Nên thánh - ơn gọi của mọi người
Trong bài diễn văn, trước hết Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ơn gọi nên thánh là ơn gọi phổ quát, điều đã được Công đồng Vatican II nói đến trong Hiến chế Lumen gentium (Ánh sáng muôn dân). Đặc biệt, Đức Thánh Cha lưu ý rằng Giáo hội có các chân phước và các vị thánh thuộc mọi thành phần Dân Chúa (Gaudete et exsultate số 6), gần gũi với chúng ta như những vị thánh “ở bên cạnh” (số 7), sống đức ái hoàn hảo trong những điều bé nhỏ của đời sống hàng ngày.
Sự thánh thiện hiệp nhất
Giải thích về sự thánh thiện hiệp nhất, Đức Thánh Cha nói rằng tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh trước hết trong đức ái, là ơn Chúa Thánh Thần, Đấng hiệp nhất trong Chúa Kitô và với anh em. Do đó, ơn gọi nên thánh không chỉ của cá nhân mà cũng của cộng đoàn. Khi Thiên Chúa gọi một người, luôn là vì thiện ích của tất cả.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Sự thánh thiện hiệp nhất và nhờ lòng bác ái của các thánh, chúng ta có thể biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Đấng ‘hiệp nhất […] với mọi người’ (Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, 22) ôm lấy toàn thể nhân loại trong lòng thương xót của Người, để tất cả có thể nên một (xem Ga 17,22). Thế giới của chúng ta rất cần tìm lại sự hiệp nhất và bình an trong vòng tay này!”.
Sự thánh thiện của gia đình
Điểm thứ hai: sự thánh thiện của gia đình. Điều này rực sáng nhất trong gia đình Thánh Gia Nagiarét. Các đôi vợ chồng thánh thiện, trong đó mỗi người là khí cụ nên thánh cho người khác. Đức Thánh Cha nhắc đến hai thánh Luigi và Zelia Martin, thân sinh của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu; hai chân phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi, vv. Ngài nói rằng: “Sự thánh thiện của các đôi vợ chồng, ngoài việc là sự thánh thiện của hai người riêng biệt, còn là sự thánh thiện chung của đời sống hôn nhân: nhân rộng những ơn cá nhân mà họ chia sẻ với nhau”.
Sự thánh thiện tử đạo
Và cuối cùng, sự thánh thiện của các vị tử đạo. Đức Thánh Cha nhận định đây là một mẫu gương mạnh mẽ mà Giáo hội có rất nhiều trong suốt dòng lịch sử của mình. Đặc biệt thường có “cả cộng đoàn sống Tin Mừng cách anh hùng và hiến dâng mạng sống của mọi thành viên cho Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha nói rằng Giáo hội không bao giờ thiếu các vị tử đạo, ngay cả ngày nay. Ngài đặc biệt nhắc đến bà Asia Bibi, một phụ nữ nông dân Công giáo Pakistan đã bị giam cầm chín năm, bao gồm cả án tử hình vì bị vu cáo tội báng bổ, cho đến khi được tuyên trắng án. Đức Thánh Cha gọi cuộc đời bà là một cuộc tử đạo liên tục. (CSR_4600_2023)
Nguồn: vaticannews