ĐTC và các lãnh đạo Kitô giáo cầu nguyện cho hoà bình ở Bắc Ai Len

 

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422--42-.jpeg
'Bức tường hòa bình' đánh dấu kỷ niệm 25 năm Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh  (ANSA)- Ảnh: Vatican Media. 
Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác kêu gọi cầu nguyện và tái dấn thân cho hòa bình được bảo đảm ở Bắc Ai Len theo Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1998, và thừa nhận rằng “những vết thương hở” từ cuộc xung đột vẫn còn tồn tại.

Đức Thánh Cha: vì lợi ích của tất cả mọi người trên đảo Ai Len

Trong buổi đọc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên đàng” vào trưa thứ Hai ngày 10/4/2023 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay đánh dấu kỷ niệm 25 năm sự việc được gọi là ‘Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh’ hay ‘Thỏa thuận Belfast’, chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài hàng thập kỷ đã hoành hành ở Bắc Ai Len. Với tinh thần biết ơn, tôi cầu xin Thiên Chúa của hòa bình để những gì đã đạt được trong quá trình chuyển đổi lịch sử đó có thể được củng cố vì lợi ích của tất cả mọi người trên đảo Ai Len.”

Đức Tổng Giám mục Eamon Martin: mang lại sự hàn gắn và hòa giải

Đức Tổng Giám mục Eamon Martin của Armagh và Giáo chủ toàn Ai Len đã hoan nghênh những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha và nói rằng Đức Thánh Cha đã thể hiện “sự quan tâm sâu sắc” đến tiến trình hòa bình. Đức cha nói: “Khi chúng ta kỷ niệm 25 năm Thỏa thuận Belfast/Thứ Sáu Tuần Thánh hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta nỗ lực gấp đôi trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề đang diễn ra và làm việc nghiêm túc để khôi phục các mối quan hệ ở đây nhằm mang lại sự hàn gắn và hòa giải sâu sắc hơn trên đảo này, và giữa các đảo này.”

Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh 

Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh đã giúp chấm dứt ba thế kỷ bạo lực giáo phái giữa những người theo Tin lành muốn Bắc Ai Len vẫn là một phần của Vương quốc Anh và những người theo chủ nghĩa dân tộc Công giáo muốn nó trở thành một phần của nước cộng hòa Ai Len.

Từ cuối những năm 1960 cho đến khi có Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1998, hơn 3.000 người đã thiệt mạng và hàng chục ngàn người bị thương. Bạo lực giữa lực lượng bán vũ trang Tin lành và Công giáo bắt đầu khi người Công giáo, những người bị loại trừ về mặt pháp lý và xã hội ở Bắc Ai Len, tổ chức các cuộc biểu tình dân quyền và đã bị lực lượng an ninh tấn công. Sau đó là bạo loạn, tấn công bạo lực, đánh bom và các hành động trả đũa khác. Lực lượng cảnh sát ở Bắc Ai Len và quân đội Anh cũng tham gia vào vụ bạo động.

Cuối cùng, Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh do Washington làm trung gian đã được ký kết vào năm 1998 và được thông qua bằng các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức đồng thời tại Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, và đã được các chính phủ ở London và Dublin phê chuẩn.

Thông cáo chung của Đức Tổng Giám mục Martin và Đức Tổng Giám mục John McDowell

Trong một thông cáo chung đề ngày 2/4/2023, Đức Tổng Giám mục Martin và Đức Tổng Giám mục John McDowell của Giáo hội Tin Lành Ai Len kêu gọi Kitô hữu Ai Len tiếp tục tìm kiếm sự thật và hoà giải cũng như thực hiện những hy sinh cần thiết cho hòa bình.

 

Theo Hồng Thủy- Vatican News

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê