Đường một chiều

Chắc hẳn đã có lần chúng ta nhìn thấy dấu đi đường này:

duong-nguoc-chieu.jpg

Đó là dấu cho biết: Trên con đường này, chỉ lưu thông một chiều, tất nhiên là không được đi ngược lại.

Nghĩ về dấu hiệu này, tôi suy ngẫm về con đường đời.

Có những người nằm trên giường bệnh, trong cơn hấp hối, biết cuộc sống mình sắp kết thúc, mỉm cười bình an vì đã sống hết tâm với cuộc đời.

Nhưng, cũng có những sắp lìa đời mới ngộ ra con đường họ đã đi qua sắp kết thúc nhưng còn nhiều dở dang, chưa thể hoàn tất được.

Cuộc đời mà mỗi người đã đi qua không còn trở lại, mọi lời nói hành vi đã trao đi không thể thu hồi lại, tuổi xuân không thể quay trở lại, thời gian không bao giờ trở lại và….

Ước gì thời gian quay trở lại!!!

Người ta hối tiếc vì đã chưa đi trọn con đường đời mình: khi chưa dành chút thời gian cho cha mẹ già ngày đêm mong ngóng một lần con cháu viếng thăm, giúp đỡ; khi đã bỏ lỡ những việc tử tế, đã vô tình đi qua mà chưa kịp bày tỏ một cử chỉ yêu thương đối với những người thân yêu, con cái, anh chị em, bạn bè hay người lân cận; khi khăng khăng giữ lòng thù hận, không thể bỏ qua lầm lỗi của người khác xúc phạm đến mình; khi không thể can đảm nói lời bác ái với nhau; khi không dành thời giờ để ngắm một bông hoa đang nở tươi dưới ánh bình minh; khi không biết chọn một không gian nên thơ yên tĩnh dưới ánh trăng thanh cùng bạn bè đùa vui, tâm sự; khi không đủ lặng để nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách; khi chưa kịp thực hiện một lời hứa, chưa kịp làm… rất rất nhiều những điều mà giờ đây có hối tiếc e đã muộn màng.

Vậy đó, con đường đời của mỗi người là đường một chiều, vì chỉ có một hướng đi tới, nếu định hướng đúng, chắc chắn sẽ đến đích. Nhưng đi như thế nào để an toàn và đạt đến đích mỹ mãn?

Thánh Tôma thưa với Chúa Giêsu[1]: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”. Chúa Giêsu đáp: “Thầy là con đường, là Sự thật và là sự sống”.

Chính Chúa Giêsu là Đường và Ngài đã đi trên con đường của hy sinh, yêu thương, phục vụ và tha thứ – đó là con đường một chiều mà chính Thiên Chúa đi. Suốt hành trình làm người dương thế, Ngài yêu thương hết mọi người, nhất là những người đau ốm bệnh tật, nghèo khổ, cô thế cô thân. Ngài đã hạ mình phục vụ mọi người và không ngại cúi xuống rửa chân cho các môn sinh. Trên Thập giá, khi sắp trút hơi thở cuối đời, trong cơn đau đớn và buồn khổ nhất, Ngài đã tha thứ cho kẻ đã giết mình.

Nhiều vị Thánh đã đi theo con đường của Thầy Giêsu, đã noi gương Ngài để sống yêu thương và tha thứ như thánh Stêphanô[2], thánh nữ Maria Goretti và rất nhiều thánh nhân khác nữa…

Chúa Giêsu vẫn tha thiết mời gọi mọi người đi trên Đường một chiều ấy: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả” [3]. Sống yêu thương như Chúa chính là yêu không tính toán, yêu kẻ khó ưa, kẻ phản nghịch và nhất là yêu cả kẻ thù – khó lắm đó, nhưng không phải là không thể. Yêu như Chúa là tình yêu nhưng không, sẵn sàng quảng đại dấn thân phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh không mong được đền đáp. Tình yêu đạt đến đỉnh cao khi sống tha thứ như Thầy GiêsuĐường một chiều là thế đó, vì đôi khi người xúc phạm hay làm tổn thương ta không nhận ra sai lỗi của họ và cũng không muốn làm hòa với ta.

Tạ ơn Chúa, trong cơn đại dịch Covid vừa qua, có những chứng nhân đã viết tiếp trang tình sử của Thầy Giêsu, có rất nhiều “những người bình thường đã sống với con tim và tâm hồn vĩ đại”, dám dấn thân, dám hy sinh, chia sẻ và trao ban, bước đi trên con đường yêu thương – Con đường một chiều đầy ý nghĩa.

Trên đường đời hôm nay, nếu ai đang bước theo sát Thầy Giêsu với thập giá trên vai, đang bước đi trên con đường của yêu thương, hy sinh, phục vụ và tha thứ, xin cứ thẳng tiến, vì đó là con đường một chiều chính xác nhất dẫn chúng ta đến cùng đích cuộc đời. Đường một chiều – Đường Thập Giá – Con đường của yêu thương, tha thứ, dâng hiến vì Tình Yêu.

Mùa Dâng Hiến – Hè 2023

Nt. Maria MTG Huế

Nguồn: tonggiaophanhue

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê