Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa kêu gọi Israel ngừng ném bom bừa bãi tại Gaza

cha-Francesco-Patton.jpeg
Cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa 

Cha Patton nói: “Mọi người phải hợp tác để ngăn chặn việc ném bom vào dân thường ở Gaza. Chúng ta phải bắt đầu lại việc xem con người là thánh thiêng, bất kể sắc tộc, tôn giáo và địa vị cá nhân”.

Sự sống con người là điều thánh thiêng

Trả lời phỏng vấn của Vatican News, Cha Patton nhấn mạnh việc cấp thiết phải cứu và bảo vệ mạng sống con người, thánh thiêng đối với người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo. Cha nói: “Đối với người Do Thái và Kitô giáo, con người là hình ảnh và giống Thiên Chúa; đối với người Hồi giáo, theo kinh Koran, con người là đại diện của Thiên  Chúa trên trái đất. Vì vậy, tín đồ của ba tôn giáo có ý thức rất cao về giá trị và phẩm giá của con người”.

Kêu gọi tôn trọng các nơi thánh

Cha Patton cũng hy vọng các nơi thờ phượng được tôn trọng. Tại Gaza, cộng đoàn Kitô hữu bé nhỏ đang phải chịu đựng các cuộc bắn phá ở Gaza, hầu hết trong số họ hiện đang trú ẩn trong Nhà thờ Công giáo Thánh Gia.

Trong cuộc phỏng vấn, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của sự hiện diện của các tình nguyện viên tại Thánh Địa bởi vì họ góp phần tạo ra những cầu nối giữa thế giới và Thánh Địa, không chỉ với các Kitô hữu mà còn với các cộng đồng Israel và Palestine.

Lo ngại về sự xuất cư của Kitô hữu tại Thánh Địa

Về tương lai, Cha Patton lo ngại rằng khi chiến tranh kết thúc, sẽ có một cuộc di cư mới của các Kitô hữu từ Thánh Địa đến Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu, bởi vì họ “không còn cảm thấy an toàn, đặc biệt là những người có gia đình họ không muốn con cái họ lớn lên trong môi trường hận thù, nơi không có sự chấp nhận lẫn nhau giữa những người thuộc các hoàn cảnh tôn giáo và sắc tộc khác nhau”.

Ơn gọi đặc biệt của Kitô hữu tại Thánh Địa

Tuy nhiên, cha nhấn mạnh rằng điều quan trọng là các Kitô hữu phải ở lại: “Các Kitô hữu phải xác tín sâu sắc rằng việc trở thành Kitô hữu ở Thánh Địa và trên khắp Trung Đông là một ơn gọi đặc biệt, một loại ơn gọi chứ không phải là một lời nguyền”. Cha lưu ý rằng họ có vai trò quan trọng là cầu nối giữa người Palestine và người Israel, vì họ không bị cả hai bên coi là nguy hiểm. Cha nói: “Nếu họ rời đi, không gian chung sống sẽ bị thu hẹp hơn nữa”.

Nguồn: vaticannews

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê