Trong bài diễn văn, sau khi bày tỏ vui mừng về các uỷ nhiệm thư đã nhận được và nhờ các tân đại sứ chuyển lời chào đến các nguyên thủ quốc gia, cũng như bảo đảm lời cầu nguyện dành cho họ, Đức Thánh Cha nói đến tình hình hiện nay của thế giới, với các cuộc xung đột và bất ổn ở nhiều nơi như Sudan, Congo, Myanmar, Libăng, Giêrusalem, Haiti và tất nhiên Ucraina, hậu quả là nhiều đau khổ và cái chết cũng như dòng người di cư đông đảo.
Đức Thánh Cha đưa ra một loạt các câu hỏi chất vấn: Khi nào chúng ta mới học được từ lịch sử rằng bạo lực, áp bức và tham vọng chinh phục đất đai không mang lại công ích? Khi nào chúng ta mới biết rằng đầu tư vào phúc lợi của con người luôn tốt hơn là dành nguồn lực cho việc phát triển vũ khí chết người? Khi nào chúng ta học được rằng các vấn đề xã hội, kinh tế và an ninh đều có mối quan hệ với nhau? Khi nào chúng ta mới học được rằng chúng ta là một gia đình nhân loại chỉ có thể thực sự phát triển khi tất cả các thành viên được tôn trọng, chăm sóc và có thể đóng góp những gì độc đáo của riêng họ? Ngài khẳng định nếu không nhận ra điều này chúng ta sẽ tiếp tục phải sống trong cái mà ngài gọi là chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra từng phần.
Mặc dù tình hình thế giới như vậy, nhưng Đức Thánh Cha mời gọi các tân đại sứ luôn có cái nhìn lạc quan rằng nhân loại có khả năng đối diện với những thách đố. Tình hình hiện nay của thế giới càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc đối thoại mang lại hy vọng của các đại sứ.
Về phần Toà Thánh, Đức Thánh Cha nói rằng Toà Thánh luôn cố gắng bảo vệ nhân phẩm bất khả xâm phạm của mỗi người, thúc đẩy công ích và tình huynh đệ giữa các dân tộc. Với vai trò là trung gian, Toà Thánh có thể hỗ trợ tốt hơn trong việc giải quyết các xung đột và các vấn đề khác. Vì thế, Đức Thánh Cha bảo đảm với các tân đại sứ sẽ có nhiều cơ hội để cộng tác với Toà Thánh về các vấn đề cùng quan tâm. (CSR_1909_2023)
Nguồn: vaticannews