Tại quốc gia châu Phi này, mặc dù có thỏa hiệp đình chiến, nhưng những cuộc đụng độ vẫn tiếp tục giữa lực lượng bán chính thức hỗ trợ nhanh và quân đội Sudan, làm cho 550 người thiệt mạng và 4.900 người bị thương.
Một linh mục thừa sai tại quốc gia này cho tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ biết cha sẽ tiếp tục ở lại Sudan bao lâu còn có thể, để giúp đỡ các nạn nhân bạo lực. Cha khẳng định: “Tôi muốn ở lại đến phút cuối cùng, tôi không muốn bỏ mặc dân chúng tại đây một mình. Nhiều người Công giáo đã đến nhà thờ. Ở đây, Giáo hội là niềm hy vọng của họ. Chúng tôi cũng phải sống trong hoàn cảnh xung đột như những người ở lại”.
Các cộng tác viên của Tổ chức bác ái cho biết các nhà thờ mở cửa cho dân chúng tạm trú, nhưng một trong những thách đố lớn hiện nay là tình trạng thiếu nước, trong lúc nhiệt độ tại thủ đô Khartoum lên tới 40 độ. Để có nước, dân chúng phải đến sông Nile Xanh chảy qua thủ đô Khartoum, nhưng đi qua khu vực thành phố này có thể là điều nguy hiểm, và cả khi lấy được nước từ sông, họ cần phải lọc nước mới có thể dùng được. Các khu chợ vắng vẻ và thực phẩm khan hiếm, và dân chúng thường cãi nhau vì phải xếp hàng dài trước các cây xăng.
Tuy tình hình khó khăn, nhưng cho đến nay không có giáo sĩ Công giáo nào bị thiệt mạng, nhiều nhà thờ bị hư hại như nhiều toà nhà khác, kể cả bệnh viện. Nhà thờ Bahri ở phía bắc thủ đô Khartoum bị trúng bom, nhưng những người hiện diện đã dập tắt được ngọn lửa lan tới trần nhà. Những chiến binh vũ trang đã đột nhập cả vào nhà thờ chính tòa Khartoum. Có một nguyện đường của nhà dòng bị trúng bom.
Vị linh mục thừa sai nói rằng: “Cuộc xung đột có sớm chấm dứt hay không? Chúng tôi cầu nguyện cho ý nguyện đó. Nhưng trong thực tế, chưa có phe nào sẵn sàng ngưng chiến. Trên bình diện quốc tế, người ta đang tạo sức ép thúc giục hai bên đối thoại, nhưng hiện vẫn còn giao tranh”. (Sir. 05/5/2023)
Nguồn: vaticannews