Lễ kỷ niệm được tổ chức trong khuôn khổ Ngày Quốc tế Nạn nhân bị mất tích cưỡng bức, được kỷ niệm vào ngày 30/8 hàng năm.
Trong Luật nhân quyền quốc tế, một sự cưỡng bức mất tích hay bắt buộc mất tích xảy ra khi một người bị nhà nước hoặc tổ chức chính trị, hoặc một bên thứ ba bí mật bắt cóc hoặc giam giữ với sự cho phép hay ủng hộ hoặc chấp nhận của nhà nước hoặc tổ chức chính trị đó, bằng việc từ chối thừa nhận số phận và nơi ở của người đó, với mục đích là đặt nạn nhân ra ngoài sự bảo vệ của pháp luật.
Theo Cơ quan đăng ký của quốc gia về người mất tích và người không xác định được, từ ngày 1/1/1962 đến ngày 28/8/2023, cả nước có 111.068 người mất tích, trong đó bang Jalisco có số người mất tích đứng đầu cả nước với 14.889 người.
Đừng quên những người đang mất tích
Đức Hồng Y Robles khuyến khích thân nhân của những người mất tích hãy lưu giữ ký ức về những người “đang mất tích và đang vắng mặt với chúng ta.” Ngài nói: “Chúng ta không thể nói ‘đã biến mất’, tức là ‘những người đó không còn xuất hiện trên bản đồ nhân loại nữa, không còn được tính đến nữa.’ (...) Chúng ta cần duy trì nhận thức rằng mỗi khuôn mặt trong những bức ảnh mà anh chị em mang đến đều là một người được yêu thương, được chào đón, một người thân yêu, một người đang mất tích giữa lòng gia đình. Họ là một người vắng mặt.”
Quyền được bảo vệ, an ninh và tìm kiếm của người dân
Ngài cũng nhấn mạnh rằng vấn đề mất tích cách cưỡng bức là một “thảm kịch nhân loại” cần phải vang vọng trong tâm trí và trái tim của các nhà chức trách ở cấp quốc gia, những người được kêu gọi đảm bảo quyền được bảo vệ, an ninh và tìm kiếm của người dân.
Đức Hồng y khuyến khích tiếp tục đòi hỏi công lý từ chính quyền: “Chúng tôi muốn biết: chuyện gì đã xảy ra; họ ở đâu?; họ sống hay chết?; nếu họ sống thì họ ở đâu?; nếu họ chết thì họ ở đâu? Chúng tôi muốn biết, chúng tôi có quyền được biết.” (ACI Prensa 28/08/2023)
Nguồn: vaticannews