nghị” của các chức sắc để phân định các vấn đề thuộc tín lý, phụng vụ, giáo luật và mục vụ dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Tiếng Latinh thì dịch là “concilium” {công đồng}, đến từ chữ “cùng-triệu tập” (cum-calare). Tuy nhiên quyền “bàn bạc và biểu quyết” (deliberative vote) trong các công nghị và công đồng chỉ dành cho các chức sắc hay giáo sĩ, vì thế Giáo hội ngày nay muốn mở rộng “quyền bàn bạc” cho các tín hữu dưới hình thức “tham vấn {hỏi} ý kiến” (consultative vote) trước khi diễn ra công nghị chính thức (x. Tài liệu Hiệp hành, số 68). Đến Giáo luật 1983 thì dùng cả hai từ với 2 nghĩa khác biệt: Từ “công đồng” (council) để chỉ các “Công đồng giáo tỉnh” và “Công đồng chung”; còn từ “công nghị” (synod) thì dùng để gọi các “công nghị giáo phận” và “Thượng Hội đồng Giám mục”.

Thượng Hội đồng Giám mục (episcopal synod) là một tổ chức thường trực do Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập ngày 15 tháng 9 năm 1965, để đáp ứng mong muốn của các Nghị phụ của Công đồng Vatican II tiếp tục kéo dài tinh thần hợp tác giữa các Giám mục vốn phát sinh từ kinh nghiệm Công đồng, và cũng là để giúp đỡ Đức Thánh Cha trong việc điều hành Giáo hội hoàn vũ bằng cách đưa ra các ý kiến tham vấn trong việc bảo toàn và thăng tiến đức tin và phong hoá, trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo Hội, và cũng để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo Hội trong thế giới (GL 342).

Ngoài các kỳ họp, THĐGM duy trì một ban thư ký thường trực có trụ sở tại Rôma nhưng không phải là một tổ chức riêng biệt, không được trao các năng quyền cụ thể như của các Thánh bộ hay các ủy ban của Giáo triều. Bù lại, Thượng Hội đồng lại có đầy đủ năng quyền để bàn thảo bất kỳ chủ đề nào theo như tiến trình mà Đức Thánh Cha thiết lập trong thư triệu tập. THĐGM trực thuộc duy nhất vào Đức Thánh Cha.

Mỗi khi các lời khuyên hoặc các quyết định của một kỳ họp Thượng Hội đồng được Đức Thánh Cha chấp nhận, thì tác vụ hiệp đoàn của các giám mục có giá trị gần giống nhưng không ngang bằng với hoạt động hiệp đoàn ở một Công đồng chung.

Các hình thức Thượng hội đồng Giám mục thường tổ chức với thời gian kéo dài, bao gồm ba loại: Thứ nhất là THĐGM thường kỳ được tổ chức ba năm một lần để bàn về một chủ đề quan trọng liên quan đến toàn thể Giáo hội toàn cầu. Hình thức thứ hai là THĐGM ngoại thường được triệu tập nhằm xử lý các vấn đề khẩn cấp trong Giáo hội, do Đức giáo hoàng triệu tập tùy theo hoàn cảnh đòi hỏi. Hình thức thứ ba cũng là THĐ ngoại thường nhưng ở cấp độ châu lục, nhằm thảo luận về những vấn đề liên quan trực tiếp đến một châu lục hay một quốc gia, một vùng miền.

Vatican News Tiếng Việt

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê