Bảo vệ môi trường theo khía cạnh Thánh Kinh

bao-ve-moi-truong-theo-khia-canh-kinh-thanh.jpg

Khi còn nhỏ, tôi thường hát:

“Trái đất này là của chúng mình
Quả bóng xanh bay giữa trời xanh
Bồ câu ơi tiếng chim gù thương mến
Hải âu ơi cánh chim vờn trên sóng.
Cùng bay nào, cho trái đất quay…”

Khi lớn lên làm linh mục, tại một giáo xứ nọ, tôi thường hay nói đùa với mọi người: muốn đến thăm giáo xứ, phải đi qua bốn cửa tử rồi mới đến được cửa sinh. Nghĩa là phải qua bốn nghĩa trang và cả chục bãi rác bẩn thỉu rồi mới đến cổng nhà thờ. Kinh nghiệm tồi tệ đó mời gọi tôi phải có trách nhiệm hướng dẫn cộng đoàn về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường sống. Cần phải bảo vệ Mẹ Trái Đất đang kêu cứu trước sự tàn phá của con người.

Ngày nay, trên thực tế, dường như có một sự mâu thuẫn ở chính nội tại con người. Chấp nhận bỏ hàng nghìn tỉ đô-la Mỹ để bay vào vũ trụ, đi tìm môi trường sống mới. Trong khi đó, sự sống trên trái đất đang bị tàn phá thì lại chẳng có mấy ai quan tâm. Cố gắng đi tìm nguồn nước trên bề mặt các hành tinh ngoài trái đất, nhưng nguồn nước có sẵn trên trái đất lại bị con người làm cho ô nhiễm. Một mặt, cố gắng đi tìm sự sống ngoài trái đất, nhưng đồng thời lại hủy hoại sự sống của đồng loại và tận diệt môi trường sống của động, thực vật quanh mình.

Ai cũng thích ăn sạch, ở sạch, sống sạch. Nhưng các loại thực phẩm hầu như được chế biến qua các khâu rất bẩn. Từ nông phẩm thô cho đến các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe như dược phẩm chữa bệnh cũng đều bị nhiễm các chất độc hại. Môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề. Từ không khí, nguồn nước, tiếng ồn công nghiệp, khí thải từ các động cơ, các nhà máy xí nghiệp, các cơ sở sản xuất… Công nghiệp hiện đại càng phát triển, thì chất lượng môi trường sống càng thấp, sức khỏe kém đi. Các loại bệnh do ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều.

Dưới cái nhìn của Thánh Kinh, chúng ta cần phải đưa ra những định hướng và hành động cụ thể, để mọi kitô hữu hiểu được ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng vũ trụ. Và từ đó khơi lên nơi mỗi người ý thức và khát vọng bảo vệ môi trường.

Thiên nhiên là công trình kỳ diệu của Thiên Chúa sáng tạo. Chính Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự và khi nhìn vào công trình ấy, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Và Ngài đã đặt con người lên chóp đỉnh của sự tốt đẹp đó (St 1,26). Thật vậy, con người vừa là hình ảnh của Thiên Chúa, vừa là chủ công trình tay Chúa sáng tạo, cho nên con người phải có trách nhiệm về toàn thể công trình tạo dựng, có trách nhiệm làm cho các loài thụ tạo được phát triển hài hòa. “Thiên Chúa ban phúc lành cho con người, và phán với họ: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28).

Con người, vì được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, có khả năng đi vào sự hiệp thông với Ngài, nghĩa là có khả năng đối thoại với Đấng Tạo Hóa của mình. Chính khi con người đối thoại với Đấng dựng nên mình, con người mới khám phá ra sự thật về chính mình, sự thật về thế giới. Và như thế, con người nhận ra trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ thế giới mà Thiên Chúa đã ban cho (St 3,17-19).

Con người, dù được phú bẩm sự thông minh, nhưng vẫn phải tôn trọng các định luật của tự nhiên. Vì “Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành; Người định nơi cho tất cả đến muôn đời muôn thuở, ban truyền lề luật, luật đó chẳng hề qua” (Tv 148,5b-6). Mặc dù được Thiên Chúa giao phó công việc trông nom toàn thể vũ trụ, nhưng không phải để con người trở thành bạo chúa bá chủ thống trị và gây tai họa cho nhân sinh trên một hành tinh bị biến thành bãi rác. Con người sẽ sử dụng tất cả mọi sự, ngay cả sự sống, để phát triển, trưởng thành và đưa cuộc nhân sinh đến chỗ hoàn tất trước khi trở về với Thiên Chúa.

Khi nhận ra các định luật của tự nhiên được Thiên Chúa sắp đặt, và nhận lấy trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên, con người tôn trọng và bảo vệ mọi sinh vật sống trên mặt đất. “Khi anh (em) thấy lừa hay bò của người anh em mình ngã trên đường, thì đừng bỏ mặc làm ngơ, nhưng phải giúp người anh em đỡ chúng dậy… Nếu trên đường đi, anh (em) gặp một tổ chim, ở trên bất cứ cây nào hay ở dưới đất, trong đó có chim con hoặc trứng, và chim mẹ đang ủ chim con hay ấp trứng, thì anh (em) không được bắt cả mẹ lẫn con” (Đnl 4,6). Cũng theo những dòng này, thì việc nghỉ ngơi vào ngày thứ Bảy không chỉ có ý dành cho con người, mà còn “để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi” (Xh 23,12). Rõ ràng, Kinh Thánh không có chỗ cho chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm tàn bạo không quan tâm gì đến các loài thọ sinh khác.

Con người cần phải biết mình là ai và vị trí của mình trong công trình tạo dựng. Là người quản lý chứ không phải là ông chủ. Tuy nhiên, tội lỗi đã làm đảo lộn trật tự ban đầu. Con người không còn vâng phục Thiên Chúa. Muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa để làm bá chủ muôn loài. Tội lỗi đã làm cho con người trở nên tham lam. Lòng tham đã khiến họ khai thác thiên nhiên một cách thô bạo và biến trái đất này thành một bãi rác khổng lồ, thành một sa mạc khô cằn chết chóc. Đất đai bị nguyền rủa vì con người (St 3,17).

Vì thế, muốn bảo vệ được thiên nhiên và môi trường, muốn lập lại trật tự thuở ban đầu, con người cần phải sám hối và giao hòa với Thiên Chúa. Đây chính là kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ngôi Lời nhập thể. Đức Giê-su Ki-tô đã tái tạo lại những mối quan hệ hài hoà đã bị tội phá vỡ. Nếu chúng ta đã biết giữa con người và thiên nhiên đã xảy ra một sự mất cân bằng, thì cũng phải biết rằng nơi Đức Giê-su, con người và thế giới được hòa giải với Thiên Chúa. “Bởi đó, người nào ở trong Đức Ki-tô, người ấy là thụ tạo mới; cái cũ đã qua, và này cái mới đã đến” (2Cr 5,17). Thiên nhiên đã được tạo dựng trong Ngôi Lời, thì cũng do Ngôi Lời đã làm người ấy mà thiên nhiên được hòa giải với Thiên Chúa và được trả lại ơn bình an (Cl 1,15-20).

Trong thời gian hoạt động công khai, Đức Giê-su đã tận dụng các yếu tố tự nhiên. Không những Người diễn giải về thiên nhiên cách thấu đáo, nói về thiên nhiên bằng hình ảnh và dụ ngôn, mà Người còn làm chủ thiên nhiên nữa (đoạn kể Đức Giê-su dẹp yên bão tố trong Mt 14,22-33; Mc 6,45-52; Ga 6,16-21). Chúa đã bắt thiên nhiên phục vụ kế hoạch cứu độ của Người.

Là những người môn đệ của Chúa Giê-su. Chúng ta được mời gọi dùng sức mạnh của Chúa để chiến thắng tội lỗi và biến đổi thiên nhiên, biến đổi môi trường trở về tình trạng tốt đẹp ban đầu. Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại. Thiên nhiên là người mẹ của tất cả mọi người. Bất kì hành động nào, dù là nhỏ bé đơn sơ nhất nhưng góp phần bảo vệ môi trường, cũng đều là một sự xác tín mạnh mẽ của chúng ta vào Mầu Nhiệm Sáng Tạo. Tôn trọng và chăm sóc thiên nhiên, gìn giữ và bảo vệ môi trường sống chính là lời tuyên xưng đức tin của các Kitô hữu vào Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.

Lm. Giu-se Nguyễn Minh Triệu
Trưởng Uỷ ban Công Lý và Hòa Bình

Trích “Nội san Nhà Chung”, số 2 (tháng 3 năm 2023)

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê