Trước tình hình thực tế về phân biệt chủng tộc dựa trên “niềm tin bị bóp méo” cho rằng người này có vị trí cao hơn người kia, Đức Tổng Giám Mục khẳng định: điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc cơ bản “tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền”.
Đại diện Toà Thánh than phiền, mặc dù cộng đồng quốc tế cam kết xóa bỏ, nhưng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn tiếp tục tái xuất hiện như một loại “vi rút” đang biến đổi, dẫn đến điều mà Đức Thánh Cha gọi là “một cuộc khủng hoảng trong các mối quan hệ con người”.
Đức Tổng Giám Mục Caccia nhấn mạnh cuộc khủng hoảng trong các mối quan hệ giữa con người do định kiến chủng tộc, có thể được giải quyết một cách hiệu quả bằng việc thúc đẩy một nền văn hóa gặp gỡ, liên đới và tình huynh đệ đích thực con người. Tuy nhiên điều này không chỉ đơn giản là sống cùng nhau và có sự khoan dung, đúng hơn chúng ta gặp gỡ người khác, tìm kiếm các điểm tiếp xúc, xây những cây cầu, lên kế hoạch cho một dự án bao gồm tất cả mọi người, như Đức Thánh Cha kêu gọi trong Thông điệp Fratelli tutti. Việc xây dựng một nền văn hóa như vậy là một quá trình bắt nguồn từ việc nhận ra quan điểm độc đáo và sự đóng góp vô giá mà mỗi người mang lại cho xã hội.
Ngài nói thêm: “Chỉ có sự công nhận nhân phẩm mới có thể tạo điều kiện cho sự phát triển chung và cá nhân của mọi người và mọi xã hội. Để khuyến khích loại tăng trưởng này, đặc biệt cần phải đảm bảo các điều kiện về cơ hội bình đẳng cho nam giới và phụ nữ và đảm bảo sự bình đẳng khách quan giữa tất cả mọi người”.
Đức Tổng Giám Mục Caccia kết thúc, bày tỏ mối quan tâm của Tòa Thánh đối với nạn phân biệt chủng tộc và định kiến chủng tộc nhắm vào người di cư và người tị nạn. Về vấn đề này, ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi “từ thái độ phòng thủ và sợ hãi” sang thái độ dựa trên nền văn hóa gặp gỡ, “nền văn hóa duy nhất có khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng và huynh đệ hơn”.
Ngày Quốc tế Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc được Liên Hiệp Quốc thành lập vào năm 1966 và được tổ chức hàng năm vào ngày cảnh sát ở Sharpeville, Nam Phi, nổ súng và giết chết 69 người trong một cuộc biểu tình ôn hòa năm 1960 nhằm chống lại việc thông qua đạo luật phân biệt chủng tộc Apartheid.
Ngày này cũng được Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) cử hành bằng một tuần cầu nguyện đặc biệt từ ngày 19 đến 25/3, Ngày Quốc tế Liên Hiệp Quốc tưởng niệm các nạn nhân của chế độ nô lệ và nạn buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. (CSR_1192_2023)
Ngọc Yến - Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi