Với 2.700 tham dự viên cùng với 35 Giám mục, cuộc gặp gỡ là giai đoạn thứ hai của phương pháp Kerygma đã được khởi xướng vào tháng 10/2022 theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đặt tất cả mọi hoạt động loan báo Tin Mừng trên Kerygma, thuật ngữ chỉ nội dung chủ yếu của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô được các tín hữu tiên khởi loan báo và truyền lại cho những người chưa tin.
Trong một năm qua, 86 nhóm đã thực hiện các bước tìm hiểu về hiện trạng truyền giáo ở các giáo phận. Và trong 4 ngày qua, từ ngày 20 đến 23/10/2023, với mục tiêu thổi sức sống mới vào công cuộc truyền giáo ở Pháp, trước một xã hội ngày càng tục hoá, mọi người đã tham dự các bàn tròn và hội thảo về tình hình truyền giáo của Pháp và các nền tảng của Kerygma.
Nhận định về sự kiện này, Giám đốc Viện Cao học Mục vụ Giáo lý và giáo sư thần học giáo lý tại Học viện Công giáo Paris, Isabelle Morel nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi về các phương pháp truyền tải đức tin ngày nay, đồng thời nhấn mạnh sự gia tăng số người lớn được rửa tội trong năm 2023.
Cụ thể, về những người lớn vào Giáo hội Công giáo, bà cho biết nhóm làm việc đã gặp gỡ những người mới trở thành tín hữu, những người đang tìm hiểu, và những người đang học giáo lý. Bên cạnh đó, còn có những người đã được rửa tội cách đây rất lâu nhưng không thực hành đạo do một số nguyên nhân khác nhau. Những người này đều đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống.
Đối với số tân tòng gia tăng trong những năm qua, bà Isabelle Morel giải thích, năm nay số tân tòng tăng thêm 1.000 so với năm 2022. Việc gia tăng thể hiện ở tất cả các giáo phận, vì thế theo bà Giám đốc, Giáo hội đang đi đến với những thế hệ chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội khi còn bé, những người đương thời khao khát tìm lại ý nghĩa cuộc sống. Mặc dù số người Công giáo giảm nhưng nhìn từ phía các dự tòng có thể thấy những dấu hiệu khác của sức sống và sự năng động của Giáo hội Pháp. Từ đây, cần phải đặt các câu hỏi về phương pháp, kỹ thuật truyền tải Tin Mừng. Điều này có nghĩa là các nhà xã hội học có thể không tính số người Công giáo theo cách đếm số người tham dự Thánh lễ Chúa nhật. Vì thực tế số người tự nhận là Công giáo lại là những người tham dự các cuộc hành hương, các cuộc gặp gỡ, các buổi cầu nguyện nhiều hơn là tham dự Thánh lễ.
Nguồn: vaticannews