Thứ năm sau Chúa Nhật II Phục Sinh

tải-xuống.jpg

Ca nhập lễ

Lạy Chúa khi Chúa đứng đầu dân tộc tiến ra, Chúa lên đường với họ và ở trong họ, thì đất rung động và trời vỡ lở – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, mầu nhiệm Vượt Qua đã đem lại cho chúng con ân huệ dồi dào; xin cho chúng con được thấy những ân huệ Chúa ban sinh hoa kết quả trong suốt cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 5, 27-33

“Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hôm ấy, khi các thủ hạ dẫn các tông đồ đi, họ đem các ngài ra trước công nghị. Vị thượng tế hỏi các ngài rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Ngài trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người?” Khi nghe những lời đó, họ liền phẫn nộ và tìm mưu giết các ngài.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2 và 9. 17-18. 19-20

Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người.

Xướng: Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo.

Xướng: Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát. Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Chúa luôn luôn giải thoát.

Alleluia: Ga 16, 7 và 13

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến, người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 3, 31-36

“Ðức Chúa Cha thương mến Con Ngài, nên ban toàn quyền trong tay Con Ngài”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, ông Gioan nói để làm chứng về Chúa Giêsu rằng: “Ðấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Ðấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Ðiều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chấp nhận. Ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Ðấng chân thật. Ðấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con. Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui nhận bao ý nguyện cầu, cùng với những lễ vật chúng con dâng làm hy lễ. Chúa đã thương thanh tẩy chúng con, xin ban ơn phù trợ giúp chúng con ăn ở thế nào cho xứng với mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Này đây Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống muôn đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

1. “CƠN THỊNH NỘ” CỦA THIÊN CHÚA

Trong bốn sách Phúc Âm, chỉ một lần duy nhất chúng ta đọc thấy thuật ngữ “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa. Chúng ta càng khó hiểu hơn khi mà chính Thánh Gio-an, người đã đưa ra định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu, lại sử dụng thuật ngữ này, cách đặc biệt trong bối cảnh của đoạn Tin Mừng đang nói về sự yêu thương, về niềm tin và sự sống đời đời. Liệu “cơn thịnh nộ” có phải là một cách diễn tả của sự giận giữ, hận thù? Thưa không phải thế. Thậm chí đây là một yếu tố cần thiết của tình yêu đối với những người muốn từ chối tình yêu.

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người. Thiên Chúa biết con người chỉ là thân phận bụi tro và sẽ trở về cát bụi. Ngài biết con người yếu đuối và tội lỗi. Do đó Ngài đã sai Con Một xuống trần để giải thoát và đem lại sự sống đời đời cho con người. Đức Giê-su, Đấng là sự sống, Đấng từ trời cao uy linh đang hiện diện “dưới đất” để mạc khải cho con người về tình yêu của Thiên Chúa. Người là món quà quý giá mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Tuy nhiên, chỉ có những ai tin vào Đức Giê-su, nghĩa là chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa, mới có sự sống đời đời. Còn những kẻ từ chối Người, là đang từ chối tình yêu và lời mời gọi bước vào sự sống viên mãn từ Thiên Chúa. Giờ đây, chúng ta hiểu rằng vì sao “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa đè nặng lên những kẻ không tin Con của Ngài. Ngài “giận dữ” vì thương họ, vì tiếc cho họ đã không chọn phần phúc về mình. Họ đã muốn xa rời Chúa và đương nhiên Ngài luôn tôn trọng sự lựa chọn đó.

Ngày hôm nay, có lẽ Thiên Chúa vẫn còn đang nổi “cơn thịnh nộ” với nhiều người trong số chúng ta. Mỗi khi chúng ta phạm tội, là một lần chúng ta từ chối Đức Giê-su, từ chối tình yêu của Thiên Chúa. Xin Ngài vẫn tiếp tục yêu thương và giúp chúng ta nhìn nhận lại những thiếu sót của bản thân, là những suy nghĩ và hành động thuộc về “dưới đất”, qua đó chúng ta sửa đổi và hoàn thiện chính mình để cùng hướng về trời cao, là nơi Thiên Chúa ngự trị.

Lm. Gio-an Trần Văn Viện

2. GIỮ LẤY BẢN SẮC CỦA MÌNH

Ngày nay, trên thế giới, người Việt Nam của chúng ta gần như có mặt hầu hết nơi các quốc gia! Để gợi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về nguồn gốc, văn hóa Việt!

Trong các buổi hội họp đó, gần như không thể quên, người ta luôn nhắc nhớ nhau hãy giữ gìn bản sắc, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt, cho dù hiện diện ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì!

Tại sao vậy? Thưa, con người chỉ có thể lớn lên cách quân bình khi người ta còn giữ được bản chất, văn hóa, truyền thống của dân tộc mình. Nếu không, họ là một người thiếu trưởng thành!

Là người Công Giáo, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở thành Kitô hữu, tức là chúng ta mang trong mình hình ảnh Đức Kitô. Nói cách khác, chúng ta thuộc về Đức Kitô. Vì thế, bổn phận của chúng ta phải làm sao cho Đức Kitô được hiện tại hóa trong lời nói, hành động và cử chỉ của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải khước từ những gì không phù hợp với bản chất của mình.

Hôm nay, vẫn trong trình thuật giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, nhưng câu chuyện ngày càng đi sâu vào cốt lõi của vấn đề, đó là, Đức Giêsu cho Nicôđêmô biết được bản chất của Ngài và những công việc Ngài làm do được lãnh nhận từ Chúa Cha, Ngài nói: “Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3, 34 – 35).

Với câu chuyện trên, qua Nicôđêmô, Đức Giêsu mở rộng ra cho mọi người thấy được tầm quan trọng và giá trị cho những ai được hạnh phúc thuộc về Đức Giêsu, đồng thời cũng mạc khải cho biết hậu quả của những kẻ không tin: “Ai tin vào người Con, thì được sự sống đời dời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con, thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3, 36.

Xin Chúa ban cho chúng ta biết luôn luôn ý thức mình thuộc về Đức Kitô và phải có trách nhiệm làm cho Đức Kitô lớn lên và rạng ngời ngang qua cuộc sống của chúng ta. Amen.

Giuse Vinsơn Ngọc Biển SSP

 

BÀI VIẾTMỚI NHẤT

Thông báo Xa Quê