Làm gì để mùa Vọng này không nhàm chán?

mua-vong-de-lam-gì.jpg

Hôm trước ngồi thẩn thơ trước chậu cây kim tiền trên bệ cửa sổ, tôi chợt thấy mấy hạt chanh nằm lăn lóc trong đó đã nảy mầm. Nhưng nhìn kỹ thì nó lại không phải là mầm cây. Tại cái tính thích nghĩ vẩn nghĩ vơ mà tôi chợt nảy ra một ý: “Liệu có phải đó là ‘đạo’ mà Thiên Chúa đã dành cho con người, để chuẩn bị trước cho họ đón nhận Đức Giê-su Ki-tô?”.

Đạo gì mà lại bắt đầu từ hạt chanh? Hẳn bạn sẽ nghĩ như vậy.

Tại tôi thấy trong vũ trụ vạn vật này luôn có một quy luật mà Thiên Chúa đã đặt vào như một thứ “đạo tự nhiên” cho con người. Ví dụ như hạt chanh vô tri kia, trước khi nảy mầm nó đã biết phải nảy rễ. Rễ ấy sẽ len lỏi đi tìm nguồn sống, và khi đã tìm thấy nó sẽ bám chặt vào nguồn sống rồi mới nảy mầm. Cũng thế, một đứa trẻ sơ sinh cũng biết bám vào nguồn sống là người có thể cho chúng dòng sữa, đó là lý do đứa trẻ luôn bám lấy người mẹ.

Đấy chẳng phải là đạo dạy con người ta lên đường tìm kiếm cho mình “nguồn sống” đích thực hay sao? Và khi thấy rồi thì phải đâm rễ và bám chắc lấy nguồn sống ấy. Đạo tự nhiên này dạy con người biết kiếm tìm và bén rễ sâu nơi Thiên Chúa, nếu thực sự nhìn nhận Ngài là “nguồn sống” đích thực và duy nhất. Khi Chúa Giê-su đến, Ngài cũng dạy: “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”(Mt 6,33), và“Thầy là cây nho, anh em là cành, cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,1-4). Như thế,“đạo” của Chúa Giê-su, đã được Thiên Chúa chuẩn bị từ trong “đạo” của tự nhiên, có thể nói như thế được không nhỉ?

Hay khi quan sát dòng nước, tôi thấy ở đó cái đạo của đời sống chung, đón nhận và hoà hợp với mọi người, như các cụ vẫn nói: “ở ống thì dài, mà ở bầu thì tròn”. Hơn nữa, nước cũng chỉ thích chảy vào nơi thấp trũng, hèn kém. Nếu nước có muốn vươn đến những nơi cao, nó sẽ phải huỷ mình, nghĩa là trở thành hơi nước để nhờ mây đưa đến những đỉnh cao ngoài kia. Cái đạo của nước trong tự nhiên, dạy con người luôn khiêm nhường, và nếu có muốn lên “cao” thì phải biết hủy mình đi, bỏ cái tôi đi nhiều hơn. Điều này chẳng phải rất gần với đạo của Đức Giê-su sao? “Hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình. Đừng tự cao tự đại nhưng ham thích những gì hèn mọn” (Rm 12,10.16) và “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và phải phục vụ mọi người” (Mc 9,35).

Mà bạn có để ý là chính Chúa Giê-su cũng rút tỉa từ đạo tự nhiên khi giảng dạy không? Ngài từng nhắc đến hạt cải bé xíu rồi chuyện nắm men giữa thúng bột, chuyện muối ướp với ánh sáng, ngay cả đến chuyện rê lúa hay nhặt cá còn chứa đựng giá trị đạo nghĩa cơ mà nhỉ? Chúa Giê-su luôn làm thần học từ cuộc sống tự nhiên, bình dân mà gần gũi.

Cái này ai chẳng biết, tóm lại là muốn nói gì đây nhỉ?

À! Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu mùa Vọng là thời gian chờ đợi, vậy trong lúc mong chờ Đấng Cứu Thế, hẳn là Thiên Chúa cũng chuẩn bị những điều thú vị, kẻo ta chờ lâu đâm ra chán nản. Bạn có nghĩ điều thú vị mà Thiên Chúa dành cho ta là việc ngắm nhìn và học từ “đạo” tự nhiên không? Không phải Thiên Chúa không nói với chúng ta như đã nói với các tiên tri, chỉ là con người ngày nay không còn “cúi mình” xuống để thấy và để nghe Chúa nói qua thiên nhiên vạn vật thôi.

Hãy học cho được bài học của những hạt giống vô tri để khi Đức Giê-su đến, ta biết phải bám chặt lấy Ngài như là nguồn sống đích thật. Hãy học cho tốt bài học từ dòng nước, để khi Đức Giê-su đến ta có thể đón nhận sự khiêm nhường thẳm sâu của một Thiên Chúa làm người cùng với sự huỷ mình khi sẵn sàng chết trên thập giá; một Thiên Chúa khiêm nhu đến độ tự nguyện trở nên tấm bánh bé nhỏ, làm thương thực thần linh cho con người. Hãy ngắm nhìn quá trình lớn lên của loài bướm để học biết rằng phải qua thập giá mới đến vinh quang, đau khổ trong cuộc đời nếu biết đón nhận lại có thể có giá trị cứu độ nhờ tin tưởng và hy vọng vào Đức Giê-su Ki-tô khi Ngài bước đến cuộc đời của chúng ta.

Chúc bạn một mùa Vọng tràn đầy niềm vui của sự háo hức mong chờ Đấng Thánh đã được loan báo trong ngôn ngữ của thế giới tự nhiên.

Nắng Tháng Ba

Nguồn: tonggiaophanhanoi

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê