Giám đốc đương nhiệm, sơ Anne-Marie Zawadi, kể lại một câu chuyện trong nhiều cuộc đời tuổi thơ được trung tâm cưu mang: Một ngày kia, các nữ tu thấy trước cổng một túi bọc kín và khi đến gần thì thấy có cái gì đang động đậy. Khi mở ra, các nữ tu thấy một em bé 2 tuổi trên người đầy kiến. Em đã bị cha mẹ bỏ rơi vì khuyết tật, cha mẹ bỏ em trước trung tâm Heri Kwetu với hy vọng người khác có thể chăm sóc em.
Hiện nay, em đã lên 15 tuổi. Do phải nằm liệt giường, Môsê tiếp tục cần sự trợ giúp trong mọi sinh hoạt đơn giản. Sơ Anne-Marie nói: “Môsê không thể đứng lên, không nói được. Chúng tôi làm mọi sự cho em. Nhưng em chính là người chủ của ngôi nhà này theo nghĩa là luôn đem lại niềm vui cho người khác”. Môsê dễ bị tổn thương, không thể làm được gì cho người khác và cho chính mình, nhưng sự hiện diện rạng rỡ vui tươi của em đã thu hút người đối diện. Môsê biểu lộ một cách quảng đại sự dịu dàng và niềm vui sống của mình qua tiếng hát, qua khuôn mặt rạng ngời và qua những cử chỉ âu yếm. Mỗi khi công việc phục vụ làm các nữ tu và nhân viên mệt mỏi, chính khuôn mặt thanh thản, an bình của một người đang sống khó khăn về thể lý đã làm cho mọi người thêm sức mạnh tiếp tục phục vụ.
Được thành lập cách đây 44 năm, hoạt động của trung tâm Heri Kwetu đã trải qua chiến tranh và đại dịch ở trung tâm Bukavu, một đất nước mà sự trợ giúp xã hội hầu như không có. Sơ Anne-Marie giải thích: “Một trẻ khuyết tật thường được coi là dấu hiệu của điềm xấu, bởi vì em là gánh nặng quá lớn đối với các cha mẹ đang lâm vào cảnh nghèo khó. Trung tâm Heri Kwetu được thành lập để giúp đỡ các em”.
Nằm trên con đường ồn ào dẫn đến chợ Kadutu, trung tâm Heri Kwetu hiện diện như một điểm sáng trong thành phố. Theo thời gian, trung tâm dần phát triển và ngày nay đang tiếp tục tìm kiếm những hình thức phục vụ khác cho những nhu cầu của người nghèo trong khu vực. Ngoài chỉnh hình và phục hồi chức năng, trung tâm còn thành lập xưởng sản xuất chân tay giả cho trẻ em và người lớn bị mất do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đối với các phụ nữ bị khiếm thính, trung tâm thành lập các xưởng may giúp cho họ có một cuộc sống tự lập hơn và được xã hội công nhận. Có những người sau khi rời trung tâm đã thành công và nay quay trở lại trung tâm để tiếp tục hỗ trợ những người khác.
Trung tâm còn thành lập những lớp học chuyên biệt, để các em nhỏ được bổ sung những điều còn thiếu thông qua sự hỗ trợ trong các hoạt động học tập và vui chơi, dựa trên sự khác biệt. Chẳng hạn như một em gặp khó khăn trong việc đi lại có thể hướng dẫn người bạn khiếm thị trong khi cần dựa vào người bạn này để bước đi. Các em khiếm thị cũng có thể chơi bóng nhờ một quả bóng được gắn tín hiệu âm thanh.
Trung tâm cũng tìm cách tái thiết lập mối liên hệ giữa các em và gia đình nghèo khổ, thiếu hiểu biết. Nhờ hoạt động trung gian này, có một số cha mẹ đã quay trở lại trung tâm để nhận lại con mình. Khi nhận thức rằng con của mình mặc dù bị khuyết tật vẫn có thể biểu lộ những tình cảm và khả năng nhất định và đôi khi có thể phát triển năng khiếu, các cha mẹ dần cảm thấy tự hào về con mình và đón nhận các em với tình thương thực sự.
Ngày nay, trung tâm đã dần đi vào ổn định nhưng sơ Anne-Marie Zawadi và các cộng tác viên vẫn tiếp tục muốn mở rộng thêm những dịch vụ khác cho các em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương và những người lớn dễ bị tổn thương.
Nói về ơn gọi dâng hiến và mong muốn phục vụ những người rốt cùng trong xã hội, sơ cho biết tất cả là những trải nghiệm trong tuổi thơ. Thực tế, được sinh ra từ một gia đình có bầu khí thương yêu, sơ Anne-Marie Zawadi đến từ giáo phận Butembo-Beni, đông bắc Congo, nơi người dân đang phải chịu đựng những cuộc tàn sát. Vào năm lên 11 tuổi, mẹ sơ lâm bệnh và đó là lúc sơ học được tinh thần trách nhiệm khi chăm sóc ba em gái nhỏ. Đây cũng là khởi điểm cho ơn gọi dâng hiến sau này của sơ Anne-Marie. Từ nhỏ sơ đã mong muốn được gần gũi phục vụ những người thiếu thốn nhất, và ước muốn này đã theo sơ cho đến tuổi trưởng thành và quyết định dành cả cuộc đời để phục vụ những người bị thiệt thòi trong xã hội.
Nguồn: vaticannews