Đối diện với mê tín

doi-dien-voi-me-tin.jpg

Người Mường ở những nơi khác thế nào thì tôi không được rõ, nhưng người Mường ở Lạc Sơn, ngoài những người theo đạo Công giáo, còn lại không ai theo đạo nào. Đó là một lợi thế nhất định để mở rộng công cuộc loan báo Tin Mừng nơi miền đất này. Tuy nhiên, người Mường lại hay mê tín. Tính hay mê tín ấy vừa là trở ngại lớn cho công cuộc Phúc Âm hóa, vừa là lợi thế đáng kể để loan báo Chúa Giê-su, Đấng Cứu Chữa Thế Gian.

Tôi xin kể mấy câu chuyện.

Chuyện thứ nhất: Hồi tết năm ngoái (Nhâm Dần), tôi đi thăm một gia đình trong xóm. Đôi vợ chồng chủ nhà đã hợp thức hóa hôn phối. Chị vợ vẫn đi lễ thường xuyên. Anh chồng vừa bị cấp cứu. Đứa con trai duy nhất vẫn trong trại cai nghiện. Mấy cô con gái đã đi lấy chồng xa. Chị vợ chủ nhà héo hắt như chiếc lá úa. Thăm hỏi động viên xong rồi, tôi ra về. Mồng 4 Tết, anh chồng kia chết. Gia đình không báo, không xin cầu nguyện hay làm bất cứ nghi thức gì. Nghe lời cô con gái mời thầy cúng về làm ma, chi phí cả vài chục triệu, gia đình phải đi vay. Làm ma để con ma khỏi về bắt tiếp người còn sống. Sau chuyện này, chị vợ không đi lễ nữa. Giờ vẫn chưa đến nhà thờ.

Nhưng câu chuyện đáng nói là sau đó một tháng, người em trai của người qua đời kia cũng chết. Gia đình này gốc gác cũng có đạo nhưng đã bỏ. Họ lại mời thầy làm ma to hơn. Chẳng biết ông thầy có đuổi được ma không mà một tháng sau người em út cũng chết nốt. Lần này, cả ba gia đình tập trung mời thầy, tốn cả trăm triệu làm ma (tiền đi vay), may mà chưa nghe lời thầy đào hết mả lên để cho bùa vào!

Chuyện này như một bằng chứng rõ ràng nhất cho người có đạo thấy đuổi ma là chuyện bịa và mời thầy cúng là mê muội.

Chuyện thứ hai: Hồi tháng tám năm ngoái, có anh thợ xây nhà thờ, người xóm Đa, rơi từ đỉnh tường xuống nền bê tông, cạnh cung thánh nhà thờ. Nhưng không chết, mà anh ta cũng chỉ bị thương nhẹ. Khi mọi người đem anh đi cấp cứu, có mấy người đàn bà đến chỗ nền bê tông mà anh ta bị rơi, mồm hú hú, chân tay quờ quạng, kiểu gọi hồn gọi vía. Nghĩ rằng đó chỉ là những thứ vô thưởng vô phạt, lại đang căng thẳng nên tôi lờ đi. Hai tuần sau, mẹ anh, người vẫn thường xuyên đi nhà thờ, báo tin vui là anh đã về nhà và đang bình phục nhanh chóng. Tôi vui mừng, chuẩn bị hôm sau qua nhà thăm anh. Sáng hôm sau, chưa kịp đi thăm thì em thợ hổn hển đập cửa bảo, có thầy đang cúng ở… ngay cung thánh. Tôi lập tức lao ra, ông thầy cùng đám đông người nhà đang bu quanh chiếc chiếu có mấy quả xanh xanh và vài ba nén nhang vừa thắp. Ông thầy lầm rầm khấn vái, khua khua quanh cung thánh. Vậy là chẳng còn nể nang, tôi chỉ thẳng mặt tên thầy cúng, cùng đám con cháu của bà có đạo kia, tức là người thân của người bị ngã, đuổi thẳng… Không những không nhận thấy hành vi sai trái của mình, họ còn cho đó là chính đáng, chửi bới om sòm, tuôn ra những lời khó nghe.

Nghe nói là anh bị ngã kia khi về nhà cứ hay gặp ác mộng, vì thế họ mời thầy để gọi hồn, mà phải là cúng đúng chỗ bị ngã.

Sau khi bị đuổi thẳng thừng mà chưa cúng được chút nào, gia đình và tên thầy cúng tìm cách trả thù bằng cách hỏi tên cha xứ để cúng! Tôi có nhắn lại là có cần tên tuổi của cả cha mẹ cha xứ để cúng cho hiệu nghiệm không? Cho đến giờ ai cũng thấy rõ là họ sai khi cúng ngay giữa nhà thờ và những người có đạo lại càng thấy rõ, cúng chài là chuyện hão huyền.

Chuyện thứ ba: Có ông bà kia, đã già, xin lãnh nhận các bí tích còn thiếu và hợp thức hóa hôn phối. Bà vẫn đi lễ đều. Còn ông rất yếu, chính vì yếu bệnh mà tin Chúa. Chiều thứ Bảy hằng tuần, trên đường đi lễ, tôi vẫn kiệu Mình Thánh Chúa cho ông rước. Rồi ông phải cấp cứu, nằm viện. Ngày ông về cũng là ngày thứ Bảy, như thường lệ tôi mang Mình Thánh Chúa cho ông rước. Vừa đến, thấy nhà đông người, và bà vợ nói luôn: thưa cha hôm nay chồng con không rước lễ được vì vẫn còn yếu. Không rước Mình Thánh Chúa thì mình vào thăm. Khi thăm thấy ngờ ngợ, vì bên cạnh ông có bó nhang. Nghĩ thầm, đã chết đâu mà có nhang thế này. Tôi ra về, tới ngoài cổng thì chú giúp lễ đi cùng bảo: con chắc chắn ông thầy vừa làm thuốc ở đây về (làm thuốc tức là ông thầy cúng chữa bệnh bằng cách làm các nghi thức ma thuật). Vừa buồn vừa bực, tôi liền chia sẻ chuyện này lúc đầu lễ để ngăn ngừa tình trạng tương tự. Sau đó, bà vợ phân bua là đứa con gái lấy chồng xa, báo ơn bố bằng cách bỏ hơn chục triệu mời thầy làm thuốc cho bố. Rồi thì bà vợ ông cũng không đi lễ.

Khi ông lâm cơn hấp hối vô cùng đau đớn, bà vợ đã xin cộng đoàn đến đọc kinh, và đồng ý cho cha đến giải tội và làm phép xức dầu. Nhưng thế nào tôi lại quên mất hai ngày. Đến Chúa nhật, đang ăn trưa, nói chuyện với hai ông trong hội Legio Mariae, tôi mới chợt nhớ đến hẹn xức dầu hai hôm trước. Tôi lập tức gọi điện, mọi người báo là ông đang nguy kịch. Vậy là tôi vội vàng lên đường. Đến tới nơi, tôi rùng mình vì chưa thấy cảnh đau đớn quằn quại như vậy. Người ông phù hết như quả bóng lỏng hơi. Liên tục giãy giụa. Trời lạnh mà phải bỏ hết quần áo vì cái nóng từ trong phát ra. Ông khóc như một đứa trẻ bị đòn. Khi xức dầu, tôi đã cầu xin Chúa cất khỏi ông cái đớn đau cùng cực ấy. Xức dầu xong, tôi lên đồi dâng lễ. Dâng lễ xong, mọi người báo là ông đã ra đi. An nghỉ.

Tôi có thể kể ra bốn, năm hay sáu câu chuyện mê tín như thế nữa… nhưng chỉ ba chuyện này thôi, chúng ta đã có thể hình dung ra được tính mê tín của người Mường sâu như thế nào. Nó là những trở ngại cho việc theo đạo và sống đạo. Nhưng nếu biết tận dụng và kiên nhẫn giải thích, những tính mê tín lại trở thành mảnh đất tốt để loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Cụ thể thế nào, thì cần phải tiếp tục quan sát, nhận định, và thực hành…

Lm. Phao-lô Nguyễn Hữu Hiệp

Trích “Nội san Nhà Chung”, số 3 (tháng 4 năm 2023)

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê