Hội nghị được tổ chức bởi Trung tâm Đức tin và Văn hoá “Alberto Hurtado” và Đại sứ quán Bồ Đào Nha cạnh Toà Thánh, nhằm mục đích đề xuất các cuộc đối thoại theo huấn quyền của Đức Thánh Cha cho các thế hệ Kitô trẻ.
Đức Hồng Y Gambetti nói tại cuộc họp: “Giáo hội phải chào đón những người trẻ như động lực thúc đẩy sự tiến bộ của Giáo hội trong thế giới. Giáo hội phải được những người trẻ thúc đẩy, vì thế phải đón nhận tính mới mẻ nơi họ”.
Lấy từ chủ đề của Đại hội Giới trẻ “Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39), Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng câu Kinh Thánh được Đức Thánh Cha chọn cho cuộc gặp gỡ ở Lisbon gợi lại sự chuyển động và nhanh nhẹn của giới trẻ. Người trẻ không ở yên, luôn vội vàng và nhanh nhẹn, vì thế Giáo hội phải đi ra để gặp gỡ, chào đón và hướng dẫn họ. Vấn đề không phải là những khuyết điểm, nhưng là “tư thế, thể thức” qua đó giới trẻ đã và đang trưởng thành.
Đức Hồng Y Gambetti nhận xét rằng chính toàn cầu hóa đã thúc đẩy những người trẻ hướng tới những phương pháp này, đồng thời nói thêm rằng Giáo hội phải thực hiện một bước theo hướng không ổn định và nhanh chóng này, coi chúng như một giá trị thêm vào để giúp những người trẻ đạt được sự cân bằng.
Ví dụ, theo Đức Hồng Y, sự bất ổn có thể là điểm khởi đầu để Giáo hội cống hiến cho xã hội những chân trời. Thực tế, tính bất ổn đòi hỏi một chuyển động bên trong đưa đến một tác động với thực tế là những chất vấn, mở con tim cho những chuyển động của tinh thần. Và vì thế, bất ổn là một giá trị giúp hiểu rõ hơn những thách đố của xã hội và cố gắng hướng chúng theo chiều hướng tâm linh.
Tiếp đến, cần phải làm cho người trẻ hiểu điều gì dẫn đến sự vội vàng, tình yêu phổ quát hay sự lo lắng. Tìm lại cảm thức vội vàng này là cách làm cho người trẻ thấy mình thanh thản, và để làm được điều này, Giáo hội phải có những bước đi theo đòi hỏi của xã hội.
Về định hướng cho thế giới ngày nay, Đức Hồng Y khẳng định đó là thông điệp Fratelli tutti. Bởi vì xã hội đang chuyển động và đẩy con người đến sự cô lập, nếu chúng ta không coi nhau như anh chị em thì sẽ có khoảng cách giữa mọi người và coi nhau như kẻ thù.
Thông điệp Fratelli tutti là một chỉ dẫn cho một chân trời cuộc sống. Một chân trời mà các chính trị gia cũng phải nhìn đến, bởi vì nếu một chính trị gia không có lòng trắc ẩn, không quan tâm đến người lân cận, thì người này phản bội sứ mạng của mình.
Theo Ngọc Yến- Vatican News