Các Giám mục Châu Âu nhấn mạnh rằng việc loan báo Tin Mừng là “thách đố lớn nhất” của Giáo hội trên lục địa Châu Âu.
Những quan tâm của các Giám mục Châu Âu
Các ngài cũng quan tâm đến các cuộc chiến như ở Ucraina, ở “Nagorno Karabakh” và ở Thánh Địa, lặp lại lời nói không với chiến tranh và nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn dứt khoát, tiếp tục thả con tin đang bị bắt giữ và giữ cho các hành lang nhân đạo ở Gaza luôn rộng mở.
Đức Tổng Giám mục Gintaras Grušas, chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Âu đã nêu ra một số thách thức mà lục địa này đang phải đối mặt, đồng thời nhấn mạnh sự cam kết của các Giáo hội Châu Âu trong cuộc chiến chống lạm dụng, nhắc lại nghĩa vụ chống lại chúng bằng những biện pháp cụ thể và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Ngài cũng đề cập đến “việc bảo vệ sự sống và phẩm giá con người, vai trò chủ chốt của giới trẻ, các làn sóng di cư mới, cuộc đàn áp ngầm các Kitô hữu ở châu Âu và những biên giới mới của trí tuệ nhân tạo”.
“Chúa Giêsu là niềm hy vọng của Châu Âu”
Đối mặt với “bế tắc” chính trị nhưng cũng mang tính hiện sinh này, Đức Tổng Giám mục Grušas nhắc lại thông điệp của Thánh Gioan Phaolô II: “Chúa Giêsu là niềm hy vọng của Châu Âu” và ngài giải thích: “Nếu chúng ta chỉ tìm kiếm kết quả ở cấp độ con người, thì chúng ta chỉ nhìn thấy thập giá mà chúng ta đang vác. Chúng ta phải ngước mắt lên nhìn Chúa. Người là sự bình an, niềm hy vọng, niềm an ủi, đặc biệt trong thời điểm đau khổ này”.
“Chính cái nhìn này đã cứu được nhiều người trong các trại tập trung thời Thế chiến thứ hai ở Đức và sau đó là các trại của Liên Xô. Ngay trong những hoàn cảnh khốn cùng đó, vẫn có những người đã cố gắng nhìn lên bầu trời và có cái nhìn bao quát hơn về những khó khăn hằng ngày. Hôm nay chúng ta cũng có thể làm được điều đó”.
Châu Âu phải lấy lại niềm tin Kitô giáo
Nhưng để làm được điều này, Châu Âu phải lấy lại niềm tin Kitô giáo. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Âu thừa nhận: “Mối quan tâm khác là việc loan báo Tin Mừng trên lục địa này. Trong suốt lịch sử, Châu Âu là cái nôi của Kitô giáo và đã gửi các nhà truyền giáo đi khắp nơi. Bây giờ chúng ta cần những người truyền giáo ở đất nước của chúng ta. Ở Châu Phi, ở những nơi khác trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Á, Giáo hội đang phát triển trong khi chúng ta đang suy giảm và điều này đòi hỏi chúng ta phải có sứ mạng truyền giáo”. (SIR 30/11/2023)
Nguồn: vaticannews