CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – NĂM A
Lc 24, 13-35
Thánh Luca là tác giả duy nhất kể lại câu chuyện hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem trở về Emmaus. Bố cục văn chương cũng như nội dung hàm chứa những nội dung rất sâu sắc. Tác giả muốn khẳng định với chúng ta:
* Khi chúng ta thất vọng, có Chúa đồng hành để nâng đỡ, mặc dù chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện của Người.
* Khi chúng ta đã nhận ra Chúa và đã tìm được niềm vui, thì Người lại ẩn mình đi. Ẩn mình không có nghĩa là vắng bóng, mà chỉ là sự hiện diện huyền nhiệm mà thôi.
Trong hành trình cuộc đời, Đấng Phục sinh vẫn hiện diện bên chúng ta. Nhờ sự đồng hành và nâng đỡ của Người, mà chúng được bình an và thấy con tim vui trở lại. Phụng vụ mùa Phục sinh muốn khẳng định với chúng ta điều ấy.
Chúa Giêsu đã bị một số người Do Thái lên án tử bằng hình thức đóng đinh vào thập giá. Bản án đã được thi hành theo ý muốn của thày Thượng tế, các luật sĩ và biệt phái. Công chúng ở Giêrusalem đều biết rõ vụ việc và nhiều người đã trực tiếp chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu. Tuy vào thời chưa có hệ thống thông tin hiện đại như ngày nay, nhưng “vụ án Giêsu” là một sự kiện nổi bật, không ai mà không biết. Vì vậy, hai môn đệ ngạc nhiên thấy vị khách đi cùng đường với mình, cũng từ hướng Giêsusalem về ngoại ô, mà không biết sự kiện này. Tuy vậy, hai ông này cũng giống như đại đa số những người đã chứng kiến vụ án, đều chỉ nhìn nhận sự kiện với cái nhìn hoàn toàn thế tục. Kinh Thánh kể các ông đã có một thời theo Chúa Giêsu làm môn đệ Người, các ông cũng hoàn toàn thất vọng, như các ông đã thú nhận: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng, chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israen”. Cùng với lời thú nhận này, là tâm trạng buồn bã, chán nản thất vọng. Các ông cũng có nghe mấy người phụ nữ nói về ngôi mồ trống và lời đồn Chúa đã sống lại, nhưng các ông cho đó là chuyện tầm phào, chẳng đáng tin.
Tâm trạng và lý luận của hai môn đệ, cũng là tâm trạng và lý luận của nhiều người trong thời đại của chúng ta. Đối với họ, Chúa Giêsu đã chết. Việc Chúa sống lại chỉ như câu chuyện tầm phảo, viển vông. Chính quan niệm này làm cho người vô tín chìm đắm trong bi quan, chán nản và thất vọng, khi họ đối diện với những khó khăn trên đường đời.
“Người khách lạ” đã gợi ý để hai môn đệ nhìn nhận sự kiện dưới cái nhìn khác. Là người Do Thái, hai ông dễ dàng hiểu vấn đề khi nghe người khách lạ liên hệ và trích dẫn lời các ngôn sứ, cộng với việc hồi tưởng những gì Chúa Giêsu đã làm và đã giảng dạy. Từ những chia sẻ của vị khách đi đường, niềm vui và hy vọng đã trở lại với các ông. Cử chỉ bẻ bánh là điểm mấu chốt giúp hai ông khẳng định, người khách đồng hành chính là Thày mình, Đấng đã sống lại từ cõi chết. Chính lúc các ông nhận ra Người, thì Người biến mất. Hai ông đã thoát ra khỏi tâm trạng bi quan thất vọng. Sự thao thức kể lại cho anh em tin vui này đã khiến các ông trở về Giêrusalem ngay trong đêm. Trở về Giêrusalem là trở về với nơi đã làm các ông thất vọng. Các ông đã trở về Giêrusalem với tâm trạng mới mẻ, đầy tràn niềm vui và nghị lực.
Đức Giêsu không phải là một nhân vật huyền thoại. Cuộc khổ nạn và phục sinh của Người đã được tiên báo qua các ngôn sứ. Trong bài giảng ngài lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô can đảm làm chứng về sự kiện phục sinh. Ông lược qua những gì đã được ghi chép trong Kinh Thánh Cựu ước, để khẳng định với thính giả rằng: “Theo kế hoạch của Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại”. Vị Tông đồ còn quả quyết: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”. Niềm xác tín của thánh Phêrô vừa dựa trên sự kiện, vừa căn cứ vào truyền thống Thánh Kinh.
Lễ Phục sinh và tuần Bát nhật đã kết thúc. Chúng ta đang từng bước trở về với những sinh hoạt đời thường. Phụng vụ lưu ý chúng ta: Đấng Phục sinh đang hiện diện và đồng hành với chúng ta, dù chúng ta không nhìn thấy người bằng con mắt thể lý. Lễ Phục sinh nhắc người tín hữu phải sống phù hợp với mầu nhiệm họ cử hành. Thánh Phêrô viết cho các tín hữu: “Nếu anh em gọi Thiên Chúa là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này” (Bài đọc II).
Giữa những lo âu của cuộc sống hôm nay, nhất là giữa đại hoạ của bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), mầu nhiệm Phục sinh chiếu toả ánh sáng của niềm hy vọng. Cuộc sống dù đau buồn đến đâu, đừng quên Chúa đang đồng hành với chúng ta. Hãy nhận ra sự hiện diện của Người để cảm nhận sự ngọt ngào Chúa ban.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên