Hàng năm, Giáo hội Roma và Giáo hội Istanbul có truyền thống trao đổi đánh dấu các ngày lễ của các vị Thánh Bảo trợ của hai Giáo hội: ngày 29/6, lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô, bổn mạng của Giáo hội Công giáo Roma; và ngày 30/11, lễ Thánh Anrê, quan thầy của Giáo hội Chính Thống Istanbul. Vì vậy, hôm thứ Năm 29/6, phái đoàn của Tòa Thượng phụ Constantinople, do Đức Tổng Giám Mục Telmissos Job, Đại diện Đức Thượng phụ Bartolomaios, làm trưởng đoàn đã hiện diện trong Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự trong Đền thờ Thánh Phêrô. Và thứ Sáu hôm sau, phái đoàn được Đức Thánh Cha tiếp.
Ngỏ lời với các thành viên của Phái đoàn, trước hết Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui vì kết quả tốt đẹp của phiên họp toàn thể thứ 15 của Uỷ ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống vừa diễn ra ở Alexandria, Ai Cập. Cuộc gặp gỡ đã đưa đến một cách hiểu chung quan trọng về cách thức phát triển ở Đông phương và Tây phương mối quan hệ giữa tính hiệp hành và tính ưu việt trong thiên niên kỷ thứ hai.
Đức Thánh Cha nhắc lại sự hiệp nhất trọn vẹn là hồng ân Thánh Thần, vì thế phải tìm điều này trong Thánh Thần. Sự hiệp thông giữa các tín hữu không phải là vấn đề nhượng bộ và thoả hiệp, nhưng là bác ái huynh đệ của những anh chị em nhìn nhận mình là những người được Chúa Cha yêu thương, tràn đầy Thánh Thần Chúa Kitô, biết cách đặt những khác biệt trong một bối cảnh rộng lớn hơn.
Đề cập đến cuộc chiến tại Ucraina, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, là môn đệ Chúa Kitô, các tín hữu không thể cam chịu chiến tranh, nhưng phải cùng làm việc cho hoà bình. Tất nhiên, hòa bình không phải là một thực tại mà chúng ta có thể tự mình đạt được, nhưng trên hết là một ân ban của Chúa. Tuy nhiên, đó là một hồng ân đòi hỏi một thái độ tương ứng từ phía con người, nhất là từ phía người tín hữu, những người phải tham gia vào công trình kiến tạo hòa bình của Chúa.
Đức Thánh Cha nói: “Theo nghĩa này, Tin Mừng chỉ cho thấy hoà bình không đến từ việc không có chiến tranh, nhưng được sinh ra từ tâm hồn con người. Hoà bình bị cản trở bởi tính ích kỷ của cá nhân, cộng đồng, quốc gia và cả tôn giáo. Vì thế Chúa Giêsu đã đề xuất một phương thuốc đó là hoán cải tâm hồn, đổi mới tâm hồn bằng tình yêu Chúa Cha, là Đấng ‘cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5, 45). Đó là một tình yêu nhưng không và phổ quát, không giới hạn trong một nhóm”.
Đức Thánh Cha kết thúc với hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này có thể là một bước tiến xa hơn trên hành trình hướng tới sự hiệp nhất hữu hình trong đức tin và tình yêu.
Nguồn: vaticannews