Các lãnh đạo Kitô giáo ở Syria kêu gọi chấm dứt các biện pháp cấm vận “bất công” đang cản trở viện trợ cho người nghèo

Trong thư chung đề ngày 7/2/2023, ba vị lãnh đạo Kitô giáo nổi tiếng ở Syria đã kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với Syria, những điều theo các ngài, đang ngăn cản một cách bất công các viện trợ quan trọng đến tay những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất kinh hoàng xảy ra ở khu vực này vào đầu tuần này.

Thượng phụ Công giáo Hy Lạp Melkite Youssef I, Thượng phụ Chính thống Syria Ignatius Aphrem II, và Thượng phụ Chính thống Hy Lạp John X viết trong thư: “Thảm họa thiên nhiên này làm tăng thêm thử thách cho người dân Syria, những người tiếp tục phải hứng chịu những thảm kịch của chiến tranh, khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh và những khó khăn kinh tế khắc nghiệt do lạm phát, thiếu thốn các vật liệu thiết yếu, thuốc men và các nhu yếu phẩm cơ bản cần thiết hàng ngày để mọi người tồn tại và sống trong phẩm giá”.

“Chúng tôi, ba Thượng phụ cùng với những người đứng đầu các Giáo hội ở Syria, yêu cầu Liên Hiệp Quốc và các quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Syria dỡ bỏ lệnh cấm vận và các biện pháp trừng phạt bất công đối với người dân Syria, đồng thời thực hiện các biện pháp đặc biệt và các sáng kiến ngay lập tức để bảo đảm cung cấp hàng cứu trợ và viện trợ nhân đạo rất cần thiết.”

Trong một tuyên bố hôm 6/2/2023, Hội đồng các Giáo hội Trung Đông (MECC) cũng kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với Syria: “Chúng tôi kêu gọi dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt đối với Syria và cho phép tiếp cận tất cả các hàng hoá, để các biện pháp trừng phạt không biến thành tội ác chống lại nhân loại.”

Do các biện pháp cấm vận áp đặt cho chính quyền Syria, một số tổ chức quốc tế không thể đến những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, chẳng hạn như tỉnh Idlib, nơi trước khi xảy ra trận động đất đã có hơn 4 triệu người cần trợ giúp nhân đạo.

90% dân số Syria sống dưới mức nghèo khổ ngay cả trước trận động đất, với khả năng tiếp cận hạn chế với thực phẩm, nước, điện, nơi trú ẩn, nhiên liệu nấu ăn và sưởi ấm, giao thông vận tải và chăm sóc sức khỏe. Chính phủ của Al-Assad thường đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt khiến chính phủ của ông không có khả năng hỗ trợ người dân của mình. (CNA 08/02/2023).

Nguồn: Hồng Thủy - Vatican News

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê