Từ Ấn giáo đến Kitô giáo. Cô Rhaki McCormick, một người Mỹ gốc Ấn, đã làm chứng trên truyền hình vào đầu tháng Hai về việc cô cải đạo sang Công giáo, trong chương trình The Coming Home Network, thu thập những lời chứng về đức tin. Một hành trình chắc chắn sẽ cho phép, đối với nhiều người Công giáo, những người đôi khi thực hành các cử chỉ sùng kính theo thói quen, chứng minh rằng họ có thể biến đổi cuộc sống chỉ trong một khoảnh khắc.
Rhaki sinh ở California trong một gia đình Ấn Độ nhập cư. Năm 1970, từ Calcutta cha mẹ cô di cư đến Hoa Kỳ với mong muốn cuộc sống khá hơn. Cô lớn lên ở Iowa theo lối sống của một “thiếu nữ theo Ấn giáo trên những cánh đồng ngô”. Ở khu vực đó không có đền Ấn giáo, vì thế, mỗi ngày, gia đình cô cầu nguyện ở nhà. Vào mùa Giáng Sinh, vì muốn hoà nhập với mọi người, gia đình cô cũng trang trí căn nhà theo bầu khí mùa lễ hội.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô
Như thế, ở môi trường này Rhaki lớn lên giữa hai nền văn hoá, Ấn giáo và Kitô giáo, nhưng Rhaki thừa nhận vào tuổi thanh thiếu niên cô đã trải qua sự cô đơn nội tâm lớn và khao khát sâu sắc về sự thuộc về. Cô cho biết vào năm 13 tuổi, khi đang uống nước chanh với bạn bè, một người trong số họ là Kitô hữu đã hỏi cô: “Bạn có muốn biết Chúa Giêsu là ai không? Đối với cô, vào thời điểm đó, “Giêsu” giống như tên “Ông già Noel”. Cô trả lời “Tại sao không!” Người bạn tiếp tục: “Chúa Giêsu chỉ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, Người luôn ở bên bạn. Vì vậy, để gặp được Chúa, rất dễ dàng, mỗi tối trước khi đi ngủ bạn chỉ cần nói: “Lạy Chúa Giêsu, con muốn có Chúa trong đời con”. Thiếu nữ về nhà và bắt đầu nói câu này mỗi tối. “Thật ngây thơ, tôi nghĩ mọi thứ sẽ thay đổi ngay lập tức, nhưng thực tế trong những tháng sau đó không có gì thay đổi”, Rhaki kể lại, nhưng bây giờ tôi nhận thấy đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên.
Năm tháng trôi qua, cô theo bạn bè lao vào những cuộc vui chơi thâu đêm, huỷ hoại sức khoẻ. Vì thế năm 17 tuổi cô phải nhập bệnh vì sức khoẻ nguy kịch, hậu quả của những ngày phung phí tuổi trẻ. Trong lúc được bác sĩ chăm sóc, có một thiếu nữ Kitô đến bên giường thăm hỏi và cầu nguyện cho cô. Điều này đã làm cho Rhaki suy nghĩ rất nhiều và quyết định muốn tìm hiểu Kitô giáo một cách nghiêm túc hơn. Cô tìm một cuốn Kinh Thánh và có ý tưởng khám phá tôn giáo này qua Kinh Thánh. Cuối cùng, những gì cô đọc đã không trở nên vô nghĩa. Đối với cô, biến cố nhập thể của Con Thiên Chúa là một điều tốt. Cô quyết định trở thành Kitô hữu, nhưng không biết rằng phải được lãnh nhận bí tích Thánh tẩy.
Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể
Trong công việc, Rhaki có quen một số người bạn Công giáo, và một trong số họ mời cô tham dự Thánh lễ đầu tiên, và giải thích trước với cô rằng cô không thể rước Mình Thánh Chúa. Trong Thánh lễ, tới phần rước lễ, khi nhìn các tín hữu lên rước Chúa, Rhaki cảm thấy một điều gì điều gì đó khó hiểu, nhưng như sau này cô chia sẻ: “Lúc đó tôi có cảm giác khó tả, một cảm giác thần bí, một trải nghiệm tôi không thể diễn tả bằng lời, nhưng khi nhìn lại, cảm giác này vẫn còn ghi khắc trong tôi. Tôi ý thức Chúa có thật, Chúa Giêsu thực sự đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và Người đang gọi tôi trở về nhà. Vào thời điểm đó, nhìn những người khác rước lễ, câu hỏi duy nhất đốt cháy tôi lúc đó là: ‘Làm thế nào tôi có thể rước lễ?’”
Một năm sau, sau thời gian dự tòng, vào lễ Phục sinh, cuối cùng lần đầu tiên cô đã được rước Chúa.
Hành động phó thác nơi Thiên Chúa
Thời gian sau đó, tất cả không phải là màu hồng. Trong một thời gian dài, Rhaki phải đấu tranh để thực sự thuộc về Chúa. Về điều này, các cuộc gặp gỡ mà theo cô là sự quan phòng của Chúa đã giúp cô rất nhiều. Khi trong cô có cám dỗ từ bỏ thực hành tôn giáo, thì Tình yêu quan phòng Chúa đã dẫn cô gặp gỡ các anh chị em khác trong đức tin, những người, bất cứ nơi nào cô đến để hoàn thành việc học, đều mời cô tham gia các nhóm cầu nguyện hoặc tham dự Thánh lễ. Và rồi một buổi chiều tối kia, ở tuổi ba mươi, vào một thời điểm đặc biệt khó khăn trong cuộc đời, cô đã cầu nguyện hoàn toàn quy phục Chúa: “Lạy Chúa, con sẽ làm bất cứ điều gì. Nếu Chúa muốn con trở thành nữ tu, con sẽ là một nữ tu, ngay cả khi mẹ con không thích điều đó. Giống như những người khác, con không muốn bất hạnh, nhưng cuộc sống của con là của Chúa”.
Rất nhanh chóng, sau hành động quy phục này, nhiều thứ trong cuộc sống của Rhaki bắt đầu “đâu vào đấy”. Cô gặp Timôthê, người mới trở lại đạo Công giáo sau buổi yết kiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Rôma, và cũng là người đã cầu nguyện phó thác hoàn toàn nơi Chúa như cô. Hiện nay, vợ chồng Timôthê và Rhaki sống ở Detroit và cuộc hôn nhân của họ kéo dài 12 năm đã sinh được ba người con. Cả hai đều hoạt động trong lĩnh vực truyền giáo.
Ngọc Yến - Vatican News