Ba dụ ngôn hôm nay là phần kết thúc của một chuỗi gồm 7 dụ ngôn trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Có thể nói, ý chính của các dụ ngôn này là mời gọi chúng ta hãy nhận ra giá trị đích thực của Nước Trời. Để được như thế, chúng ta cần có sự khôn ngoan. Không phải là khôn ngoan mánh lới kiểu thế gian, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Hai con người, người thứ nhất là một người thường (có thể là nông dân); người thứ hai là một thương gia. Cả hai người đều có tài quan sát tinh tường. Thửa ruộng và viên ngọc, mỗi ngày có biết bao nhiêu người nhìn thấy, mà họ lại chẳng nhận ra giá trị đích thực, nên dửng dưng bàng quang đi qua. Thửa ruộng và viên ngọc, xem ra chẳng có giá trị là bao dưới quan sát của mọi người. Ấy vậy mà chúng lại trở nên vô giá đối với hai người này. Cả hai người đều có điểm chung: đó là bán tất cả những tài sản mình đang có để mua bằng được thửa ruộng và viên ngọc.
Trong ngữ cảnh của Tin Mừng, ba dụ ngôn này nằm trong giáo huấn của Chúa Giê-su về Nước Trời. “Nước Trời” là nội dung chính trong lời rao giảng của Chúa Giê-su: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 115). “Triều đại Thiên Chúa” và “Nước Trời” là hai cách nói diễn tả cùng một thực tại.
Trong suốt bề dày lịch sử, rất nhiều người đã khám phá Nước Trời, và để đạt được Nước Trời, họ đã chấp nhận đánh đổi cả gia sản, thậm chí cả mạng sống của mình, như trường hợp các thánh Tử Đạo. Họ đã nhận ra giá trị đích thực của Nước Trời. So với Nước Trời, mọi bổng lộc trần gian chỉ là tro bụi.
Ki-tô hữu là người đã đón nhận hồng ân Đức tin để theo Chúa Giê-su. Hành trình theo Chúa đầy gian nan thử thách. Người tín hữu phải chọn Nước Trời như ưu tiên hàng đầu. Họ cũng phải lấy những giá trị Nước Trời làm tiêu chuẩn cho những lời nói và hành động của mình trong cuộc sống đời thường. Nhờ vậy, Nước Trời ngày một lớn lên trong tâm hồn và toả sáng trong cuộc đời của các con cái Chúa.
Nước Trời đã hiện hữu chưa? Nhiều người đặt câu hỏi này. Dựa vào giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta khẳng định, Nước Trời hay Vương Quốc của Thiên Chúa đã khởi đầu ở trần gian, nhưng chưa đạt mức thành toàn. Vì thế mà Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin cho Nước Cha trị đến!”. Nước Trời không phải là một không gian được phân định bằng ranh giới quốc gia hay vùng miền. Nước Trời cũng không phải là một tổ chức quy tụ số đông các thành viên. Chúa Giê-su đã khẳng định: “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17, 21). Trước tòa Phi-la-tô, Chúa Giê-su đã khẳng định: khái niệm vương quốc hay Nước Trời của Người không mang tính chính trị, nhưng vương quốc của Người bao gồm những ai thành tâm đón nhận chân lý: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Như thế, khi chúng ta đón nhận Chúa Giê-su và thực thi lời Người dạy, là chúng ta đón nhận Nước Trời, hay nói cách khác, chúng ta thuộc về Nước Trời và Nước Trời không ngừng lớn lên trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta.
Chắc chắn rằng Nước Trời, trong sự hoàn hảo của nó, là một thực tại đang đến. Nhưng với Chúa Ki-tô, Nước Trời cũng là một thực tại đã đến rồi. Và khi đó, mầu nhiệm đức Ki-tô đang thể hiện trong chính thời gian. Lịch sử trở thành thành phần toàn vẹn của Vương Quốc. “Vương Quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ, số 39)
Nếu người nông dân khám phá kho báu chỉ là vô tình, nếu người thương gia phát hiện viên ngọc giá trị nhờ một thời tìm kiếm, thì mọi người sinh ra trên đời, dù muốn hay không, đều có điểm tận cùng, đó là ngày tận thế. Dụ ngôn thứ ba nhằm nói với chúng ta như vậy. Chúa Giê-su đã đi từ hình ảnh chiếc lưới với những người dân chài ngồi nhặt cá, để đến với những thiên thần can thiệp tách biệt người tốt với người xấu. Chọn lựa Nước Trời là một đề nghị của Chúa Giê-su, con người có quyền chấp thuận hay từ chối, nhưng đến ngày sau hết, người ta phải trả giá cho sự chọn lựa của mình.
Để chọn lựa Nước Trời, cần có sự khôn ngoan. Không phải sự khôn ngoan mánh lới kiểu thế gian, nhưng là ơn khôn ngoan đến từ Thiên Chúa. Trong ngày kết vị vua cha Đavít trên ngai vàng, Salomon đã không xin gì với Chúa, ngoại trừ sự khôn ngoan. Lời cầu nguyện này đẹp lòng Chúa và Ngài đã nhận lời. Ngài ban cho ông hơn cả lời cầu xin. Salomon vừa khôn ngoan, vừa giàu có. Ông là niềm tự hào cho dân tộc Israel.
Con người chỉ sống một lần trên trần gian. Chọn lựa Nước Trời là một chọn lựa mang tính quyết định cho tương lai, vì chọn lựa này vừa định hướng cho cuộc đời, vừa giúp ta vượt lên những khó khăn thử thách. Như vua Salomon, chúng ta xin Chúa ban ơn khôn ngoan để biết đối nhân xử thế, nhất là biết nhận ra những dấu chỉ của Nước Trời trong cuộc sống xung quanh chúng ta.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên