Tính chất nhưng-không của đời tu

tinh-chat-nhung-khong-cua-doi-tu.jpg

Có một bạn trẻ ngoại giáo, làm nghề môi giới bất động sản, khi được nghe kể về câu chuyện dụ ngôn người mục tử tìm chiên lạc, em đã buông một câu: “Ngớ ngẩn! Tên này không biết tính nên làm lính suốt đời. Ráng mà chăn súc vật!”.

Vì quá quen tính toán, cân nhắc hơn thiệt, em đã không biết nhìn đời bằng cặp trẻ thơ.

Ở ngoài vùng Tây Bắc, đôi khi đi đến các bản làng xa, trên những nẻo đường vắng, bất chợt tôi chợt thấy giữa vách đá cheo leo, xuất hiện một nhánh lan rừng ẩn nấp sau một nhánh cây đơn độc…. sườn núi cao trơ trụi mù sương. Có thể sẽ chẳng có ai biết đến để thưởng thức vẻ đẹp của nó. Nhưng nó hiện diện cách khiêm tốn tại đó và nở hoa như một lời tụng ca lặng lẽ về vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa, thế là đủ. Nhành hoa thấy thế làm mãn nguyện.

Sống trong một thế giới tìm kiếm hiệu quả, con người luôn tính toán: “tôi trao điều này để nhận được cái gì?” Thế giới chúng ta đang sống ngày nay như là một cái chợ, mọi sự được định giá theo thang giá trị lợi ích.

Trong một bầu khí xã hội như thế, đời tu sẽ là lời diễn tả tính chất “nhưng không”, tính vô vị lợi của cuộc sống cho Thiên Chúa và cho con người một cách đặc biệt. Cho mà không tính toán hơn thiệt; làm mà không cầu đền đáp và không phải bao giờ cũng nhằm thành tích và hiệu năng có thể đo lường được; phục vụ không kể đến lợi lộc cho mình; không giản lược cuộc sống vào những con số, những thước đo, những bảng tính…. Nói cho cùng chúng ta tôn thờ Thiên Chúa không phải vì điều đó có lợi cho chúng ta, nhưng chúng ta tìm thấy nơi Người sự biểu lộ tối cao cho tất cả những gì có giá, vì người là Ngôi Sao sáng của cuộc đời chúng ta.

Đức Hồng y Brazil Hume đã viết về đời tu sĩ như sau: “Chúng tôi không nghĩ mình có một sứ mạng hoặc một phận sự riêng biệt trong Giáo hội. Chúng tôi không có ý định làm thay đổi dòng lịch sử. Chúng tôi hiện diện ở đấy, chỉ có thế, hầu như do ngẫu nhiên xét theo một cái nhìn nhân loại. Và may thay, chúng tôi tiếp tục hiện diện ở đấy, thế thôi”.

Các tu sĩ, đặc biệt là các đan sĩ hiện diện ở đấy, chỉ có thế, và như vậy, đời sống của họ chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc loan báo cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa vào lúc kết thúc thời gian. Họ giống như những người đang đứng chờ ở trạm xe buýt. Nguyên sự việc họ đứng đó đủ nói lên rằng xe buýt chắc chắn sẽ đến. Đời sống người đan sĩ khiến cho người ta ngạc nhiên, và có thể có cảm giác tiếc nuối, vì dường như họ đã quá hào phóng (hay là phung phí, tùy cách nhìn) vì đem chôn tuổi thanh xuân trong bốn bức tường, đón nhận cuộc đời không có gì nổi bật: không con cái, không nghề nghiệp, không để lại những công trình, không có thăng cấp, và dường như không sinh ích lợi cụ thể. Tuy nhiên, chính sự thiếu vắng này lại làm cho cuộc đời họ trở nên một dấu chỉ rõ nét về ý nghĩa tròn đầy tối hậu của cuộc đời là chính Thiên Chúa .

Cha Radcliffe suy tư về đời dâng hiến, ngài nhận xét vinh quang Thiên Chúa thường được biểu lộ nơi những gì nhỏ bé, chẳng đáng là gì. Đời sống đan viện phải là nơi vinh quang Thiên Chúa tiếp tục hiện diện, là những cái ngai dành cho mầu nhiệm Thiên Chúa ngự trị. Vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ trong khoảng trống của cuộc đời người đan sĩ. Chính đức khiêm nhường thu xếp để có một khoảng không trống trải cho Thiên Chúa lưu ngụ. Cuộc đời của người đan sĩ là cuộc đời của sự khiêm nhường. Sự khiêm nhường của những con người nhìn nhận mình là những thụ tạo và đón nhận cuộc hiện hữu như là một ân huệ và biết dâng trao những ơn lành về cho Thiên Chúa.

Trong thi phẩm Lời Dâng, đoản khúc 64, Đại thi hào Rabindranath Tagore đã diễn tả việc người trinh nữ đem đèn thả trên sông Hằng. Khi buổi chiều ảm đạm của cuộc sống, màn tối đang phủ khuất không gian, thế mà vẫn còn người đem đèn đời mình thả trôi dòng sông, xem ra thật vô ích. Trước sự khẩn nài níu kéo của chàng thanh niên, người thiếu nữ vẫn cương quyết: Em mang đèn đi dự hội hoa đăng, em đã dâng đèn cho bầu trời. Giữa lễ hội hoa đăng bao nhiêu ngọn đèn, có thêm hay bớt đi một người, lễ hội hoa đăng vẫn thắp sáng, dòng sông vẫn còn nhiều ngọn đèn cháy sáng. Vẫn biết thế, nhưng dâng trao ngọn đời mình là biểu lộ sự quảng đại cho không. Mầu nhiệm đời dâng hiến là thế đó.

Lm. Anselm Nguyễn Hải Minh, OFM

Nguồn: tonggiaophanhanoi

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê