Giáo hội Công giáo Lào ngày nay

GHCG-Lao-ngay-nay.jpeg

Một Giáo hội nhỏ bé nhưng năng động

Đức cha bắt đầu như sau: “Tinh thần truyền giáo, hoạt động loan báo Tin Mừng qua việc đi đến các làng và thăm các gia đình Công giáo, hoặc nói về Chúa Giêsu cho những người chưa biết Chúa, với niềm vui trong tâm hồn nhưng cũng không thiếu mệt mỏi vì phải đi bộ hoặc đi xe máy trong rừng hoặc miền núi, đó là điểm đặc biệt của các Kitô hữu ở Lào, một đất nước nhỏ bé thuộc Đông Nam Á. Khi nghĩ về cuộc sống của mình với tư cách là một người đã được rửa tội, rồi là một linh mục và bây giờ là một giám mục, tôi luôn nghĩ về sứ vụ truyền giáo, năng động, không bao giờ đứng yên, luôn hoạt động để mang Tin Mừng đến với mọi thụ tạo. Ở Lào, chúng tôi không biết làm cách nào khác ngoài cách này. Cuộc sống của chúng tôi là truyền giáo mỗi ngày và trong mọi hoàn cảnh. Đơn giản, ít phương tiện, nhưng lại có niềm vui lớn lao khi được như thế. Theo nghĩa này, tôi có thể nói Giáo hội Lào chúng tôi đang hòa hợp sâu sắc và thực hành tông huấn Evangelii Gaudium-Niềm Vui Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô”.

Theo Đức cha Andrew, nét đặc biệt của “đàn chiên bé nhỏ” tín hữu Lào là ở vùng ngoại vi xa xôi nhất của Giáo hội Công giáo trên thế giới. Mọi người thường phải đối diện với sự cô lập, và mới được thay đổi gần đây nhờ chính sách mở cửa với thế giới bên ngoài của nhà nước, cùng với những khó khăn về giao tiếp vẫn còn tồn tại ở đất nước. Tại một đất nước có 51.000 người Công giáo trong tổng số 7,3 triệu dân và được chia thành bốn Hạt Đại diện Tông tòa: Viêng Chăn, Pakse, Luang Prabang, Savannakhet, trải nghiệm này, trong sự đơn giản và trực tiếp, có một giá trị phổ quát và một mô hình cho tất cả các cộng đoàn Công giáo.

Ơn gọi linh mục

Vị Đại diện Tông tòa kể lại lịch sử ơn gọi của ngài: “Tôi sinh năm 1972 tại thị trấn Pakse, gần nơi ở của Giám mục, trong một gia đình Công giáo. Trước đây cha mẹ tôi đã gặp các nhà truyền giáo và đã được rửa tội. Ông tôi đã giúp đỡ các linh mục người Pháp thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), như chuẩn bị bữa ăn và trong các hoạt động mục vụ. Cha mẹ tôi rất sùng đạo. Mỗi Chúa nhật, chúng tôi đều đi tham dự Thánh lễ và sau đó nói về Lời Chúa. Mẹ tôi luôn hỏi tôi: Cha đã nói gì trong bài giảng? Lời nào trong Tin Mừng còn đọng lại trong tâm hồn con? Chúng tôi còn cầu nguyện ở nhà. Hạt giống đức tin lớn lên trong tôi. Tôi bắt đầu phục vụ bàn thờ, và cùng tháp tùng các linh mục đi đến các ngôi làng để cử hành các bí tích, nói chuyện và thăm các gia đình trong khu vực. Công việc truyền giáo đó thực sự đã truyền cảm hứng nơi tôi. Ơn gọi linh mục của tôi ngày càng thấm nhuần tinh thần truyền giáo: ra đi, gặp gỡ, an ủi, làm điều tốt cho những người nghèo nhất ở xa”.

Đức cha tiếp tục: “Thỉnh thoảng cha xứ hỏi tôi: Ai sẽ tiếp tục công việc này? Và tôi cũng tự hỏi mình điều đó. Lời mời gọi trở thành linh mục của Chúa đã từ từ hiện lên trong tâm hồn tôi, nhưng không rõ ràng lắm. Chắc chắn động lực truyền giáo qua sự dấn thân cho người khác thu hút tôi. Một ngày đẹp trời, linh mục hỏi tôi: Con muốn làm gì? Con muốn giúp đỡ Giáo hội như thế nào? Con muốn trở thành giáo lý viên, giáo viên hay linh mục? Tôi đáp: ‘Dạ con đây’ và chọn bắt đầu theo học ở tiểu chủng viện. Khi khoảng 16 tuổi, tôi đến sống trong nhà của Giám mục. Tôi học, làm việc với các linh mục, chứng kiến cuộc sống của các ngài, và điều đó mang lại cho tôi niềm vui và sự bình an. Đó là những dấu chỉ công việc của Chúa trong tâm hồn tôi. Sau hai năm, khi tốt nghiệp cấp 3, tôi nhận được học bổng của chính phủ để tiếp tục học đại học và dạy tiếng Anh. Việc học của tôi vẫn tiếp tục”.

Đức cha cho biết thêm, cùng lúc đó, ngài đã thấy công việc mục vụ của các linh mục và nữ tu, những người rất ít trong một khu vực rộng lớn. Sau khi tốt nghiệp trung học, Đức cha người Pháp Pierre-Antonio-Jean Bach, nguyên Đại diện Tông tòa Savannakhet, người thường xuyên đến thăm các vị mục tử ở Pakse, đã đề nghị giúp ngài sang Canada để học, hoàn thành việc học để hướng tới chức linh mục.

Đức cha đã theo học triết học và thần học ở Vancouver và sau đó tại Chủng viện Thánh Giuse ở Edmonton. Nhờ sự hỗ trợ tài chính của cộng đoàn Edmonton, Đức cha đã hoàn thành việc học và nói sẽ mãi mãi biết ơn họ vì điều đó. Trong quá trình học, Đức cha đã gặp được những linh mục tốt lành, những người đã truyền cảm hứng cho hành trình ơn gọi sau này.

Sau khi học xong, linh mục tương lai trở về quê hương và ước mong đóng góp nhiều nhất có thể. Năm 2006, thầy phó tế được thụ phong linh mục ở Kamphaeng, tại giáo xứ Thánh Giuse, gần Pakse, nơi có 300 gia đình Công giáo sinh sống. Có các nhà truyền giáo, nữ tu và tín hữu tham dự Thánh lễ. Theo ngài, đó là một lễ kỷ niệm đẹp, một hồng ân tuyệt vời từ Thiên Chúa.

Hoạt động mục vụ

Từ đó, tân linh mục bắt đầu cuộc sống của một linh mục quản xứ. Năm 2006 chỉ có ba linh mục trong hạt đại diện, một trong số đó đã rất lớn tuổi. Các linh mục được giao phó việc chăm sóc những người Công giáo rải rác khắp khu vực, lúc đó có khoảng 17.000 người. Cha được phân công khoảng 10 trạm truyền giáo.

Đức cha kể tiếp: “Tôi đến những ngôi làng nơi có người Công giáo quy tụ lại với nhau, đến cả những nơi khó tiếp cận trên núi hoặc trong rừng. Ở một số nơi có 20 gia đình Công giáo, ở những nơi khác có tới 50 gia đình. Tôi luôn luôn di chuyển! Ngày nay công việc cũng không thay đổi: có 64 trạm truyền giáo trong Hạt đại diện Pakse, đôi khi có những nhà nguyện nhỏ bằng gỗ để thờ phượng. Ở đó, các gia đình bản địa tụ họp để cầu nguyện và nghe Lời Chúa, thường do một giáo lý viên hướng dẫn. Công việc mà tôi thực hiện, trước đây cũng như bây giờ, là cử hành các Bí tích Rửa tội, Thêm sức, Thánh lễ và tiến hành dạy giáo lý với sự cộng tác của các giáo lý viên, trong đó mỗi trạm truyền giáo có một hoặc hai giáo lý viên. Hiện nay các giáo lý viên vẫn rất quan trọng vì họ thường xuyên theo dõi đời sống đạo của người dân ở các làng quê. Họ là điểm tham chiếu liên tục”.

Đức cha Andrew Souksavath Nouane Asa nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của tôi, hôm qua và hôm nay, là dừng lại, lắng nghe và ở bên mọi người. Tôi luôn sống niềm vui phục vụ. Tôi cảm nghiệm được tình cảm, sự ấm áp của con người, lòng hiếu khách, tôi cảm thấy như ở nhà trong mỗi làng quê. Tôi là ai, tại sao họ lại đối xử tử tế và quan tâm với tôi như vậy, tôi tự hỏi. Họ là những người bản địa, những người nông dân, những người ít học nhưng có ánh mắt trong sáng. Những người kiên trì trước khó khăn và tin tưởng vào Thiên Chúa. Những người sống đức tin như kho báu cần được giữ trong lòng, và họ đã làm như vậy, ngay cả trong những khó khăn hay bách hại trong quá khứ”.

Ngài giải thích, cuộc sống của một linh mục quản xứ luôn luôn chuyển động: thờ lạy Thánh Thể, cầu nguyện, cử hành các Bí tích. Dần dần, quyền tự do hoạt động cũng được mở rộng hơn. Hiện nay các linh mục có thể tự do đi lại và chỉ xin phép khi tụ tập đông người, không có khó khăn hay trở ngại nào trong việc phục vụ hàng ngày.

Đức cha giãi bày: “Sau khi trở thành Giám mục, tôi vẫn còn phải học hỏi nhiều điều. Lễ tấn phong Giám mục cũng diễn ra vào Lễ trọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 15/8/2022, tại nhà thờ Thánh Giuse ở làng Kamphaeng, cách thành phố Pakse khoảng 30 km về phía bắc. Đó là giáo xứ nơi tôi đã lớn lên. Các Giám mục Lào và Campuchia đã đến, và vị Đại diện Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam cũng có mặt ở đó. Tôi được Đức Maria che chở. Tôi cảm thấy tôi đã được cộng đoàn đồng hành và hỗ trợ”.

Giáo phận đại diện Tông toà Pakse ngày nay

Ngày nay giáo xứ đã mở rộng bao gồm toàn Giáo phận đại diện Tông toà, trải dài khắp bốn tỉnh hành chính dân sự ở miền nam Lào. Tất cả có 22.000 tín hữu và 10 linh mục đều là người địa phương. Thỉnh thoảng, các nhà truyền giáo từ nước ngoài hoặc từ Viêng Chăn đến thăm và hỗ trợ Giáo hội nhỏ bé. Các dòng nữ như Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn và Dòng Mến Thánh Giá phục vụ trong Hạt đại diện và giúp đỡ các linh mục.

Giáo hội có hơn 100 giáo lý viên, đó là sức mạnh và là hồng ân lớn lao. Nhiều người trẻ sống ở những nơi khác nhau trong khu vực. Bốn giáo xứ đã được thành lập. Và như đã đề cập, có hơn 64 trạm truyền giáo.

Về đời sống linh mục, Đức cha Andew cho biết trong Giáo phận đại diện Tông toà Pakse của ngài, các linh mục sống tình huynh đệ hỗ trợ lẫn nhau và nhận được sự trợ giúp từ phía cộng đoàn. Ơn gọi linh mục có tiến triển: hiện đã có hai phó tế đang chuẩn bị được chịu chức linh mục và 12 chủng sinh trẻ ở Savannakhet. Có một số bạn trẻ đến xin ở lại với phục vụ, Đức cha và các linh mục đón tiếp và đang đồng hành với họ trên hành trình đức tin và ơn gọi.

Đức cha kết luận: “Chúng tôi là một Giáo hội nhỏ sống kinh nghiệm hiệp hành trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi lắng nghe mọi người và do đó củng cố cộng đoàn và giúp cộng đoàn ý thức. Chúa Thánh Thần luôn tỏ mình ra và không ngừng làm chúng ta ngạc nhiên. Thật tốt khi được gặp Chúa và phó thác bản thân cho Người”.

Nguồn: vaticannews

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê