(ANS – Madrid) – “Cha vẫn là cậu bé đến từ Luanco, nơi cha thực sự cảm thấy như ở nhà giữa những người dân và đồng bào của mình. Điều cần thiết trong cuộc sống là không được quên cội nguồn của mình.” Cha Ángel Fernández Artime, người sẽ được tấn phong hồng y trong công nghị vào ngày 30 tháng 9, luôn nói với một cảm xúc ấm áp tự nhiên. Đấng kế vị thứ 10 của Don Bosco đã nói về việc được bổ nhiệm làm Hồng y gần đây của ngài và các chủ đề liên quan khác trong một cuộc phỏng vấn dành cho chương trình La Lanterna của đài phát thanh Cadena COPE của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha.
Chưa bao giờ một bề trên phụ trách một dòng tu được phong làm Hồng y. Thậm chí ngài chưa phải là Giám mục. “Cha sẽ tiếp tục như vậy, với một trách nhiệm khác, nhưng mang tính nhân văn sâu sắc và có cơ sở vững chắc”, Cha Bề Trên cả tâm sự với nhà báo Angel Expósito của Cadena COPE.
Đấng kế vị thứ 10 của Don Bosco thú nhận rằng ngài chỉ biết về việc bổ nhiệm mình khi Đức Thánh Cha công bố điều đó tại buổi đọc Kinh Truyền tin, và ngài không hề nghĩ tới điều đó. “Chúng tôi không biết gì về điều đó. Cha đang xem xét một vài điều với một Giám tỉnh Salêdiêng và khi họ nói với cha, cha nghĩ rằng có một sự nhầm lẫn.”
Vào ngày 11 tháng 7, khi Cha Bề Trên Cả được Đức Thánh Cha tiếp kiến để nhận chỉ thị của ngài về các bước tiếp theo cuộc bổ nhiệm này, Cha ÁF. Artime – người đã biết Đức Thánh Cha kể từ thời gian họ cùng phục vụ tại Buenos Aires – đã nói với Đức Thánh Cha một cách tự tin: “Thưa Đức Thánh Cha, cho phép con nhắc ngài một điều: 10 năm trước, khi ngài chào đón tất cả 267 Salêdiêng trong Hội trường Clementine tại Tổng Tu nghị 27, khi nói về việc con được chọn làm Bề Trên Cả, ngài đã nói với con: ‘Này, Gallego, họ đã làm gì cho con vậy!’ Và bây giờ chính con đang nói với ngài: ‘Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã làm gì cho con vậy?'”. Và Đức Thánh Cha đã đáp lại bằng một nụ cười chân thành.
“Một Salêdiêng không bao giờ ngừng là một Salêdiêng, đúng không?” nhà báo đã hỏi Cha Á.F. Artime và anh ta cho biết ngài “cảm thấy rất vui khi được đồng hành với những người trẻ trong cuộc đời của họ. Nó nằm trong DNA của cha, bất cứ nơi nào cha đến và bất cứ điều gì cha được yêu cầu làm, cha sẽ luôn quan tâm đến giới trẻ, giáo dục, những người dễ bị tổn thương nhất, và đây là điều cha sẽ cống hiến với phong cách riêng của mình, trong nhiệm vụ mới của mình, nơi cha sẽ cố gắng cho đi những gì tốt nhất của bản thân, thông qua đối thoại và tôn trọng sự đa dạng.”
Các chủ đề khác cũng được đề cập trong cuộc phỏng vấn. Về vấn đề đào tạo nghề, vị Hồng y tương lai thuật lại: “Don Bosco đã bắt đầu điều gần gũi nhất với việc đào tạo nghề cho những cậu bé đầu tiên ở Turin. Việc này đã có từ trước, chẳng hạn như với Thánh Philip Neri. Nhưng đó là nơi sứ mệnh Salêdiêng bắt đầu, nơi Don Bosco bắt đầu dạy nghề cho những người trẻ nhất, thuộc mọi tôn giáo và quốc tịch, giúp chúng tìm được chỗ đứng trong cuộc sống và nơi phẩm giá của chúng được đánh giá cao.
Cuối cùng, về vấn đề di cư và người tị nạn, ngài nhận xét: “Vào một ngày như thế này, 68 triệu người đang phải di cư trên thế giới… Chúng ta quan tâm đến an ninh là một chuyện, nhưng chúng ta phải nhớ rằng một người nào đó khác biệt không phải là mối nguy hiểm. Bởi vì nếu có bất cứ điều gì cha học được trong các chuyến thăm các điểm hiện diện Salêdiêng tại 118 quốc gia, thì đó là sự đa dạng phong phú biết bao! Đó là điều cần được lưu tâm và điều đầu tiên cần biết là tại sao những người này lại phải di cư. Và nếu có ai biết rõ về vấn đề di cư, thì đó chính là người Tây Ban Nha chúng ta”, Đức Hồng Y kết luận về tình trạng “không thể quên” này.
Chuyển ngữ: Lm. Augustinô Đỗ Phúc, SDB
Nguồn: sdb.vn (21.07.2023)